Còn đùn đẩy trách nhiệm, dân còn khổ dài dài

13/07/2020 05:34 GMT+7

Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết việc xử lý tiếng ồn, bao gồm tiếng ồn từ loa kẹo kéo , có 4 đơn vị tham gia, nhưng khi có việc thì cán bộ phụ trách... đùn đẩy qua lại.

Như Thanh Niên thông tin, trong phần chất vấn Giám đốc Sở VH-TT về lĩnh vực văn hóa do HĐND TP.HCM tổ chức hôm 11.7, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP, cho rằng tại các cuộc họp khu phố và tổ dân phố, người dân phản ánh bị làm phiền bởi tiếng ồn karaoke bằng loa kẹo kéo. Tuy nhiên, Nghị định 167/2013 chỉ quy định xử lý hành vi gây ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, điều đó có nghĩa khoảng thời gian còn lại “không có ai chi phối”, nhất là những tiệc tùng có người nhậu...

Khi trụ sở phường trở thành nơi chứa... loa kẹo kéo - Video thực hiện tháng 5.2018

Không riêng gì ở TP.HCM, người dân trên cả nước đều mong muốn chính quyền mạnh tay dẹp vấn nạn này.

Kim Cuc

Còn Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dẫn chứng thực tế cho thấy trách nhiệm giữa các sở, ngành chưa thống nhất, trong đó có tình trạng “khi tiếp cận sự việc, cán bộ văn hóa của quận lại nói rằng trách nhiệm thuộc về ngành TN-MT và công an”. Do đó, bà Lệ đề nghị Giám đốc Sở VH-TT chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật và các bộ tiêu chí văn hóa để làm tốt tuyên truyền về hoạt động văn hóa, xử lý tiếng ồn, bao gồm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo…

Sao lại đùn đẩy trách nhiệm ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất bức xúc khi đọc thông tin về sự đùn đẩy trách nhiệm. “Chuyện đơn giản vậy mà không giải quyết cho dân lại đùn đẩy nhau. Nếu còn đùn đẩy như vậy thì dân còn khổ dài dài. Theo tôi cứ quy trách nhiệm thật cụ thể của từng lực lượng liên quan. Khi có sự việc xảy ra thì căn cứ trên nhiệm vụ đã phân công mà xử lý kỷ luật”, BĐ Nguyễn Huy nêu quan điểm.

Mỗi hộ ký cam kết thực hiện với UBND phường và giao tổ dân phố, Công an khu vực trực tiếp theo dõi 24/24. Chủ tịch phường và công an phường cùng chịu trách nhiệm nếu như sai phạm kéo dài quá 1 tiếng.

Võ Lâm Nguyên

“Đọc thông tin xong bỗng dưng thấy buồn... Ấy là chỉ có việc lo cho sự nghỉ ngơi của dân mà các ban ngành lại đùn đẩy trách nhiệm. Không chừng sau chất vấn này, mọi việc như ném đá ao bèo! Thiết nghĩ có gì khó xử đâu. Nó cũng giống như trật tự lòng lề đường, giao cho phường xã chịu trách nhiệm. Giao cho hương ước còn lâu mới giải quyết xong. Vấn nạn này từ lâu rồi. Cần “thuốc” mạnh đô hơn”, BĐ Công Thành ý kiến.
Trong khi đó BĐ Thái viết: “Buồn! Sao trách nhiệm của mình quản lý lại đùn đẩy cho các đơn vị khác, mà ở đây chỉ có chuyện nhỏ là cái loa di động thôi. Nên xem lại năng lực của mình, nếu không đáp ứng được thì xin nghỉ để người khác làm”. Tương tự, BĐ Chanh Nguyen bức xúc: “Chỉ có vấn đề xử lý về tiếng loa gây ồn cho cuộc sống địa phương trên địa bàn quản lý mà không dẹp được thì các cán bộ quản lý phải xem lại trách nhiệm của mình”.

Cần quy trách nhiệm cụ thể cho mỗi lực lượng

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý vi phạm tiếng ồn không có gì là khó, quan trọng là những người có trách nhiệm chịu làm hay không mà thôi. “Muốn quản lý được một cách hiệu quả thì về nguyên tắc cứ “nắm kẻ có tóc” rồi đúng theo luật mà xử, trừ khi không quyết liệt chứ có gì mà phải than khó khi mà địa phương luôn có lực lượng nhiều thành phần hùng hậu? Chỉ có một cái khó đối với dân là... khó tin các cơ quan chức năng không làm được chuyện này mà thôi”, BĐ Viet Linh bức xúc.
BĐ Vietroad thẳng thắn: “Cứ quy trách nhiệm cụ thể cho một bộ phận nào đấy, không làm được thì kỷ luật. Vậy thôi!”. Đồng quan điểm, BĐ Khanh Nguyen đề xuất cụ thể hơn: “Tôi ủng hộ đề xuất chủ tịch và trưởng công an phường, xã phải chịu trách nhiệm chính. Đặc biệt là công an khu vực phải cương quyết xử phạt các hộ gia đình, cá nhân gây ồn ào khu phố, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.