'Có những đồng chí có sai phạm trong tuyển dụng nay đã là cán bộ cao cấp'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/11/2019 18:07 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận quy trình tuyển chọn cán bộ hiện nay có rất nhiều bước, thủ tục, tiêu chuẩn, nhưng lại chọn không đúng người.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Quốc hội chiều nay, 7.11, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề cập những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng trình tự, thủ tục; bổ nhiệm người nhà, người thân... và đề nghị Bộ trưởng công khai các trường hợp này để nhân dân được biết.

Nhiều đồng chí sai phạm nay đã là cán bộ cao cấp nên xử lý khó

Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, theo báo cáo của 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thì sai phạm trong công tác tuyển dụng là nhiều nhất, dù Bộ trưởng khẳng định những thông tin này không thể công bố tại phiên chất vấn.
“Có những tỉnh có tới 1.700 trường hợp sai phạm. Tất nhiên cũng có tỉnh chỉ vài ba chục trường hợp sai phạm”, ông Tân cho hay.
“Có những đồng chí có sai phạm trong tuyển dụng nay đã là cán bộ cao cấp nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý để vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt là chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp”, Bộ trưởng Nội vụ thông tin thêm.

Quy trình rất chặt nhưng vẫn chọn không đúng người

Tiếp tục chất vấn về vấn đề này, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp, và chất vấn Bộ trưởng Nội vụ: “Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá rồi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, tại sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, một bộ phận không đáp ứng yêu cầu? Như vậy nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới?”.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, quy trình 5 bước của chúng ta rất chặt, từ việc thảo luận chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho đến hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị mở rộng vòng 1, vòng 2, ban cán sự đảng, đảng ủy, nhân dân,… nhưng quan trọng là chúng ta không nắm được cán bộ.
“Như kinh nghiệm của Bác Hồ trong công tác cán bộ thì Bác chọn đúng người lắm. Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn nhưng chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ”, ông Tân thừa nhận.

Hồ sơ cán bộ chuyển đến đút vào tủ luôn, không đi xác minh

Theo Bộ trưởng Tân, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ vừa qua có việc quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức. Nhiều người khai không trung thực nhưng cán bộ quản lý không phát hiện được vấn đề.
“Rất nhiều bộ hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan, tổ chức đút vào tủ luôn, không đi xác minh”, ông Tấn nêu và cho biết, Bộ Nội vụ đã có quyết định giao cơ quan và người làm công tác tham mưu tổ chức cán bộ khi nhận hồ sơ phải thẩm tra, xác minh lại, chứ không phải chỉ thấy có chữ ký của ông vụ trưởng tổ chức, chữ ký của cơ quan trước gửi đến là được.
Hồ sơ cái gì cũng đẹp hết, đến khi đề bạt bổ nhiệm rồi mới thấy có vấn đề, học hành không đàng hoàng, rồi khai gian lý lịch”, ông Tân nói.
Một “lỗ hổng” khác, theo ông Tân, là cơ quan quản lý trước chưa kịp thời phát hiện những sai phạm của cán bộ trong quá trình công tác, không làm rõ sai phạm, không có kết luận rõ ràng đến lúc đề bạt chức vụ cao hơn thì bị tòa xử tội, thậm chí phải đi tù.
Từ đó, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, việc quản lý cán bộ phải chặt chẽ ngay từ đầu và đảm bảo xuyên suốt, liên tục, giống như đánh giá cán bộ; đồng thời, phải công tâm, khách quan thì mới có thể tìm được cán bộ giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.