Có phòng khám tư 'phá thai làm ruột thai phụ bị lòi ra ngoài'

Duy Tính
Duy Tính
02/05/2019 15:42 GMT+7

Các phòng khám tư phá thai khi thai đã lớn. Có trường hợp phá thai làm ruột thai phụ bị lòi ra ngoài, nếu không đến bệnh viện kịp thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 2.5, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã tổ chức khảo sát về tình hình thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM sau 8 năm thực hiện (từ ngày 1.1.2011 đến 31.12.2018).
PGS - TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng lâu nay người nước ngoài (chủ yếu là bác sĩ Trung Quốc) hoạt động khám, chữa bệnh có những sai phạm, bị Sở Y tế TP phạt hành chính và đóng cửa phòng khám.
Tuy nhiên, hết thời hạn đóng cửa thì phòng khám hoạt động lại. Sở Y tế không thể rút chứng chỉ hành nghề (CCHN) của người nước ngoài, vì CCHN này là do Bộ Y tế cấp, Sở Y tế không có quyền.
Còn đại diện BV Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn bác sĩ Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc kê toa, lạm dụng thuốc của họ gây thiệt hại cho người bệnh không chỉ về kinh tế mà còn sức khỏe, tính mạng.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, cho hay thời gian gần đây có nhiều tai biến sản khoa đe dọa nghiêm trọng tính mạng bệnh nhân, liên quan đến bác sĩ phòng khám tư nhân, bác sĩ Trung Quốc .
“Các phòng khám tư phá thai khi thai đã lớn. Có trường hợp phá thai làm ruột  thai phụ bị lòi ra ngoài, nếu không đến bệnh viện kịp thì sẽ gây ra tình trạng thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc và tử vong”, bác sĩ Nhi nói.
Theo bác sĩ Nhi, vừa qua Sở Y tế tổ chức tập huấn, đào tạo về sản khoa như: phụ khoa, soi cổ tử cung, kế hoạch gia đình... cho bác sĩ Trung Quốc. Tất cả bác sĩ hướng dẫn đều nhận xét rằng các bác sĩ Trung Quốc còn phải học nhiều vì chưa nắm được căn bản.
“Qua hồ sơ các phòng khám bác sĩ Trung Quốc gửi đến, gồm kết quả siêu âm, toa thuốc… thì thấy rõ ràng họ không có khả năng về lĩnh vực sản khoa. Ngoài ra, phác đồ điều trị không phù hợp với chẩn đoán, sử dụng nhiều thứ thuốc không phù hợp, lạm dụng kháng sinh dẫn đến một ca bệnh có chi phí từ 30 - 50 triệu đồng là không hợp lý. Thông qua đào tạo thì thấy trình độ của họ rất quan ngại nên không có gì khó hiểu vì sao tai biến sản khoa xảy ra. Do vậy, họ cần đào tạo liên tục nhiều hơn nữa”, bác sĩ Nhi nói.
Bác sĩ Nhi cho rằng nhiều đồng nghiệp kêu gọi mạnh tay với bác sĩ Trung Quốc, cần có quy định nghiêm khắc trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung. Nên chăng giao quyền cho y tế địa phương vừa thẩm định phòng khám, cấp chứng chỉ hành nghề và giám sát thay vì Bộ Y tế cấp CCHN như hiện nay.
Mặt khác, một phần rào cản cho bác sĩ Trung Quốc hành nghề hiện nay là ngôn ngữ nên xảy ra tình trạng người phiên dịch chưa đảm bảo và dẫn đến việc thu giá quá cao. Do vậy, Sở Y tế TP đề nghị cần có quy định cụ thể và tiêu chuẩn về người phiên dịch.

Đình chỉ 2 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động tại TP.HCM

Trước đó, ngày 19.4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Phòng khám đa khoa Khang Thái (87 - 89 Thành Thái, Q.10, TP.HCM) với hình thức phạt tiền và tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động trong thời hạn 6 tháng. Thanh tra Sở đã chuyển hồ sơ đến UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi cho phiên dịch khám bệnh, "vẽ" tiền.

Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra Phòng khám đa Khoa Đại Đông (461 Cộng Hòa, Q.Tân Bình) và yêu cầu phòng khám tạm ngừng hoạt động. Hiện Thanh tra Sở Y tế đang tổng hợp hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính liên quan đến sai phạm trong chẩn đoán, thu tiền người bện của phòng khám này. 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.