Cơ sở kinh doanh 'nhạy cảm' treo cam kết 'không khiêu dâm': Có thể bất cập

11/07/2016 10:05 GMT+7

Các cơ sở kinh doanh ngành nghề 'nhạy cảm' ở TP.HCM sẽ phải treo 'cam kết không khiêu dâm'. Quy định này khi triển khai có thể vấp phải nhiều bất cập.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa chấp nhận cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai mẫu bản cam kết về phòng chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, tệ nạn mại dâm trên địa bàn hiện diễn biến phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nó diễn ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú hoặc ăn chơi thác loạn tại một số nhà hàng, quán bar, vũ trường…
Quy định pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng nào về hành vi khiêu dâm Ảnh minh họa: Hải Nam
Bắt treo, dán cam kết "không khiêu dâm" là chưa đúng luật
Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) nêu ý kiến: theo quy định khoản 5 điều 3 Nghị đinh 178/2004/NĐ - CP ngày 15/10/2004 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, được định nghĩa như sau: Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục. 
Có thể nói, do chưa có định nghĩa hay quy định rõ ràng nào về thế nào là hành vi khiêu dâm nên dẫn đến sự lúng túng cho cơ quan chức năng khi xử lý hành vi này. Vì vậy, rất cần cơ quan chức năng đưa ra khái niệm hay định nghĩa cụ thể về hành vi khiêu dâm, làm cơ sở để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Theo quy định tại điểm đ điều 15 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm.
“Như vậy, bản thân các cơ sở kinh doanh đương nhiên phải chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm và nếu để xảy ra tệ nạn, họ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc quy định các cơ sở này phải dán cam kết "không khiêu dâm" là không đúng quy định của pháp luật. Việc này sẽ gây phản cảm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Về nguyên tắc luật không quy định thì không thể bắt buộc họ thực hiện, vì họ không thực hiện thì cũng không có căn cứ xử lý họ được”, LS Quynh phân tích.
Theo LS Quynh, các hành vi mua bán dâm đã có quy định xử lý rõ ràng, còn "hành vi ăn mặc" như thế nào được coi là khiêu dâm thì khó có căn cứ.
Với xã hội phát triển hiện nay, người dân ăn mặc theo nhiều cách mà chúng ta khó có căn cứ xác định hành vi đó là "khiêu dâm" được, LS Quynh phân tích thêm.
Luật hình sự chưa quy định cụ thể
LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS Long An) cũng nêu ý kiến, cho đến nay, hành vi khiêu dâm chưa có quy định trong BLHS và việc xử phạt hành vi này cũng rất hạn chế. Trong lĩnh vực kinh doanh cũng nghiêm cấm hành vi khiêu dâm là phương thức kinh doanh chứ không có quy định cụ thể về xử lý hành chính với các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.
Theo Điều 25 Nghị định 167/2013 thì hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm bị xử lý, cụ thể: phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
Đối với hình thức xử phạt bổ sung, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

tin liên quan

Mại dâm nam núp bóng mát xa 'cô nhỏ'

(TNO) Thời gian gần đây trên các trang mạng nở rộ dịch vụ mát xa cô nhỏ, với tên gọi là “massage yoni” và đang có biểu hiện biến tướng thành hoạt động mại dâm nam.

Hành vi khiêu dâm khác tình dục
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, trong đại từ điển tiếng Việt năm 1999 của tác giả Nguyễn Như Ý thì khiêu dâm được định nghĩa là: “Gây kích thích ham muốn về sắc dục, về xác thịt”. Còn theo quy định pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng nào về hành vi khiêu dâm.
Việc xử lý hành vi khiêu dâm trong các hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng chưa có quy định rõ ràng. Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể là các hoạt động tình dục khác có bao gồm khiêu dâm hay không? Bởi lẽ, hành vi khiêu dâm khác hành vi tình dục.
Về trách nhiệm hình sự thì theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không có quy định nào về xử lý hành vi khiêu dâm hay liên quan đến việc khiêu dâm.
Còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đã có quy định mới về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…
Có thể nói, do chưa có định nghĩa hay quy định rõ ràng nào về thế nào là hành vi khiêu dâm nên dẫn đến sự lúng túng cho cơ quan chức năng khi xử lý hành vi này. Vì vậy, rất cần cơ quan chức năng đưa ra khái niệm hay định nghĩa cụ thể về hành vi khiêu dâm, làm cơ sở để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.