Cơ chế đơn vị đặc biệt phải bằng hoặc hơn thế giới mới đủ sức cạnh tranh

10/11/2017 22:23 GMT+7

Cơ chế chính sách cho đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt phải đủ sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, tức là thế giới có gì thì chúng ta phải bằng hoặc hơn mới cạnh tranh được.

Đó là phát biểu của ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư tại phiên thảo luận tổ chiều 10.11 cho ý kiến về dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ông Chính cho biết, bản thân ông và nhiều đại biểu Quốc hội đều mong muốn đất nước có những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bởi đây là động lực mới cho phát triển. Tuy nhiên, mô hình như thế nào lại là vấn đề không hề dễ dàng “vì chưa từng có trong tiền lệ và phải mang được tính chất đặc biệt, cả về hành chính lẫn kinh tế”.
Theo ông Chính, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy không phải đặc khu kinh tế nào cũng thành công, thực tế một số nước ở châu Phi hay gần hơn là Ấn Độ đã thất bại, bởi 2 nguyên nhân chính là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý không rõ ràng và hình thành quá nhiều đặc khu, dẫn đến thiếu nguồn lực.
Đề cập đến nghi ngại của một số đại biểu về việc các chính sách quá cởi mở sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay mô hình chính quyền địa phương rút gọn sẽ vi hiến, ông Chính cho biết chủ trương thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hay các đặc khu kinh tế đã được đề cập chính thức tại nhiều kỳ Đại hội Đảng cách đây 20 năm, hay các kết luận của Bộ Chính trị và gần đây được cụ thể hóa qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, với quan điểm phải đảm bảo một số nguyên tắc “cứng” là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững độc lập chủ quyền, quốc phòng an ninh; góp phần tích cực vào định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương, nhân dân và doanh nghiệp.
“Cách diễn đạt qua từng thời kỳ có thể khác nhau về tên gọi nhưng chủ trương, tư tưởng của Đảng là rất nhất quán. Muốn làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc đó. Tôi cung cấp thêm thông tin để các đại biểu yên tâm”, ông Chính nói.

tin liên quan

Phát triển Quảng Ninh thành đặc khu hành chính - kinh tế
Ngày 8.9, tại Trụ sở T.Ư Đảng, tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Chính, việc hình thành, phát triển các đặc khu kinh tế phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. “Nguồn lực bên trong là con người, thiên nhiên, văn hóa, cơ chế, chính sách của chúng ta. Nguồn lực bên ngoài là công nghệ, nguồn vốn của nhà đầu tư”, ông Chính nói.
Ông Chính nhấn mạnh: “Cơ chế chính sách thì Bộ Chính trị đã nói rất rõ là đủ sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, tức là thế giới có gì thì chúng ta phải bằng hoặc hơn mới cạnh tranh được”. 
Đề cập đến tổ chức bộ máy của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, đã có cơ chế đặc biệt thì đương nhiên bộ máy cũng phải đặc biệt và quan trọng, Hiến pháp đã quy định về việc thành lập mô hình này nên sẽ không vi hiến. Mặt khác, T.Ư cũng sẽ trao quyền cho các địa phương lựa chọn được người thực tài để làm lãnh đạo các đơn vị này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không trái với Hiến pháp và đúng thẩm quyền của Quốc hội, việc vênh với một luật khác như luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Quốc hội có thể sửa để điều chỉnh cho phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.