Có mâu thuẫn trong báo cáo án oan sai, do thống kê hay do báo chí?

30/03/2021 12:00 GMT+7

Công tác thống kê báo cáo oan sai là sai hay báo chí đưa tin sai? Hôm trước Chánh án TANDTC báo cáo không có oan sai, nhưng ngay hôm sau, báo chí đưa tin có oan sai ở Cà Mau.

Sáng nay, 30.3, tại phiên thảo luận ở nghị trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) nêu thực tế, trong khi Chánh án TAND tối cao đọc báo cáo ở Quốc hội ngày 25.3 và cho rằng không có oan sai trong xét xử, thì ngày 26.3, trên báo chí đưa tin về trường hợp bị TAND TP.Cà Mau kết án oán sai vào ngày 14.7.2016, tội "cố ý gây thương tích". TAND TP.Cà Mau đang là bị đơn trong vụ án bồi thường oan sai này.
“Vậy công tác thống kê báo cáo oan sai là sai hay báo chí đưa tin sai?”, ông Phương đặt vấn đề, và cho rằng đây là vụ án nằm trong thời điểm của nhiệm kỳ Quốc hội 14.
“Không án oan sai hay chưa phát hiện oan sai, hay chưa có văn bản của nhà nước để minh chứng oan sai về mặt pháp lý”, đại biểu này hỏi thêm.
Một ví dụ khác mà ông Phương đề cập là thời hạn xét xử. Trên trang 7 của Báo cáo nêu đã có sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp để đảm bảo đúng thời hạn xét xử. Tuy nhiên, ông Phương dẫn ví dụ về trường hợp ở Tây Ninh: một vụ án giết người xảy ra cách đây 4 năm, xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 20.11.2017. Án bị huỷ nên xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 1.7.2019. Nhưng 21 tháng trôi qua, phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa mở được, và chưa biết khi nào được mở lại. “Cử tri rất mệt mỏi trông chờ. Con em họ kêu oan, bị gia hạn tạm giam nhiều lần theo năm tháng”, ông Phương dẫn chứng.
Ngoài ra, đại biểu này còn chỉ ra sự mâu thuẫn trong báo cáo của Toà án về vấn đề giải quyết các vụ án dân sự.
Cụ thể, Báo cáo cho rằng việc giải quyết các vụ việc dân sự về cơ bản bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền chính đáng của các bên đương sự. Như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự đã được tòa án các cấp giải quyết thỏa đáng thì sẽ không có đơn đề nghị khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, tại trang 13 của Báo cáo thể hiện “mặc dù trong điều kiện còn hạn hẹp về biên chế cán bộ và số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết là rất lớn, nhưng với việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp, sự nỗ lực của tòa án, nên tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong những năm gần đây có tiến độ, tỉ lệ giải quyết năm sau luôn cao hơn năm trước”.
“Như vậy, phải chăng là có sự mâu thuẫn trong báo cáo?”, ông Phương đặt vấn đề.
Liên quan đến báo cáo của VKSND tối cao, ông Phương cho rằng, bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015 có nhiều tiến bộ, khi quy định chỉ với các tội phạm nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia thì mới tạm giam nhiều hơn 1 lần, nhưng thực tế giám sát của ĐBQH cho thấy không phải như vậy.
“Thực tế giám sát tôi thấy rằng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giữ, tạm giam được áp dụng không phải như báo cáo nêu”, ông Phương nói thêm.
Theo đại biểu này, nhiều trường hợp có lai lịch rõ ràng, nhân thân tốt nhưng ở giai đoạn tiền khởi tố, người bị buộc tội không nhận tội, nên bị tạm giam, tạm giam cho đến ngày xét xử. “Tuy nhiên, lại có một nghịch lý là không ít trường hợp mà giai đoạn điều tra, VKS phê chuẩn tạm giam nhưng khi chuyển sang giai đoạn truy tố sẽ kiểm soát lại, cho bảo lãnh tại ngoại”, ông Phương nói.
“Việc xét xử kịp thời hạn quy định của pháp luật thể hiện những vụ án nóng, án điểm, án có chỉ đạo. Như vậy những vụ án còn lại thì sao, có vi phạm thời hạn tố tụng thực sự hay không?”, ông Phương hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.