Côn đồ ‘đại náo’ bệnh viện, Bộ Y tế tính sao để bác sĩ khỏi… đổ máu?

Duy Tính
Duy Tính
26/01/2019 13:43 GMT+7

Trước vấn nạn nhức nhối “ côn đồ đại náo ” tại các bệnh viện, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có quyết sách hành động…

Ngày 26.1, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện cả nước có 1.365 bệnh viện (chưa kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý), với tổng số 253.447 giường bệnh, và gần 590.000 cán bộ y tế.

Hằng năm, các cơ sở bệnh viện trên cả nước đã khám trên 160 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 28 triệu lượt người.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế.

Nghiêm trọng hơn, một số kẻ côn đồ “đại náo” gây mất an ninh trật tự, an toàn bệnh viện, gây bức xúc dư luận. Thậm chí một số vụ phạm tội đã xảy ra trong cơ sở y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.

Hàng loạt vụ “đại náo” chấn động dư luận

Các vụ việc điển hình, như: ngày 16.8,2011, tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình), người nhà bệnh nhân đâm chết 1 bác sĩ và làm bị thương nặng 1 bác sĩ khác, vì cho rằng các bác sĩ đã chậm trễ trong việc cứu người thân của họ.

Ngày 10.7.2012, tại Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, hơn 30 người thân của sản phụ kéo đến Bệnh viện đập phá, và yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân.

Ngày 12.8.2013, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong khi đang cố gắng cấp cứu cho bệnh nhân thì các bác sĩ và nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân lao vào đánh, khiến 2 bác sĩ đổ máu, tổn thương về mắt, 2 y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân sau đó còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này.

Ngày 25.7.2014, tại Bệnh viên Bạch Mai, trong khi các bác sĩ tại phòng cấp cứu đang khám cho bệnh nhân, thì bị người nhà bệnh nhân hành hung, đánh 2 bác sĩ, sau đó xông vào giường bệnh đánh điều dưỡng gây ngất tại chỗ.

Ngày 9.1.2014, tại Bệnh viện đa khoa Q.7 (TP.HCM) xảy ra vụ bắt cóc trẻ em.

Ngày 18.4.2016, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng một nhóm côn đồ mang súng đến bệnh viện truy sát bệnh nhân sau khi bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu với tình trạng đa chấn thương do bị đánh trước đó.

Nạn côn đồ "đạo náo" bệnh viện gây ra nhiều bức xúc và cả bất an ẢNH: DUY TÍNH

Ngày 28.9.2017 tại Trung tâm Y tế Phú Ninh (Quảng Trị) trong lúc các điều dưỡng, bác sĩ Khoa khám - cấp cứu đang tiến hành tiếp cận bệnh nhân, thì một nhóm thanh niên xông vào đánh nhân viên lái xe của Trung tâm, đập phá tài sản tại Khoa cấp cứu.

Mới đây nhất, ngày 4.4.2018 tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, khi nhân viên y tế phát hiện người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã hết hạn, đã bị người nhà bệnh nhân gây rối, hành hung nhân viên y tế.

Theo số liệu theo dõi của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các vụ việc thời gian qua chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15% số vụ việc)...

90% số vụ việc xảy ra trong phạm vi khuôn viên bệnh viện, trong đó 30% số vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc, nhân viên y tế đang giải thích cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà người bệnh như vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh hay vụ bệnh nhân đã vào viện điều trị sau đó bị côn đồ dùng hung khí truy sát. 

Bộ Y tế chủ trì, huy động các bộ ngành và địa phương vào cuộc

Trước vấn nạn nhức nhối “côn đồ đại náo” tại các bệnh viện, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có quyết sách hành động.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế phấn đấu đến hết năm 2020 giảm từ 15 - 20% số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến công tác an ninh trong cơ sở y tế ẢNH: DUY TÍNH

Mục tiêu chung của đề án là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp, lãnh đạo ngành y tế, cán bộ, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân và của toàn xã hội, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong các cơ sở y tế.

Bộ Y tế phấn đấu đến hết năm 2020 giảm từ 15 - 20% số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến công tác an ninh trong cơ sở y tế.

Mục tiêu định hướng đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong các cơ sở y tế...

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2019 đến năm 2020. Cơ quan quản lý đề án: Bộ Y tế (Thanh tra Bộ làm đầu mối). Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Tài chính, các Bộ có quản lý cơ sở y tế, bao gồm: Bộ NN - PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công thương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.