Chuyện lạ trên thủ phủ sâm

27/10/2015 09:58 GMT+7

Được cho là "thủ phủ" của các loài sâm, nên xung quanh cây sâm ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) có nhiều chuyện lạ lùng.

Được cho là "thủ phủ" của các loài sâm, nên xung quanh cây sâm ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) có nhiều chuyện lạ lùng.

Vườn sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng của Công ty cổ phần sâm Ngọc LinhVườn sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh
A Róc đi mua sâm
Nếu H.Tu Mơ Rông là "thủ phủ" sâm của cả nước thì xã Măng Ri của huyện này nằm dưới chân núi Ngọc Linh huyền bí là xứ chánh hiệu của các dòng sâm. A Róc, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri bảo, khoảng năm 1995 trở về trước, anh và bạn bè mang bao lên rừng tìm sâm. "Nó nằm trên thảm lá mục, khe suối, một ngày kiếm được cả bao mang về. Củ nhỏ thì nấu nước như chè tươi để uống, củ lớn thì đổi cá khô, cứ một kg sâm Ngọc Linh là một kg cá khô", A Róc kể.
Vườn sâm ở Trung tâm giống sâm Ngọc LinhVườn sâm ở Trung tâm giống sâm Ngọc Linh
Rồi theo thời gian, giá trị sâm Ngọc Linh cao lên dần, kể từ năm 2000 về sau, một kg sâm Ngọc Linh đổi được con bò từ 4-5 triệu đồng. Vì vậy, từng đoàn người bỏ rẫy bỏ nương vào rừng tìm sâm. Cuối cùng sâm Ngọc Linh trong rừng cũng hết dần. “Bây giờ một kg sâm tự nhiên thấp là 40 triệu đồng, cao là 70 triệu đồng. Còn sâm khô thì 100 triệu đồng không ai rờ được kg nào", A Róc khẳng định.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) Hà Hồng Duy, trước thực trạng sâm giả trên thị trường, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở KH-CN Kon Tum phối hợp với Viện Dược liệu T.Ư triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cây sâm giống Ngọc Linh tại vườn sâm Trung tâm giống sâm Ngọc Linh để vừa cho ra những chỉ tiêu cây sâm giống tốt nhất, vừa để làm cơ sở so sánh, loại bỏ những loại như tam thất ngũ điệp, tam thất hoang… gây ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Trước khi vào xã Măng Ri, có người quen dặn dò: sâm Ngọc Linh thì không dám… mơ rồi, còn nếu mua sâm dây (hay Hồng đẳng sâm) thì nhờ anh em trong ấy giúp cho. Hỏi A Róc vì sao như vậy thì anh bảo, do sâm giả nhiều quá, ngay thủ phủ sâm Măng Ri hiện giờ, sâm cũng bị giả nhiều. Nói rồi A Róc kể, hôm rồi anh đi TP.Kon Tum thăm người quen. Đến các đường Bà Triệu, Hùng Vương, A Róc hỏi mua 1 kg sâm dây. Chủ quán bảo: tươi 30.000 đồng/kg, còn khô 150.000 đồng/kg. Tưởng nghe nhầm, A Róc hỏi lại: "Sâm này mua ở đâu?", "Sâm Măng Ri chính hiệu đó em!", bà chủ quán nói tỉnh rụi. A Róc nghe thế thì ôm bụng cười ngặt nghẽo: "Lạ thật, ở ngay tại xã mình, một kg sâm dây khô là 500.000 đồng rồi, còn tươi thì sâm củ to là 100.000 đồng/kg, củ nhỏ 70.000 đồng/kg. Mấy người mua bán giỏi thiệt…".
Ly kỳ chuyện chuột sâm
Một bận, mấy cán bộ H.Tu Mơ Rông hỏi là tôi đã ăn "chuột sâm" chưa? Thấy tôi lơ ngơ lắc đầu và quả là không biết "chuột sâm" là cái giống gì, thì A Đông, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Măng Ri giải thích: chuột sâm là chuột chuyên ăn trộm trái sâm, hạt sâm từ các vườn sâm trồng, con nào con nấy béo ngậy.
Nghe chuyện có vẻ hấp dẫn, chúng tôi tìm đến các vườn sâm của đồng bào Xê Đăng hỏi chuyện "chuột sâm". Theo A Đông, mùa sâm ra hoa và hạt từ tháng 6 đến tháng 10, là những thời gian chuột rừng kéo từ rừng sâu ra dày đặc, đi hàng đàn để đột nhập các vườn sâm. Nó không cắn phá cây sâm mà chỉ mê mỗi hạt sâm.
Hoa sâm được bảo vệ trước sự tấn công của chuộtHoa sâm được bảo vệ trước sự tấn công của chuột
A Đinh, nhân viên Trung tâm sâm giống sâm Ngọc Linh bảo: cứ 4 tháng sâm ra hoa, quả là anh em ở trung tâm "ngủ ngày cày đêm". Nghĩa là, ban đêm thức trắng canh chuột, ban ngày thì ngủ buổi sáng, buổi chiều đi làm bẫy, hái lá thông và cắt các bao ni lông để bọc trái sâm chống chuột trộm. Thế nhưng, giải pháp này chỉ mang tính "hạn chế phần nào", bởi chuột ranh ma nên cũng biết "rút kinh nghiệm". Hôm nào thấy ánh sáng, ngửi hơi người là chuột nép vào hang, hốc cây, sau đó lần mò ra tàn sát hạt sâm. Hoặc như lá thông treo ngược cây sâm, chúng không trèo lên vào ăn hạt sâm được; nhưng bao ni lông bọc trái sâm, với đàn chuột không khó khi dùng răng xé nát ra rồi chui đầu vào nhấm nháp ăn hạt sâm bên trong.
"Phát hiện chuột là tổ chức vây bắt, dùng súng bắn bi tiêu diệt ngay", A Đinh nói. Bù lại, khi bắt được chuột, nhân viên vườn sâm ở đây được thưởng tiền, còn lũ chuột thì thành mồi nhậu và làm thức ăn hàng ngày. Theo các nhân viên Trung tâm giống sâm Ngọc Linh và đồng bào Xê Đăng, thì thịt chuột sâm vừa béo vừa giòn, ngon không có thịt nào bằng.
Thầy bói… bắt kẻ trộm sâm
Ngoài nạn chuột, nạn trộm sâm xảy ra không ít ở xứ này. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, ông Nguyễn Thành Chung cho hay, năm 2010, vườn sâm của công ty ở xã Măng Ri bị trộm hai lần, với 1.700 gốc sâm 4-5 năm tuổi. Còn vườn sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh, năm 2014 mất hàng trăm cây sâm…
Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, ông A Sĩ còn nhớ như in vào tháng 4.2014, vườn sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh do ông nhận quản lý bảo vệ bị mất hơn 500 gốc. Nghi nhóm thanh niên, trong đó có cả công nhân đang làm việc tại đây là thủ phạm nhưng không có bằng chứng, A Sĩ bèn mời thầy bói và nhóm thanh niên ấy về nhà mình. Sau một chầu rượu, A Sĩ lấy trứng gà ra cầm trên tay và bắt mỗi người cầm một trứng lên, ngón tay cái và ngón trỏ để hai đầu quả trứng. Thầy bói lúc này bắt đầu đọc chú, khấn vái đại khái: ai là kẻ trộm thì thần núi bắt nó bóp quả trứng bể ra.
'Chuột sâm' bị bắt thành thức ăn hàng ngày
Khấn xong, một thanh niên ở đây bóp mạnh làm trứng bể ra. Thanh niên khác có tên là A Cơm (38 tuổi, trú xã Măng Ri, là công nhân vườn sâm) sợ quá vứt quả trứng nhảy vào rừng trốn biệt và sau đó bị Công an H.Tu Mơ Rông bắt, đã khai toàn bộ hành vi trộm sâm của mình và tháng 1.2015 đã bị Tòa án nhân dân H.Tu Mơ Rông xử 12 năm tù.
A Đông bảo: Không có bằng chứng bắt trộm, đồng bào Xê Đăng dùng kiểu này thì không ai chối vào đâu được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.