Có dấu hiệu bao che sai phạm ?

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
14/02/2020 08:18 GMT+7

Sau khi có kết luận, dư luận tại địa phương tỏ ra bất ngờ vì cho rằng, những sai phạm đó là cố tình coi thường pháp luật, cách làm việc cẩu thả và gây ra nhiều thiệt hại, hệ lụy nghiêm trọng…

Từ bài viết Hàng loạt “người chết sống lại” ký giấy cho, tặng đất đăng trên Thanh Niên ngày 11.10.2019 đề cập đến những sai phạm tại xã Quảng Châu, ngày 6.2 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết đã ra thông báo kết luận cuộc kiểm tra về vụ việc.

Sai phạm có hệ thống

Theo kết luận, năm 2016, ông Đặng Anh Toán trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã đã ký trích lục khai tử bản sao 16 trường hợp chưa đúng quy định. Trong đó, 9 trường hợp chưa được đăng ký khai tử tại UBND xã nhưng vẫn cấp trích lục khai tử bản sao; 3 trường hợp trích lục khai tử bản sao nhưng các thông tin như số đăng ký chứng tử, ngày tháng năm không đúng với thông tin trong sổ lưu tại UBND xã; 4 trường hợp cấp trích lục khai tử bản sao nhưng đăng ký khai tử sau ngày cấp trích lục. Ông Toán còn ký cấp 1 giấy chứng tử bản sao nhưng chưa được đăng ký khai tử tại UBND xã.
Đối với ông Đàm Văn Minh, trên cương vị công chức tư pháp - hộ tịch, trong các năm 2008 và 2009 đã tham mưu cho cấp trên ký 6 giấy chứng tử và 2 giấy khai sinh nhưng không ghi vào sổ đăng ký khai tử và khai sinh theo đúng quy định. Về các hợp đồng “do người chết thực hiện”, các năm 2010 và 2013, mặc dù đã biết các ông: Đàm Dài, Đặng Đình Nhung, Đàm Hữu Viễn, Đàm Tẹo và Đặng Văn Huy đã chết nhưng ông Minh vẫn tham mưu để ông Đàm Xuân Thanh (thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND xã) ký chứng thực 5 hợp đồng tặng, cho đất không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, năm 2008, ông Minh còn tham mưu để cấp trên ký chứng thực hợp đồng nhưng chưa tham mưu thực hiện niêm yết thỏa thuận phân chia di sản theo quy định.
Tiếp đến, năm 2016, ông Minh tham mưu cho ông Đặng Anh Toán ký trích lục khai tử bản sao 16 trường hợp chưa đúng quy định và ký cấp 1 giấy chứng tử bản sao nhưng chưa được đăng ký khai tử tại UBND xã (như đã nói ở trên).
Đối với ông Đàm Xuân Thanh, trong các năm 2008, 2010, 2012, 2013 đã ký chứng thực 9 hợp đồng không đúng quy định; trong đó có 8 trường hợp tại thời điểm ký chứng thực hợp đồng thì bên tặng, cho đất đã chết. Năm 2009, ông Thanh ký 1 giấy chứng tử không đúng quy định.
Ngoài ra, bản kết luận cũng chỉ ra sai phạm đối với các ông: Đặng Châu Hòa, nguyên Phó chủ tịch UBND xã; Nguyễn Công Anh, nguyên công chức địa chính - xây dựng xã.
Vụ Hàng loạt 'người chết sống lại' ký giấy cho, tặng đất: Có dấu hiệu bao che sai phạm ?1

Một giấy chứng tử (bản sao) được làm khống để hưởng chế độ trợ cấp

Cảnh cáo phó chủ tịch xã

Với những sai phạm, sau khi xem xét Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Quảng Trạch quyết định: kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đàm Văn Minh; không thi hành kỷ luật đối với ông Đặng Anh Toán; bỏ phiếu thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Đàm Xuân Thanh.
Tuy nhiên, UBKT Huyện ủy căn cứ Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành T.Ư, thì hành vi vi phạm của ông Thanh đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên UBKT không thi hành kỷ luật. Ngoài ra, UBKT Huyện ủy đã yêu cầu ông Đặng Châu Hòa, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Quảng Châu phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trước UBKT Huyện ủy; kiểm điểm có hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Anh; yêu cầu Đảng ủy xã Quảng Châu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm đối với ông Đàm Xuân Vinh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu.
UBKT Huyện ủy cũng đề nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ: 16 giấy trích lục khai tử bản sao, 7 giấy chứng tử (5 bản chính và 2 bản sao), 2 giấy khai sinh do UBND xã Quảng Châu cấp không đúng quy định nêu trên. Các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBKT Huyện ủy trước ngày 30.6.2020.

Có bao che sai phạm ?

Sau khi có kết luận, dư luận tại địa phương tỏ ra bất ngờ. Nhiều người cho rằng, những sai phạm đó là cố tình coi thường pháp luật, cách làm việc cẩu thả và gây ra nhiều thiệt hại, hệ lụy nghiêm trọng, như hồ sơ nhân thân không thật, thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất…
Những hệ lụy đó không được nêu trong kết luận của UBKT Huyện ủy. Ngoài ra, kết luận của UBKT cũng không đả động gì đến việc làm giả, làm khống giấy tờ nhân thân trên còn nhằm mục đích trục lợi tiền chế độ chính sách mà Báo Thanh Niên phản ánh. Cụ thể có 17 bộ hồ sơ chế độ trợ cấp “dân công hỏa tuyến” (theo Quyết định 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ) bị làm khống bản trích lục khai tử, chứng tử để chứng minh nhân thân. 17 giấy khống đó đều do ông Đàm Văn Minh soạn thảo, còn ông Đặng Anh Toán ký xác nhận năm 2016.
Do đó, UBKT không hề nhắc gì đến chuyện xử lý “số phận” của những bản hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất “ma” và số tiền chế độ trợ cấp bị cấp hưởng sai, là chưa thỏa đáng. Trách nhiệm thẩm định hồ sơ cấp chuyển quyền sử dụng đất của cấp huyện cũng không được nhắc đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.