'Cơ sở chữa bệnh Tây y đầu tiên tại Đông Dương' ghép tạng thành công hơn 900 ca

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
30/08/2019 18:09 GMT+7

Bệnh viện Trung ương Huế được vua Thành Thái ban sắc chỉ thành lập từ năm 1894, là cơ sở chữa bệnh Tây y đầu tiên tại Đông Dương, đã đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, nhân sự kiện 125 năm thành lập.

Ngày 30.8, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức kỷ niệm 125 năm hình thành và phát triển (1894 - 2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Dịp này, nhiều cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện cũng đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Được thành lập theo sắc lệnh của vua Thành Thái năm thứ 6 (năm 1894), với tên gọi là Bệnh viện Tây y - "Thương gia bệnh sở", mà người dân quen gọi là Nhà thương Huế, đến năm 1944 bác sĩ Gourvil, Giám đốc Bệnh viện đổi tên chính thức là Bệnh viện Trung ương Huế  (Hôpital Central de Huế).

Bản sao "Thương gia bệnh sở" trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí

Tư liệu do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân cung cấp

Một trong 3 bệnh viện đa khoa lớn và tiên tiến nhất Việt Nam

Trải qua 125 năm phát triển, Bệnh viện Trung ương Huế đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2000); được công nhận danh hiệu Bệnh viện hạng Đặc biệt của Bộ Y tế (năm 2009); là một trong ba bệnh viện đa khoa lớn và tiên tiến nhất Việt Nam; dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám, chữa bệnh; thực hiện được hầu hết các kỹ thuật của tất cả các chuyên khoa trong danh mục phân tuyến kỹ thuật của ngành y tế.

Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế đã trở thành điểm sáng trên bản đồ ghép tạng Việt Nam và thế giới khi có hơn 900 ca ghép tạng thành công.

Cụ thể, có 800 ca ghép thận được thực hiện thành công, trong đó có những ca ghép thận trên người bị cắt cả 2 quả thận, ghép thận trên các bệnh nhân có hệ thống mạch máu phức tạp, dùng kỹ thuật rửa thận ngược dòng… Có 5 ca ghép tim được thực hiện thành công, trong đó phần lớn là các ca ghép tim từ người hiến tim ở xa, phải vận chuyển tim bằng đường hàng không.

Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi và ghép tế bào gốc tủy xương với 91 ca ghép thành công... Ngoài ra, bệnh viện này cũng thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với 1.200 cháu bé ra đời, đồng thời thực hiện 7 ca mang thai hộ thành công.

Hướng đến trở thành thương hiệu quốc tế

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện bệnh viện có đội ngũ thầy thuốc chất lượng cao, gồm 10 giáo sư, phó giáo sư, 142 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, 376 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I, 554 bác sĩ, 110 dược sĩ, 1.568 điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên... phần lớn được tu nghiệp ở nước ngoài.

Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2045, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tập trung xây dựng “Trung tâm y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế”. 
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt cả 3 tiêu chí tương đương các trung tâm y tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, năm 2045 đạt cả 3 tiêu chí tương đương các trung tâm y tế lớn trong khu vực châu Á.
Trong 2 ngày 29 - 30.8, tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã diễn ra hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên của Hội Ung thư Việt Nam, do Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức.
Tham dự hội nghị có hơn 600 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó có 53 báo cáo khoa học, tham luận về nghiên cứu và điều trị ung thư của các chuyên gia nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.