Cơ sở cai nghiện còn trống 12.000 suất

Trong tổng số 11.953 người nghiện có nơi cư trú ổn định hiện nay trên địa bàn TP.HCM, chỉ có khoảng 200 người tự nguyện đi cai.

Trong tổng số 11.953 người nghiện có nơi cư trú ổn định hiện nay trên địa bàn TP.HCM, chỉ có khoảng 200 người tự nguyện đi cai.

Người nghiện không có nơi cư trú ổn định được chuyển vào cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức MinhNgười nghiện không có nơi cư trú ổn định được chuyển vào cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhiều người nghiện ma túy đến TP để sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật; trong đó có nhiều người trốn trường, trốn trại, có tiền án, tiền sự ẩn nấp, buôn bán và sử dụng ma túy làm gia tăng số người nghiện trên địa bàn TP.
Trong 5 năm (2010 - 2014), số người nghiện tại TP gia tăng bình quân hơn 17%/năm (năm 2009 là 9.467 người, năm 2010 có 11.042 người, năm 2011 có 13.127 người, năm 2012 có 15.887 người, năm 2013 có 17.744 người và năm 2014 tăng lên đến 19.213 người).
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết hiện các cơ sở cai nghiện thuộc TP đang tổ chức cai nghiện, giáo dưỡng cho khoảng 8.000 người nghiện với đa số là người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Riêng trong tổng số 11.953 người nghiện có nơi cư trú ổn định hiện nay trên địa bàn TP, chỉ có khoảng 200 người tự nguyện đi cai. Hiện cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện thuộc TP có khả năng tổ chức cai nghiện, giáo dưỡng cho khoảng 20.000 người nghiện.
Ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu (TP.HCM), cho biết thời gian trước, khi thực hiện đề án theo Nghị quyết 16 năm 2003 của Quốc hội, tổng kết chương trình, TP.HCM đã đưa hơn 30.000 người nghiện vào các trường, trung tâm cai nghiện. Hiện nay, khi thực hiện đề án theo Nghị quyết 77 năm 2014 của Quốc hội, sau hơn 1 năm thực hiện từ tháng 12.2014, riêng cơ sở Bình Triệu đưa được 1.500 học viên đi cai nghiện. Cũng theo ông Hoàng, TP.HCM đang quản lý 12 trường cai nghiện tại Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng (8 trường thuộc Sở LĐ-TB-XH, 4 trường thuộc lực lượng Thanh niên xung phong) với tổng sức chứa khoảng 20.000 người. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về tập trung đưa người nghiện đi cai, các cơ sở, trường cai nghiện đang nâng cấp, sửa chữa để tăng khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, với lưu lượng người nghiện từ các cơ sở xã hội đưa lên các trường cai nghiện hiện nay thì các trường vẫn chưa hoạt động hết công suất.
Vướng thủ tục
Thủ tục đưa người nghiện đi cai còn vướng mắc khiến TP.HCM đang đối mặt nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự khi có đến hơn 1 vạn người nghiện “ung dung” trong cộng đồng.
Ông Trần Ngọc Du thừa nhận việc đưa người nghiện đi cai vẫn còn vướng nhiều thủ tục, văn bản hướng dẫn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể nên khi tổ chức thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đơn cử: điều kiện đối với cơ sở cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu do quận, huyện chưa có đầy đủ cơ sở vật chất để hỗ trợ công tác cắt cơn và điều trị theo quy định tại điều 7 Thông tư liên tịch số 03/2012 của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế, Bộ Công an; thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy của người nghiện theo Thông tư liên tịch số 17/2015 của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định thời gian từ 3 - 5 ngày, trong khi đó chức năng tạm giữ người nghiện thì đến nay vẫn không có quy định cụ thể nên địa phương “bó tay”. “Bên cạnh đó, một số quy định “có độ vênh” và hiện cũng chưa có hướng dẫn thống nhất về cách quản lý người nghiện. TP gặp nhiều khó khăn lắm vì người nghiện trong cộng đồng trên toàn TP rất nhiều. Chưa kể hiện vẫn còn thiếu biểu mẫu kế hoạch cai nghiện cá nhân, đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện, giấy xác nhận hết thời hạn cai nghiện, trình tự thủ tục cưỡng chế thi hành đối với người nghiện không tự giác chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng... do các bộ ngành T.Ư ban hành”.
60% các vụ phạm pháp là do người nghiện
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), khẳng định: “TP.HCM là nơi đông người nghiện nhất cả nước do có nhiều người ở tỉnh, thành khác đến. Có đến 60% các vụ phạm pháp hình sự do con nghiện gây án”. Trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM, khẳng định: “TP không buông lơi công tác phòng chống ma túy nhưng thực tế việc đưa người nghiện đi cai đang gặp không ít khó khăn. Chủ tịch UBND TP đã giao Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Công an TP và các sở ngành liên quan tham mưu giải quyết vướng mắc, bất cập trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.