Có nên lấn vịnh Đà Nẵng ?

02/03/2018 07:30 GMT+7

Việc UBND Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) đề xuất bồi đắp vịnh Đà Nẵng để phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh TP cũng đang xem xét nghiên cứu lấn vịnh để hình thành khu kinh tế ven biển, đang gây nhiều luồng dư luận.

Lấn biển phát triển dịch vụ
Theo UBND Q.Thanh Khê, trước đây, khi mở đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua Q.Thanh Khê (dài 4 km), bãi biển còn lại nhỏ hẹp, nơi rộng nhất chỉ hơn 50 m, riêng đoạn cầu Phú Lộc thì sát mép nước nên bãi biển rất khó đầu tư du lịch dịch vụ. Thanh Khê là một trong 2 quận trung tâm TP, thu ngân sách đứng top 3 nhưng diện tích nhỏ nhất trong các quận huyện với chỉ 950 ha, nên quận đề xuất bồi lấn vịnh Đà Nẵng ra tối đa 200 m, dọc 4 km qua Q.Thanh Khê, tương đương quy mô 80 ha lấn biển để tạo quỹ đất phát triển dịch vụ.
Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã lấn vịnh Đà Nẵng từ 2007 Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, cho hay Thanh Khê vẫn còn cơ hội phát triển bằng cách bồi đắp vịnh, để vực dậy khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành. Hiện chuỗi khách sạn và các dịch vụ du lịch tuyến Nguyễn Tất Thành nộp thuế không đáng kể bởi hoạt động cầm chừng, giá đất cũng không cao. "Việc lấn biển là tăng nhanh phần bồi lấp và vẫn đúng với quy luật tự nhiên nên không sợ chống lại quy luật tự nhiên. Do vậy, chúng ta nên lấp vịnh để phát triển dịch vụ bên ngoài”, ông Tĩnh nói. Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng thừa nhận, qua tham khảo ý kiến người dân ở quận, hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến về đề xuất lấn biển. “Một là kinh phí lớn quá, phải dùng cát bồi đắp chứ không thể dùng đất đồi, nhưng cát ở đâu, khai thác sông thì không được, dùng cát tại chỗ thì lo hậu tác động. Hai là thiên nhiên khắc nghiệt, bão tàn phá dữ dội”, ông Tĩnh nói.
Sẽ mất dáng vịnh, ngược quy luật thiên nhiên
Ông Nguyễn Nhường, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), đồng tình đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng để tạo cảnh quan, thêm phong phú hoạt động bãi biển. “Vấn đề nằm ở chỗ cần dùng công nghệ như thế nào để đảm bảo lâu dài”, ông Nhường nói. Tuy nhiên, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch VN, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng, lại cho rằng không nên lấn vịnh Đà Nẵng. “Nếu lấn sẽ mất thế, dáng vịnh, ngược quy luật tự nhiên, sẽ gây bồi đắp ở những chỗ khác. Kinh nghiệm làm đập Thanh Bình 5 lần 7 lượt vẫn bị sóng phá, sạt lở thêm nhiều vị trí khác. Các nhà khoa học từng có lời khuyên không nên phá vỡ điều kiện tự nhiên…”, ông Huy nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT, người nhiều năm nghiên cứu dòng chảy, thủy văn và hiện đang tham gia phản biện, tham vấn đánh giá tác động môi trường cho nhiều dự án, đề nghị cân nhắc vị trí lấn biển và cẩn thận trước ý tưởng này, bởi dù một số nơi lấn biển vẫn tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế xã hội, nhưng phần lớn lấn biển gây tác hại. Việc đánh giá kỹ dự án là cực kỳ khó, cần có phản biện và ý kiến các nhà khoa học. Ông Thắng dẫn chứng: “Vịnh Đà Nẵng đã phải trả giá khi kho xăng dầu K83 (chân đèo Hải Vân, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lấn vịnh làm cả bờ biển P.Hòa Hiệp Bắc xói lở, xâm thực hàng trăm mét dài, nhiều năm qua không trả lại được”.
Một yếu tố khác ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng cân nhắc là thiên tai, mà bằng chứng là bão Xangsane 2006 và bão số 9 năm 2009 gây hậu quả nặng nề cho đường Nguyễn Tất Thành. Theo ông Thắng, đường Nguyễn Tất Thành quy hoạch sai là mở đường quá gần mép nước, do điều kiện kinh tế TP lúc đó chỉ có thể làm được như vậy. Bờ biển nhỏ hẹp, khi bão lớn vào, họng gió vào vịnh rất lớn mang theo sóng to đánh vào bờ thì bờ kè, vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành không chịu nổi. Do đó, ông Thắng cũng cảnh báo, không chỉ vịnh Đà Nẵng, mà chuỗi bờ biển có các công trình sát bờ biển trải dài từ Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đến Hội An cũng đứng trước nguy cơ bị thiên tai tàn phá hoặc xâm thực nặng nề do ở quá gần mép nước.
Lấn chỗ này thì chỗ khác sẽ bị xâm thực
Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với Q.Thanh Khê ngày 1.3, bàn về đề xuất lấn biển, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết ý tưởng lấn biển Nguyễn Tất Thành đã có từ rất lâu nhưng cần phải nghiên cứu kỹ.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT, cho rằng theo quan trắc của Chi cục Biển đảo thì biển Đà Nẵng đang bị xâm thực. Hiện có 2 giải pháp là di dời đường Nguyễn Tất Thành vào sâu đất liền từ 500 - 1.000 m để tạo bờ biển như đường Trần Phú (Nha Trang). Tuy nhiên, giải pháp này sẽ tốn kinh phí lớn nên giải pháp thứ 2 được đưa ra là lấn biển. “Thế nhưng không thể lấn biển theo kiểu dàn hàng ngang mà phải có điểm nhấn. Điển hình là như nhà xương cá ở Dubai”, ông Nam nhấn mạnh. Còn ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP, kỳ vọng: “Sở đã đề xuất UBND TP thi tuyển kiến trúc, thuê chuyên gia quốc tế quy hoạch vịnh Đà Nẵng để hình thành địa điểm đầu tư mới cho TP và Q.Thanh Khê. Thành ủy nên cho phép thi tuyển để phát triển. Vịnh Đà Nẵng như một vịnh chết trong khi nó rất đẹp. Các vịnh ở Singapore, Dubai cũng làm kiến trúc bên ngoài, bờ biển vẫn giữ nguyên rất đẹp”.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng cần phải có khảo sát, đánh giá cụ thể về tình trạng bồi lấp vịnh Đà Nẵng trong vòng 10 - 20 năm qua, nhất là sau khi làm tuyến đường Nguyễn Tất Thành. “Về mặt quy luật, anh lấn chỗ này thì chỗ khác sẽ bị xâm thực. Nguyên tắc bờ biển, bờ sông là như thế nên mới có câu bên bồi bên lở”, ông Nghĩa lưu ý và chỉ đạo Sở Xây dựng khi điều chỉnh quy hoạch chung của TP cần thuê tư vấn lên phương án khai thác vịnh Đà Nẵng. “Sở Xây dựng sớm nghiên cứu khai thác vịnh. Hiện vịnh này rất buồn tẻ. Sau khi làm đường Nguyễn Tất Thành thì cơ cấu bãi biển bị mất hẳn, trở nên đìu hiu”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng không chỉ từ Q.Thanh Khê, mà đoàn quan chức, chuyên gia của Yokohama (Nhật Bản) - TP kết nghĩa với Đà Nẵng vốn có kinh nghiệm lấn biển, cũng đã khuyên Đà Nẵng lấn biển là cách phát triển quỹ đất nhanh nhất với chi phí chỉ bằng 1/5 so với trên bờ, bởi nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại gánh nặng giải tỏa đền bù ở VN nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo Đà Nẵng cũng đang rất thận trọng với vấn đề này và giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề án quy hoạch Khu kinh tế biển Đà Nẵng, trong đó có khu đô thị biển cũng như ý kiến đề xuất của Q.Thanh Khê. Từ nay đến 2019, TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tổ chức, và tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch Khu kinh tế biển Đà Nẵng, quy hoạch đến 2035, tầm nhìn 2050 và trình Chính phủ phê duyệt. Khi đó, các ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức tư vấn quốc tế sẽ được phản biện, tổng hợp toàn diện, với kỳ vọng thành lập Khu kinh tế biển Đà Nẵng, tạo cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo vùng động lực phát triển.
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có văn bản giao Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT mời Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng (khu vực phía bắc dọc đường Nguyễn Tất Thành) thành Khu đô thị Cảng biển, với quy mô 7.200 ha (trong đó phần mặt đất 2.311 ha, mặt nước 4.888 ha), thuộc các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà.
Hơn 10 năm trước, Khu đô thị Phương Trang Q.Liên Chiểu cũng có ý tưởng bồi đắp đảo nhân tạo khoảng 15 ha tại vịnh Đà Nẵng, đoạn giao lộ Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Lúc này, một số ý kiến của lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã đồng tình, nhưng sau đó thấy phương án thực hiện, nguồn vốn của chủ đầu tư không khả thi nên đề nghị điều chỉnh. Tiếp đó, chủ đầu tư thay đổi bằng phương án đắp bán đảo hình vòng cung nhô ra vịnh khoảng 5 ha làm bến du thuyền, công viên cảnh quan. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này đã bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.