Còn nhớ thì chưa mất Hoàng Sa

19/01/2017 21:14 GMT+7

'Còn nhớ thì chưa mất Hoàng Sa', ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nói tại cuộc gặp với những nhân chứng từng chiến đấu, công tác trên quần đảo Hoàng Sa, vào chiều 19.1.

Năm 2016, 2 nhân chứng khác đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Dù vậy, 12 nhân chứng, trong đó có người có tuổi đời trẻ nhất cũng đã 65 tuổi, vẫn đến dự đông đủ.
Mở đầu buổi gặp mặt, nhân chứng Trần Hòa (65 tuổi, trú tại H.Duy Xuyên, Quảng Nam) xúc động nói: "Tất cả anh em chúng tôi luôn đau đáu về Hoàng Sa, không bao giờ quên Hoàng Sa. Tuổi thanh niên của chúng tôi đã ra trận ở Biển Đông để giữ phần máu thịt của Việt Nam".
“Chúng tôi không thể giữ được phần đất của Tổ quốc nhưng đến bây giờ nhìn việc làm của chính quyền, chúng tôi rất vui mừng. Chúng ta có Nhà trưng bày Hoàng Sa, Nhà tưởng niệm ở đảo Lý Sơn. Chúng ta có những cuộc họp và chương trình nói về biển đảo. Những chương trình đó làm cho chúng tôi, những người lính Hoàng Sa còn sống ở đây, rất an ủi”, ông Hòa nói.
Nhân chứng Trần Hòa xúc động cho biết, không bao giờ quên ký ức về Hoàng Sa ẢNH: HOÀNG SƠN
Ông Hòa cho biết, ông luôn dặn dò con cháu mình Hoàng Sa là của Việt Nam và Việt Nam sẽ bằng mọi giá lấy lại Hoàng Sa. “Dù rằng 10 năm, 20 năm, 100 năm, thế hệ này không lấy lại được thì thế hệ sau sẽ lấy lại. Việc làm của chính quyền đã khẳng định Việt Nam không bao giờ bỏ Hoàng Sa”, ông Hòa khẳng định.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho biết, cách đây 2 năm, Hội Khoa học lịch sử phối hợp với Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng biên soạn một cuốn tài liệu về lịch sử địa phương để kết hợp giảng dạy lịch sử chủ quyền đối với Hoàng Sa, từ cấp THCS đến THPT.
“Trên cả nước hiện nay, chỉ có Đà Nẵng đưa chương trình lịch sử địa phương vào giảng dạy. Tôi nhiều lần phát biểu, làm sao Bộ GD-ĐT chỉ đạo để đưa vào sách giáo khoa lịch sử Hoàng Sa chung cho cả nước chứ không riêng Đà Nẵng”, ông Tiếng trăn trở.
Theo ông Tiếng, ngày 19.1 hằng năm là ngày tưởng niệm mất Hoàng Sa nhưng đối với người dân Đà Nẵng, ngày nào cũng là ngày 19.1.
Năm 2016, 2 nhân chứng Hoàng Sa đã qua đời nên năm nay chỉ có 12 nhân chứng đến dự gặp mặt ẢNH: HOÀNG SƠN
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn (bìa phải) giới thiệu sách về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa ẢNH: HOÀNG SƠN
“Đà Nẵng giải phóng cách đây 43 năm nhưng chúng tôi chưa bao giờ gọi Đà Nẵng "hoàn toàn giải phóng". Làm thế nào gọi là hoàn toàn khi mà còn nguyên một huyện đảo bị quân đội nước ngoài chiếm đóng trái phép… Còn nhớ là chưa mất, chỉ mất khi vĩnh viễn quên đi. Trách nhiệm của chúng ta, của các nhân chứng là làm sao cho con cháu, thế hệ trẻ Việt Nam luôn nhớ Hoàng Sa là của chúng ta”, ông Tiếng phát biểu.
Nên thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa
Tại buổi gặp mặt, nguyên Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đã đưa ra ý kiến "nên thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa". Ông Ngữ nói: “Chúng ta nên thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa. Tôi nghĩ rằng những người đánh cá ở Hoàng Sa có thể thành lập được hiệp hội vừa bảo vệ chủ quyền vừa có hoạt động đúng nghĩa trong khi chưa có dân, có đất ở đó”.
Nguyên Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa Đặng Công Ngữ phát biểu tại cuộc gặp mặt ẢNH: HOÀNG SƠN
Ông Ngữ cũng cho rằng, địa vị pháp lý của UBND H.Hoàng Sa cần phải sớm được khẳng định. Theo ông Ngữ, hiện theo luật, địa vị pháp lý của huyện đảo còn chông chênh. UBND Hoàng Sa cần phải thành lập theo dạng là một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để có cơ chế riêng.
“Theo quy định, Chủ tịch UBND huyện phải được HĐND bầu nên Nhà nước cần thành lập ngay huyện; phải có dân, có đất để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của UBND huyện theo luật quy định. Phải củng cố việc này…”, ông Ngữ nhấn mạnh. Ông Ngữ cũng cho rằng, cần thiết phải thành lập quỹ về Hoàng Sa để sưu tầm hiện vật quý hơn.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhấn mạnh, còn nhớ là chưa mất, chỉ mất khi vĩnh viễn quên đi Hoàng Sa ẢNH: HOÀNG SƠN
Còn ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, phương án lâu dài nhất là Hoàng Sa phải có dân. “Trước giải phóng, năm 1969, người ta đã kéo Hoàng Sa về đất liền và đã thành lập xã Hòa Long thuộc Hoàng Sa, trong đó bao gồm xã Hòa Long và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; đã có tiền lệ. Lần nữa tôi tha thiết đề nghị UBND H.Hoàng Sa có văn bản gửi và tôi tin có hiệu quả”, ông Tiếng nói. 
Vào chiều cùng ngày (19.1), các nhân chứng đã đến thắp hương cho 2 nhân chứng khác đã qua đời trong năm 2016 là ông Tạ Hồng Tấn và Ngô Tấn Phát.
UBND H.Hoàng Sa cũng đã tổ chức xe đưa các nhân chứng đi thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, hiện đã thi công xong phần thô.
Các nhân chứng Hoàng Sa đến thắp hương cho nhân chứng Ngô Tấn Phát qua đời vào ngày tháng 4.2016 ẢNH: HOÀNG SƠN
Tại buổi gặp mặt, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP kiêm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa cho biết, năm 2016, UBND huyện đã thường xuyên trao đổi với các phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài về vấn đề Hoàng Sa.
Theo ông Đồng, bản thân quần đảo ruột thịt không chỉ nhận được sự quan tâm của báo chí trong nước mà còn trên thế giới.
“Chúng tôi đã trao đổi với báo nước ngoài như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan… để thông tin việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài cũng đến nghiên cứu và UBND huyện đã cung cấp tài liệu để họ hiểu thêm…”, ông Đồng nói.
Ông Đồng cũng thông tin, trong năm 2016, UBND huyện đã nhận được 10 kỷ vật quý của trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng (người đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19.1.1974) từ bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa (trú tại TP.Cần Thơ là vợ và con trai trung sĩ Trọng).
Tính đến nay, UBND H.Hoàng Sa đã thu thập, chọn lựa 400 bản đồ, ảnh tư liệu và tư liệu về quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ đăng ký, vào sổ kiểm kê. Các tài liệu này đã được chọn lựa và đưa vào đề cương trưng bày và được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.