Cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn về thu thuế 45% với tài sản bất minh

Vũ Hân
Vũ Hân
31/05/2018 10:31 GMT+7

Thẩm tra lần 2 dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), UB Tư pháp băn khoăn giữa phương án thu thuế 45% hay xử phạt hành chính 45% với tài sản không xác minh được nguồn gốc, hoặc không quy định gì với tài sản này.

Tại báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội sáng 31.5, cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn giữa phương án thu thuế 45% hay xử phạt hành chính 45% với tài sản không xác minh được nguồn gốc, hay thậm chí không quy định gì với tài sản này.
Ủy ban Tư pháp băn khoăn vì hiện pháp luật chưa có quy định xử lý đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc. Mặc dù không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp, do người có nghĩa vụ kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Các nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều cách thức xử lý khác nhau đối với loại tài sản này.
Cho rằng đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội; pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản..., đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh “việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp”.
Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, về mặt pháp lý, theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự.
Mặt khác, theo quy định của bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.
Đáng lưu ý, đại diện cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp.
Ngoài 2 loại ý kiến như các phương án Chính phủ trình, cơ quan thẩm tra cũng có một số đề nghị khác, như tán thành việc xử phạt vi phạm hành chính 45% số tài sản chưa chứng minh được nguồn gốc đó, nhưng đề nghị quy định xử lý theo trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp (tương tự như trình tự, thủ tục tòa án quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng).
Theo đó, sau khi kết luận tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án quyết định việc xử lý tài sản. Theo phương án này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành pháp lệnh riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại tòa án đối với loại tài sản này.
Có ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện hành, tức là không thu. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh được tài sản này do tham nhũng, do phạm tội mà có thì tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc xử lý theo quy định của các luật có liên quan; đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm…). Ý kiến này cho rằng, nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định này, cũng đã đủ nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Do đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Uỷ ban Tư pháp không nêu rõ quan điểm mà xin ý kiến Quốc hội, đồng thời, đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài nhà nước; nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc; và những vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.