Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, con người của doanh nghiệp và doanh nhân

18/03/2018 18:00 GMT+7

Chú Sáu Khải, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, một người yêu nước thương dân, luôn quan tâm đến doanh nghiệp với quan điểm 'dân có giàu, nước mới mạnh' và 'xã hội có bình yên, gia đình mới hạnh phúc'…

Sáng 17.3 nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Kích, nguyên thư ký của chú Sáu Khải báo tin chú Sáu đã mất lúc 1 giờ 30 phút.
Thế là chú Sáu Khải đã thật sự ra đi sau gần 3 tháng được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình chăm sóc. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra đi thật rồi. Một nén trầm hương, cầu cho linh hương chú Sáu Khải được về với tổ tiên, gia đình, về với các bậc hiền nhân...
Tôi nghĩ về những khoảnh khắc, những lúc được tiếp xúc và làm việc với chú Sáu Khải, không khỏi bùi ngùi.
Năm 1984, Công ty dịch vụ quận 10 mà tôi làm phó giám đốc phát triển tốt, được xem là lá cờ đầu của TP về ngành kinh doanh dịch vụ, và cũng được xem như mô hình dịch vụ thí điểm của T.Ư. Vì thế nhiều lãnh đạo Đảng và nhà nước đến thăm. Năm 1986, khi làm Chủ tịch TP.HCM, chú Sáu Khải đã đến thăm công ty. Lần thăm đó với phần trình bày của ban giám đốc công ty đã tạo được sự chú ý của vị Chủ tịch UBND TP.
Năm 1987, tôi làm Giám đốc Xí nghiệp giày da, may mặc Quận 10, sau đó đổi tên là Công ty xuất nhập khẩu Legamex. Hoạt động kinh doanh sản xuất ngày càng phát triển mạnh nên nhân sự ngày càng đông. Ngoài số công nhân làm việc trực tiếp có lúc lên đến 4.000 người, Legamex còn giải quyết công việc làm cho khỏang 15.000 lao động ở các xí nghiệp vệ tinh.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong lần gặp gỡ doanh nghiệp khi ông làm Chủ tịch UBND TP.HCM Tác giả cung cấp
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Khải có lần tổ chức cuộc họp nhỏ, mời một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn thành phố để tham vấn cho TP.HCM về hướng phát triển mở rộng xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của TP. Tôi được mời đến dự và phát biểu theo hình thức tọa đàm. Sau cuộc họp đó, anh Nguyễn Văn Kích gọi điện thoại cho tôi nói chú Sáu Khải đánh giá tốt ý kiến của tôi.
Với những thành tích kinh doanh có hiệu quả mà Legamex đạt được, Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB đồng ý về nguyên tắc cho công ty vay vốn tín dụng dài hạn với điều kiện phải có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đây lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam vay vốn ngân hàng quốc tế để đầu tư sản xuất phục vụ các hiệp định thương mại với Liên Xô nên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước do chú Sáu Khải làm chủ nhiệm và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất ủng hộ, giúp đỡ thủ tục rất nhanh chóng.
Ngày 31.8.1989, Công ty Legamex đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng đầu tư quốc tế MIB vay 6 triệu USD. Sau khi đầu tư vào nhà máy may mặc chúng tôi tiếp tục được MIB hỗ trợ thêm 6 triệu USD cho dự án sản xuất giày dép. Ngân hàng thanh toán quốc tế MBES cũng cho vay 1 triệu USD vốn lưu động.
Vị thủ tướng với nhiều quyết sách kinh tế thành công
Thời kỳ ấy, luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn rất mới. Các khách hàng khi đến Việt Nam thường đề nghị được giới thiệu đến tham quan và rất tin tưởng vào phong cách kinh doanh của Legamex.
Năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm công ty Legamex. Năm 1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đến thăm Legamex. Những năm ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó thủ tướng Trần Đức Lương, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, và nhiều bộ trưởng đến thăm, động viên mô hình sản xuất đa dạng từ dệt kim, dệt nhãn hiệu, thêu, may, công nghiệp đóng giày thể thao của Công ty Legamex.
Chú Sáu Khải lúc đó đang đảm đương vị trí Phó thủ tướng cũng thường dẫn đầu đoàn các Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh thành đến nghiên cứu mô hình đầu tư công nghệ cao để phát triển thị trường xuất khẩu của Legamex.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ 20, Legamex đang phát triển suôn sẻ thì có một “sự cố” và số phận tôi lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này do thấu hiểu về khả năng và trách nhiệm của cán bộ, với vị trí Phó thủ tướng Chính phủ, chú Sáu Khải đã thẳng thắn có công văn bảo vệ cán bộ của mình, trong đó có tôi.
Sau khi mọi việc rõ ràng, tôi được chuyển công tác về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thủ tướng Phan Văn Khải mừng khi tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc VCCI. Tháng 5 năm 2004, tôi được tháp tùng đoàn Thủ tướng Chính phủ đi Trung Quốc và Mông Cổ dự các hội thảo về quan hệ đầu tư song phương. Tôi rất vinh dự được đến thăm Đại học nông lâm Mông Cổ và tham dự lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng với nhiều quyết sách kinh tế thành công trong thời kỳ đầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, một thời kỳ phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.
Chú Sáu Khải, cố Thủ tướng Phan Văn Khải mãi mãi là một vị Thủ tướng của dân, vì dân và được người dân kính trọng.
Rất vui khi có người miền Nam ra chơi
Ngày ấy tôi gọi chú Sáu Khải bằng “chú” nhưng lại gọi bà Nguyễn Thị Sáu, phu nhân chú Sáu Khải bằng “chị”. Vì lúc quen chị ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tôi không biết chị là vợ Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Khải. Năm 1989 chú Sáu Khải về T.Ư nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, chị Sáu cũng ra Hà Nội theo chồng. Năm 1992, chú Sáu Khải được bầu là Phó thủ tướng và sau này là Thủ tướng. Thỉnh thoảng ra công tác tại Hà Nội, tôi gọi điện thoại cho chị Sáu và đến ăn cơm với chị, có gì ăn nấy, tự lục bếp ăn thoải mái.
Chị Sáu rất vui khi có khách từ miền Nam ra chơi. Ngày ấy không phải ai cũng dễ đi công tác Hà Nội như bây giờ nên chị buồn vì nhà vắng chỉ có hai ông bà mà chú Sáu thì họp suốt.
Một lần tôi ra Hà Nội cùng chuyến bay với các anh chị lãnh đạo  TP.HCM, tôi rủ các chị đến thăm anh và báo cho chị Sáu. Chiều hôm sau, khi chúng tôi đến nhà đã thấy mâm cơm ngon hơn mọi ngày dọn sẵn. Chú Sáu Khải đang chờ. Chú bảo đãi khách miền nam ăn ngon một chút có sao đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.