Chuyên nghiệp hóa đại biểu Quốc hội - con đường tất yếu

19/10/2004 23:54 GMT+7

Ngày 25/10 này, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa IX nước ta sẽ bắt đầu làm việc. Cử tri cả nước theo dõi hoạt động của Quốc hội giữa hai kỳ họp với những đánh giá phấn khởi - theo thông tin mà tôi có. Điểm đặc biệt được xem như một cải cách quan trọng là các phiên họp của đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết được loan tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đương nhiên, chưa hẳn cử tri tiếp nhận đầy đủ nội dung các cuộc trao đổi của Quốc hội, bởi thông tin thường chỉ tóm tắt các chủ đề được đề cập, song đã thấy được mối gắn bó của cơ quan đại diện với thực tế tình hình đất nước, nhất là được nghe ý kiến của Chủ tịch Quốc hội - những ý kiến gợi mở nhiều hướng xử lý cả về chủ trương lẫn biện pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Chương trình của kỳ họp Quốc hội lần 6 đã được Văn phòng Quốc hội giới thiệu, vừa theo lịch trình lập pháp của Quốc hội, vừa cập nhật hóa sự điều chỉnh của Quốc hội đối với hành pháp và tư pháp qua nhiệm vụ giám sát, trên quy mô quốc gia, nhất là khi ASEM 5 đánh dấu cái làm được và nhấn mạnh cái cần phấn đấu của chúng ta. Cử tri quan tâm đến những diễn biến nổi bật như giá cả tăng; như chống tham nhũng; như tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn bạo lực gây tội ác ở lứa trẻ vị thành niên hoặc vừa vào đời; như nạn lộng quyền của những viên chức các cấp - mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã than thở: “Bộ máy hư hỏng quá!”... Có thể, qua quá trình chất vấn của Quốc hội, một số vấn đề nêu trên sẽ được làm sáng tỏ, song cử tri hiểu rằng một kỳ họp Quốc hội không sao giải quyết hết công việc đủ các mặt. Cử tri mong muốn, với tư cách của mình, Quốc hội đề ra những biện pháp có tính chất pháp luật để tạo cơ sở cho xã hội xử lý. Quốc hội không thể là diễn đàn giải quyết từng vụ việc, mà tìm những nguyên nhân và biện pháp bao quát, đúng theo chức trách của mình. Đúng ra, cử tri bức xúc về hàng loạt vụ việc nổi cộm - Tổng công ty Dầu khí, Tổng công ty Seaprodex, “quota” ở Bộ Thương mại, Tổng công ty Hàng hải, “xà xẻo” hồ Trị An và .v.v, song nếu Quốc hội mà “ghé” vào các “ổ” này, hơn một tháng họp sẽ... mất đứt!

Nói một cách thiết thực, cái mà Quốc hội làm được thời gian qua và cái sẽ làm được tốt hơn trong thời gian tới: tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cử tri đồng tình với ý kiến của một số vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nâng số đại biểu chuyên nghiệp lên tỷ lệ 60% so với 30% hiện nay. Đó là giải pháp tình thế, chứ Quốc hội cơ bản là chuyên nghiệp, bởi đại biểu Quốc hội không kiêm nhiệm các chức trách hành pháp (ở Trung ương, ở địa phương, ở các ngành) thì sẽ dành hết thời giờ cho hoạt động Quốc hội và đồng thời sẽ khách quan hơn - điều ai cũng thấy. Có thể nói rằng cái mà cơ chế của nước ta đang vướng là sự phân công giữa các bộ phận còn chồng chéo - tuy toàn cơ chế là thống nhất song mỗi bộ phận lại có nghĩa vụ khác nhau. Tức, chúng ta chưa đạt mức: lãnh đạo ra lãnh đạo, lập pháp và giám sát ra lập pháp và giám sát, hành pháp và quản lý ra hành pháp và quản lý, tác động dư luận xã hội ra tác động dư luận xã hội.

Trong cải cách chung cơ chế, tạo điều kiện cho Quốc hội thực hiện tốt nhất vai trò cơ quan quyền lực quốc gia sẽ mở đường cho các cải cách khác, xuất phát từ một cải cách bao quát hàng đầu: phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Mong rằng kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa IX sẽ tiến thêm một bước chuyên nghiệp hóa - gọi là chuyên nghiệp, hay chuyên môn, hay một từ nào đó không quan trọng, quan trọng là đại biểu Quốc hội làm tròn tính cách đại biểu cho cử tri của mình...

10/2004
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.