Con dâu, con trai thẳng tay đánh đập mẹ già phải bị xử lý hình sự

29/02/2020 10:55 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi đánh đập mẹ già là hành vi bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo các luật sư, hành vi người con dâu, con trai thẳng tay đánh đập mẹ già, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự
Ngày 26.2, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều đoạn clip do camera an ninh ghi lại cảnh một cụ bà đang nằm trên giường thì bị con dâu và con trai dùng tay và roi đánh đập liên tục vào người khiến cộng đồng mạng bức xúc. Theo thời gian hiển thị trên đoạn clip thì sự việc diễn ra vào ngày 24.2.2020, trước sự chứng kiến của một bé gái trong nhà. Căn cứ vào những đoạn clip trên, vợ chồng con trai đã đánh đập cụ bà nhiều lần trong ngày.

Con dâu, con trai thẳng tay đánh đập mẹ già không thương tiếc

Phải xử lý hình sự

Luật sư Sinh Nguyễn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi của hai vợ chồng con trai trong đoạn clip phải bị xử lý căn cứ theo khoản 2, điều 1, luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Còn luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, thông qua đoạn clip đã thấy rõ hành vi người con dâu, con trai đánh đập tàn nhẫn mẹ già. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng phải đến tiến hành xác minh, lập biên bản, đồng thời đưa người mẹ đi giám định thương tật, nếu tỉ lệ thương trên 11% thì tiến hành khởi tố.
“Nếu việc hành hạ gây thương tích, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, luật sư cho biết.
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, trong trường hợp này, con cái đánh, đập tàn nhẫn mẹ già là không đúng về đạo đức, văn hóa của con người Việt Nam và được xem là bất hiếu. Vì vậy, đây là hành vi đối xử tàn ác, trái đạo đức với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Tội danh này được quy định tại khoản 2, Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) bổ sung, việc người con dâu, con trai dùng tay và roi đánh đập tàn nhẫn mẹ già cần phải xử lý hình sự, vì cả hai vợ chồng cùng đánh, kéo lê bà cụ và thực hiện nhiều lần, trong nhiều ngày và có sử dụng hung khí.
Theo luật sư Ngọc Nữ, trong trường hợp này, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, điểm a, điều 185, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Tước quyền thừa kế di sản

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, rằng một vấn đề nữa mà ít người để ý, đó là ngoài vấn đề bị xử lý hình sự, người con trai còn có thể bị tước quyền thừa kế di sản của mẹ để lại khi bị xử lý hình sự về hành vi ngược đãi mẹ mình.
Luật sư Sang chia sẻ: “Tôi cho rằng Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tước quyền thừa kế của người có hành vi ngược đãi, xúc phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản là một quy định hết sức thiết thực. Quy định này sẽ làm cho người ta ý thức hơn về việc quyền và nghĩa vụ của người được hưởng di sản đối với người để lại di sản, và đặc biệt người để lại di sản lại là cha mẹ, ông bà của người nhận di sản. Điều luật này nó cũng nhắc nhở thêm con người ta đạo lý làm người, trong bắt cứ mọi trường hợp không có quyền có hành đánh đập mẹ già, cha”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.