Công an TP.HCM khởi tố bị can Huỳnh Phước Long, nguyên thành viên HĐQT Sadeco

Ngọc Lê
Ngọc Lê
17/06/2020 16:50 GMT+7

Công an TP.HCM đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam với một số bị can liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco)

Ngày 17.6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM đã thi hành các lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam với một số bị can liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Bị can Huỳnh Phước Long (53 tuổi, ngụ P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco) được tại ngoại.
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Đỗ Công Hiệp (47 tuổi, kế toán trưởng Sadeco) và bị can Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận). Tuy nhiên Thiện đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM bắt giữ trước đó để điều tra các sai phạm trong việc chuyển nhượng 32 hecta đất công đã đền bù xã Phước Kiển, H.Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai).
Các bị can đều bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3, điều 219 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Sáng 17.6, PC03 tiến hành khám xét nhà của bị can Huỳnh Phước Long (53 tuổi, ngụ P.4, Q.Tân Bình, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco) thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ án

Ảnh: ĐỘC LẬP

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, khoảng 11 giờ ngày 17.6, PC03 đã thực hiện lệnh khám xét tại nơi ở của bị can Huỳnh Phước Long (đường Cách Mạng Tháng 8, P.4, Q.Tân Bình) và nơi làm việc của Long.
CQĐT thu giữ được một số tài liệu liên quan đến vụ án. Ngoài Long, CQĐT cũng khám xét nơi ở và nơi làm việc của bị can Đỗ Công Hiệp.
Công an TP.HCM cũng đã ra thông báo việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với Huỳnh Phước Long để điều tra vụ án từ nay đến ngày 14.9.2020.
Theo thông tin ban đầu, các bị can đã có hành vi sai phạm xảy ra tại Sadeco. Hiện PC03 đang điều tra mở rộng, làm rõ sai phạm của những người liên quan.

Thất thoát hàng trăm tỉ đồng qua chuyển nhượng cổ phần 

 
Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 5 vào năm 2015 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp, vốn điều lệ của IPC lên đến hơn 2.900 tỉ đồng.
Sadeco là công ty liên kết với IPC.
Thời điểm năm 2015, Sadeco có vốn điều lệ 170 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%), đặc biệt là quỹ đất thực hiện dự án lớn với hơn 61 ha... Theo Thanh tra TP, nếu IPC tiếp tục đầu tư vào Sadeco thì khả năng nhanh chóng thu hồi được vốn và gia tăng giá trị tài sản. Thế nhưng, trên thực tế, IPC đã chủ động giảm tỷ lệ sở hữu vốn rất bất thường.
Tháng 3.2015, IPC tiến hành phiên đấu giá bán vốn sở hữu tại Sadeco, và Công ty Exim là nhà đầu tư trúng đấu giá mua số lượng hơn 5,2 triệu cổ phần của IPC (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, với mức giá trúng đấu giá 26.100 đồng/cổ phiếu. Vốn góp của IPC tại Sadeco sau khi chuyển nhượng cho Công ty Exim còn lại hơn 74 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ vốn góp từ hơn 74% xuống còn 44%. Sau đó, Công ty Exim ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 5,2 triệu cổ phần này cho Công ty Nguyễn Kim với đơn giá 57.000 đồng/cổ phần, tổng số tiền hơn 287 tỉ đồng.
Theo đề án tái cơ cấu được UBND TP.HCM phê duyệt, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu tại Sadeco là 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco đang hoạt động lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, vào tháng 6.2017, IPC lại chỉ đạo biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8%. Sau khi phát hành cổ phiếu, Công ty Nguyễn Kim chiếm 34,6% vốn điều lệ Sadeco.
Kết luận thanh tra xác định Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu (tháng 9.2016), trong khi đó vào thời điểm tháng 6.2017, Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu; như vậy, thiệt hại thấp nhất là 153 tỉ đồng, chỉ tính chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu. Chưa kể, thời điểm từ đầu năm 2017 nhà đất khu nam TP ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên giá trị thiệt hại sẽ rất lớn.
Kết luận thanh tra cũng khẳng định, từ thực tế trên cho thấy việc chọn lựa đơn vị thẩm định giá không có năng lực phù hợp, không có chức năng thẩm định giá theo quy định, đã đánh giá giá trị tài sản không đầy đủ, không đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông nhà nước và các cổ đông hiện hữu...
Nghiêm trọng hơn, việc phát hành cổ phần tăng vốn để bán chỉ định cho một cổ đông (là Công ty Nguyễn Kim) không qua đấu giá, không đảm bảo pháp lý thẩm định giá, không thể hiện tính công khai, minh bạch... làm cho cổ đông nhà nước mất quyền chi phối, gây thiệt hại lợi ích của Sadeco và của cổ đông nhà nước. Theo kết luận thanh tra, thời điểm trước, trong và kể cả cho đến nay, không có quy định nào của nhà nước về việc chọn cổ đông chiến lược trong tiến trình tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phần.
Về các sai phạm, thiếu sót đã xảy ra, Thanh tra TP.HCM khẳng định trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.