Chuyện phía sau nghị trường của ông Vũ Mão

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/06/2020 13:08 GMT+7

Là ủy viên T.Ư Đảng 5 khóa (từ khóa V tới khóa IX), song sự nghiệp của ông Vũ Mão gần như gắn liền với công tác ở Quốc hội.

Với 15 năm là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão cũng là người gắn liền với quá trình đổi mới của Quốc hội Việt Nam.

Cuộc "tranh cử" đầu tiên trong lịch sử Quốc hội

Trong cuốn sách Dấu son nghị trường (2015), ông Vũ Mão kể rằng, sau khi được bầu làm Tổng bí thư tại Đại hội VI, ông Nguyễn Văn Linh, trong bài phát biểu đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất khóa VIII, đã đề cập tới việc đổi mới Quốc hội.
“Tổng bí thư đã nói không thể để Quốc hội là "cây kiểng". Trong thời gian qua, Quốc hội hoạt động hình thức nhiều quá nên kể từ nay phải đi vào thực chất”, ông Mão viết.
Tinh thần, tư tưởng đổi mới đó đã bắt đầu cho một Quốc hội đổi mới từ khóa VIII. Ông Mão kể, một trong những “kết quả cụ thể đầu tiên của tinh thần đổi mới” chính là cuộc “tranh cử” chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt.
Ông Mão kể, tại kỳ họp thứ 3, 6.1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới thay cho ông Phạm Hùng vừa qua đời. Theo quy định của Hiến pháp 1980, T.Ư khi đó giới thiệu ông Đỗ Mười để Quốc hội bầu giữ chức vụ này.
Thảo luận tại Quốc hội thì tất cả các đoàn đều đồng ý giới thiệu ông Đỗ Mười song 37/43 đoàn đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt để Quốc hội bầu vào chức danh này. Theo ông Mão, cuộc họp của Hội đồng Nhà nước (sau này tách thành Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thảo luận vấn đề này rất sôi nổi. Đa số nhất trí để 2 ứng cử viên, coi đây là sự đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội.
Ông Mão kể, khi ấy, ông là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước, đã cùng Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tới báo cáo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. “Rất mừng là Bộ Chính trị đã nhất trí để 2 ứng cử viên để Quốc hội bầu”, ông Mão kể.
Kết quả sau đó, ông Đỗ Mười trúng cử với 63% số phiếu bầu, ông Võ Văn Kiệt 37%. Tuy nhiên, theo ông Mão, đây là “sự kiện nổi bật”, được coi là “dấu son” trong hoạt động nghị trường của lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Phút tâm tình bên hành lang Quốc hội

Trong cuốn sách Mãi còn tin yêu (2013), ông Mão kể lại cuộc trò chuyện giữa ông và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên hành lang Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII. Khi đó, ông Dũng mới nhậm chức Thủ tướng được đúng 1 năm (từ 6.2006) còn ông Mão, lần đầu tiên tới dự kỳ họp Quốc hội với tư cách khách mời.
Theo ông Mão, khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng hỏi ông Mão thấy công việc của Chính phủ dạo này thế nào? Ông Mão đã thẳng thắn: “Có nhiều mặt tốt đấy, năng động, dứt khoát, rõ ràng, mạnh mẽ; nhưng cần dành thời gian nghiên cứu có tính bài bản cho mỗi quyết định”.

Ông Vũ Mão trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Ảnh Ngọc Thắng

Về câu hỏi của ông Dũng, ông Mão trả lời: "Anh làm Thủ tướng mới được 1 năm, mình chưa có nhận xét đầy đủ. Ông cha ta nói: thức lâu mới biết đêm dài. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, thời gian qua là tốt, cứ thế phát huy hơn nữa. Dũng còn trẻ và còn có điều kiện cống hiến nhiều cho Đảng, nhà nước và nhân dân. Điều đó rất mừng. Nhớ lời của Bác “chớ chủ quan kinh địch nhé”.
Ông Mão cũng góp ý với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyện phát biểu trước công chúng, nhiều người nhận xét là không quá phụ thuộc vào văn bản viết sẵn mà biết nói "vo", biết diễn thuyết là tốt, nhưng quan trọng hơn là cần có hàm lượng chất xám cao.
Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, khi phát biểu không nên hỏi lại mọi người "có đúng không". Làm như thế e rằng chưa chỉn chu, người ta dễ có ấn tượng mình là bề trên, chưa khiêm tốn cho lắm!
Theo ông Mão, khi đó, ông đã kể lại cho ông Nguyễn Tấn Dũng về câu chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mỗi lần ông xuất hiện trước công chúng. Trong một lần ông Mão hỏi về kinh nghiệm phát biểu trước công chúng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chia sẻ: "Trước hết mình phải có cái gì trong đầu, rồi sắp xếp các nội dung cần nói theo một logic hợp lý; khi phát biểu cần để mắt xem thái độ của người nghe; sau mỗi bài nói, khi về nhà dành ít phút để lắng đọng, suy nghĩ, rút kinh nghiệm". Đấy là tổng kết quý báu của lớp người đi trước.
Ông Nguyễn Tấn Dũng tâm sự: “Nội dung anh Vũ Mão góp ý rất đúng. Với mình, nó trở thành thói quen mất rồi mà mình cũng không để tâm; chỉ đơn giản nghĩ, khi nói là nói trong nội bộ thôi.
Ông Mão nói: “Đài truyền hình vẫn đăng tải các buổi ấy đấy chứ, nên mọi người đều biết cả”. Rồi ông nói tiếp luôn: “Có lẽ sửa thói quen này bằng cách, mỗi lần định hỏi "có đúng không" thì nhớ rằng, Vũ Mão đã góp ý cho mình rồi đấy”.
Người đứng đầu Chính phủ lúc đó đã cười vui và đồng tình, sau đó chuyển sang câu chuyện khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.