Có con tự kỷ: Đem con bỏ... trường

Như Lịch
Như Lịch
17/12/2020 07:17 GMT+7

Mất khả năng chi trả học phí, có những người đem con tự kỷ “bỏ đại” ở trường giáo dục chuyên biệt.

Bà Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí kiêm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (TP.HCM), bày tỏ lo lắng: Do hoàn cảnh khó khăn và ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay tại hai cơ sở này đã có hơn 100 trẻ tự kỷ nghỉ học (khoảng 30% tổng số học sinh), cao nhất so với trước đó. Ngoài ra, còn nhiều trẻ đang đi học “lay lắt” từng ngày.

“Cô cứ quăng nó ra đường...”

Vừa nhận cuộc điện thoại từ bà Võ Thị Thùy, bà N. (61 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) phân trần: “Chị, tháng này em đóng hơi muộn, chị đừng buồn nghe! Với lại, tháng rồi bé bị té giập môi, cô giáo đưa bé đi may hết mấy mũi, em cũng chưa có tiền gửi lại”. Rồi bà kể lể: “Dạo này vợ chồng em đi phụ quán cho người ta. Thằng con em mấy tháng nay ít việc, nó sợ gánh không nổi, tính cho bé nghỉ học. Nhưng bé đang tuổi dậy thì, nó ở nhà tội nghiệp, còn mình thì đứt ruột. Nên thôi kệ, em cố gắng đi làm thêm giờ để đóng tiền học cho bé, được bữa nào hay bữa đó...”.
Được biết, con gái bà N. bỏ đi biệt tăm, con rể có gia đình khác, để lại bé H. (hiện 12 tuổi) bị tự kỷ nặng cho vợ chồng bà. Ở nhà, bé H. thường có những hành vi nguy hiểm nên vợ chồng bà N. đành gửi bé vào Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí.
Theo bà Võ Thị Thùy, bé H. vào đây lúc 9 tuổi, nhưng tuổi não chỉ khoảng... 10 tháng tuổi, chưa nói được, quậy “xám hồn”. Hồ bơi có rào nhưng H. cứ trèo vô, nhảy luôn xuống nước. Ba năm nay, H. được tập quen dần một số kỹ năng sống, từ giao tiếp đến tự phục vụ.
Bình quân mỗi tháng, chi phí nội trú của H. là 9 triệu đồng. Chia sẻ với bé, đôi khi trung tâm chỉ thu 6 triệu đồng/tháng. Có thời kỳ, bà N. thiếu đến 5 tháng học phí của bé H. nhưng vẫn dẫn cháu đến “gửi đại” cho cô giáo, kèm những lời chua chát: “Cô ơi, tui không còn khả năng đóng nữa. Cô cứ quăng nó ra đường, ai bắt nó hay làm gì nó cũng được, chứ nó về là gây tai nạn. Vợ chồng tui già yếu, không quản nổi nó và còn phải đi kiếm sống”.
Có con tự kỷ: Đem con bỏ... trường1

Lộc khóc lóc, vẽ hình “mẹ Tâm” trong những ngày đầu đi cai nghiện điện thoại

Giữa lúc bế tắc, con trai của vợ chồng bà N. (cậu ruột bé H.) làm mảng xây dựng đứng ra giúp cháu mình có tiền ăn học. Khoản nợ 5 tháng học phí của bé H. đã được trung tâm xóa bỏ. Mọi chuyện đang khởi sắc, bỗng bà N. báo tin việc làm của con trai bà bấp bênh do ảnh hưởng dịch Covid-19, khó có điều kiện tiếp tục tài trợ cho bé H.
Việc học cũng lay lắt như bé H. là trường hợp em M. (16 tuổi, quê Đồng Nai). Cha chết, mẹ đi lao động ở Singapore gửi tiền về nuôi M. Đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của mẹ M. sụt giảm, có những tháng chị phải xin trung tâm cho nợ học phí của con.
Chưa kể, có những học sinh trước đây đã nghèo, bây giờ càng “thê thảm” hơn khi chịu những biến cố như cha mẹ ly hôn, sống trong gia đình mâu thuẫn trầm trọng, nhà bị siết nợ... Nhiều em phải nghỉ học hoặc nợ học phí chất chồng.
Đại diện một trường giáo dục chuyên biệt tại TP.HCM phản ánh: Ngoài số trẻ tự kỷ nghỉ học tăng cao, hiện nhà trường “đau đầu” với gần 10 ca nợ học phí (từ vài triệu đồng đến 30 triệu - 40 triệu đồng/ca). Hiệu phó trường này tâm tư: “Chúng tôi nhắc phụ huynh thanh toán tiền thì trường mới nhận các bé, nhưng họ vẫn năn nỉ, khóc lóc xin gửi tiếp. Họ bảo ở nhà họ không có điều kiện chăm sóc bé và họ còn phải mưu sinh”. Đặc biệt, một vài người nợ học phí hàng chục triệu đồng nhưng ngày nào cũng đem con tới giao cho bảo vệ, hoặc bỏ đứa trẻ ở cổng trường rồi đi ngay. Họ không tiếp xúc với giáo viên và cũng không nghe điện thoại, có lẽ sợ bị đòi nợ.
Có con tự kỷ: Đem con bỏ... trường2

Trẻ tự kỷ tập vật lý trị liệu tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, TP.HCM

Cách ly để con... cai điện thoại

Trong khi đó, có những gia đình kinh tế khá giả cũng tạm “bỏ” con tại một số cơ sở giáo dục chuyên biệt ngoài công lập. Ở trường hợp này, họ muốn cách ly con khỏi gia đình và môi trường quen thuộc một thời gian, với hy vọng trẻ được can thiệp để tiến bộ, nhất là có thể cai nghiện điện thoại, game...
Tôi vừa bước vào lớp kỹ năng 5 thuộc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, một cậu bé đang xếp hình với bạn bỗng nhào đến níu tay tôi, khóc la thảm thiết: “Đây, mẹ Tâm đây! Mẹ ơi mẹ! Hụ hụ...”. Thầy giáo phải giải thích, trấn an học trò: “Lộc ở đây ngoan, thứ sáu mẹ Tâm rước nghe. Lộc vô rửa mặt đi con”. “Không, về với mẹ Tâm thôi!”, Lộc khóc ầm ĩ, lặp lại từng hồi nghe sốt ruột.
Có con tự kỷ: Đem con bỏ... trường3

Trẻ tự kỷ tham gia hoạt động trị liệu

Một cô giáo đi cùng tôi bình luận: “Nhìn những cảnh này, nếu cha mẹ không kiên trì là sẽ đem con về ngay. Và đứa con... đâu lại vào đấy”. Được biết, Lộc năm nay 14 tuổi, ở nhà suốt ngày nằm trong phòng chơi điện thoại, nghiện game online. Cậu bé muốn gì được nấy, bởi cha mẹ và anh chị luôn nuông chiều. Mỗi khi có điều gì không vừa lòng, Lộc bực tức la hét, đập phá. Các thành viên trong đại gia đình “dụ” đưa Lộc vào đây đã ba ngày và ngày nào cậu bé cũng khóc đòi mẹ. Đưa Lộc vào trung tâm đã gian nan, lúc chia tay càng khó xử gấp bội. Họ phải kín đáo rút lui từng người. Đến lượt người mẹ, Lộc cầm tay suốt và không cho mẹ về khiến giáo viên phải ôm Lộc lại.
Trước đó, trung tâm này cũng tiếp nhận một ca tự kỷ và nghiện điện thoại thuộc dạng “khó đỡ”. Khi được đưa vào đây, Q. (15 tuổi, quê Đắk Nông) gom hết số điện thoại trong cửa hàng của cha mình. Q. để tất cả “chiến lợi phẩm” vào cái túi treo ở cổ, giữ gìn cẩn thận. Hễ ai đòi lấy điện thoại là Q. giận dữ, hất bàn ghế loạn xạ...
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), trăn trở: Tại sao ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, hành vi, nhận thức? Vì giai đoạn phát triển của trẻ từ 0 - 3 tuổi, nhiều phụ huynh đã cho trẻ tiếp cận sớm với công nghệ như truyền hình, iPad, điện thoại. Họ nghĩ rằng điều đó giúp họ có thời gian làm việc khác thuận lợi hơn. Trong khi đó, đứa trẻ không có ai tương tác, giao tiếp, chia sẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy. (còn tiếp)
Nhiều trẻ tự kỷ phải nghỉ học
Tại một số cơ sở giáo dục chuyên biệt, thông thường 1 giáo viên chăm sóc từ 1 - 3 trẻ tự kỷ (dạy cá nhân và nhóm). Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ cần nhiều nguồn lực: giáo dục đặc biệt, tâm lý, y khoa, công tác xã hội... Mức học phí trung bình 7 triệu đồng/tháng (bán trú), 8 - 11 triệu đồng/tháng (nội trú).
Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí), năm nay hai cơ sở này giảm học phí cho hơn 40 học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo, với mức từ 500.000 - 1 triệu đồng/em/tháng. Ông Mẫm kêu gọi: “Chúng tôi mong có thêm nhiều hỗ trợ từ xã hội bởi chi phí học tập và trị liệu hàng tháng của các em tự kỷ rất lớn, có những em không có tiền, phải nghỉ học từng đợt hoặc nghỉ học luôn”.
Chị Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, có rất nhiều trẻ tự kỷ trên cả nước đã phải bỏ học. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, mạng lưới này nhận được 20 triệu đồng từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư để hỗ trợ 20 gia đình đặc biệt khó khăn (1 triệu đồng/suất) nhưng thực sự 20 suất không ăn thua gì, như muối bỏ bể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.