Chuyện lạ địa giới hành chính: Điểm nóng ‘tranh chấp liên tỉnh’

11/11/2015 06:42 GMT+7

Ở Quảng Nam, những va chạm xung quanh vệt địa giới hành chính cứ âm ỉ khiến nảy sinh các tranh chấp về ruộng đất, quyền lợi; có nơi còn “xử” theo luật tục kiểu như đâm tay để... xác định sở hữu vườn quế.

Ở Quảng Nam, những va chạm xung quanh vệt địa giới hành chính cứ âm ỉ khiến nảy sinh các tranh chấp về ruộng đất, quyền lợi; có nơi còn “xử” theo luật tục kiểu như đâm tay để... xác định sở hữu vườn quế.

Những bản làng heo hút ở vùng giáp ranh Quảng Nam - Kon Tum, khu vực xảy ra tình trạng xâm canh - Ảnh: H.X.H
Những bản làng heo hút ở vùng giáp ranh Quảng Nam - Kon Tum, khu vực xảy ra tình trạng xâm canh - Ảnh: H.X.H
Bỏ rồi lại đòi
Các già làng ở xã Chà Vàl (H.Nam Giang) không nhớ rõ ngày đầu tiên dân làng thôn Adinh, thôn La Bơ B rủ nhau đi khai phá khu đất ven suối gần sát các thôn Đắc Rế, Đắc Ôốc của xã La Dêê bây giờ. Họ cũng không nhớ đã làm bao nhiêu mùa lúa nước ở đó. Sau này, Phòng Nông nghiệp huyện lập dự án khai hoang dọc theo con suối có tổng diện tích chừng 22 ha, đồng bào Cơ tu càng ưng cái bụng. Đến năm 1993, khu đất được giao cho xã La Dêê, sau lần xác định ranh giới theo Chỉ thị 364/CT-HĐBT năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) giải quyết tranh chấp về địa giới.
Nhưng chuyện không dừng ở đó. Phía La Dêê tiếng là nhận quản lý đất nhưng lại... bỏ hoang, vì trên thực địa nơi đó cách quá xa khu dân cư của xã đang sinh sống. “Người dân phía bên mình chỉ cần đi dọc khe suối là đến ruộng, còn phía bên kia vất vả hơn, phải vượt núi”, ông Zơđêl Sơn, Chủ tịch UBND xã Chà Vàl kể. Tiếc công tiếc của, đồng bào Cơ tu ở Adinh, La Bơ B bên phía Chà Vàl lại tiếp tục ra ruộng trồng lúa… Gần đây, khi đường sá đi lại dễ dàng hơn, người dân xã La Dêê sực nhớ khu ruộng màu mỡ kia từng được “chia” về cho họ, nên kiến nghị… lấy lại.
Giải quyết chưa xong vụ này, Chà Vàl lại đau đầu bởi vụ khác, nhưng tình thế xoay chuyển 180 độ. Khoảng 20 ha đất canh tác dọc từ khe Grương men theo đồi núi Coong Chăng kéo tới Sông Bung với tổng chiều dài khoảng 2 km được đồng bào thôn Công Dồn (xã Zuôih) khai hoang và canh tác lâu đời. Rồi đến một ngày, lại phân chia địa giới hành chính mới, khu đất đó lọt về phía thôn Abát (xã Chà Vàl). Nhưng phía Chà Vàl không mấy mặn mà vì xa khu dân cư, dùng dằng như thế đã nhiều năm, bây giờ nảy sinh tranh chấp…
Tình cảnh nơi này làm nhưng nơi kia hưởng như chuyện ở Chà Vàl - La Dêê - Zuôih không dễ khiến người dân “tâm phục”, dù có thể họ “khẩu phục” theo hồ sơ địa giới. Cho nên, đôi khi các địa phương phải linh hoạt hoán đổi địa bàn để hợp thức hóa chuyện “làm và hưởng” của người dân. Đơn cử vụ đề nghị điều chỉnh 17,7 ha từ xã thôn Hòa An, xã Trà Đông về cho xã Trà Kót (cùng H.Bắc Trà My). Chuyện là, lâu nay nhân dân thôn 1 và thôn 2A xã Trà Kót sinh sống, làm ăn và xây dựng tại đây nhiều nhà cửa, trường học, công trình nước sạch…, chẳng lẽ giờ mất trắng? Tương tự, xã Trà Đông có thể còn mất thêm 11,6 ha nữa, bởi vùng này đang có 36 hộ dân thôn 3, xã Trà Nú sinh sống lâu đời và H.Bắc Trà My cũng đã đầu tư tại đây khu trung tâm cụm xã Trà Nú.
Lọt dưới lòng hồ cũng không yên
Khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước để phát điện từ năm 2010, tuyến địa giới hành chính giữa 2 xã Trà Tân và Trà Bui (H.Bắc Trà My) lọt thỏm dưới lòng hồ. Một cuộc “dịch chuyển” được thể hiện trên bản đồ, khi tuyến địa giới từ mốc 03X.1 (xã Trà Giác - Trà Tân - Trà Bui) bị chìm dưới lòng hồ dời sang tuyến mới Trà Tân - Trà Đốc - Trà Bui. Xã Trà Bui cũng chuyển 385 ha đất cho xã Trà Tân, vì có muốn quản lý cũng khó vì bị lòng hồ chia cắt.
Đã có những cuộc di tản từ khu vực thôn 6 Trà Bui, trung tâm cũ của xã. Trụ sở UBND xã thì dời lên tận thôn 4, cách trung tâm huyện đến 40 km. Một phần đất của thôn 6 giờ cách ly hẳn với xã cũ bởi lòng hồ mênh mông, cũng phải nhập chung vào thôn 8, xã Trà Tân. “Phải sáp nhập về phía Trà Tân thôi. Thử nghĩ, cán bộ thôn ở đó mỗi khi lên xã họp phải đi vòng xa lắc, trong khi phụ cấp của họ mỗi tháng chỉ chừng 1 triệu đồng chớ mấy!”, ông Nguyễn Nhuần, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, chia sẻ. Nhưng cũng từ đấy, bà con gặp rắc rối với hồ sơ, thủ tục. “Dân thì đã giao về cho xã Trà Tân, nhưng đất đai của xã Trà Bui cũ thì vẫn nằm im đó. Người dân làm thủ tục cấp “sổ đỏ” luôn gặp khó, vì lâu nay thông tin thể hiện trên hồ sơ là của thôn 6 cũ, trong khi giữa hai xã hiện vẫn chưa thống nhất quan điểm”, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, nói.
Giải quyết dứt điểm trước 30.6.2016
Không chỉ rắc rối nội bộ, những tranh chấp về địa giới còn có dấu hiệu diễn biến xấu ở vùng giáp ranh Quảng Nam với Quảng Ngãi, Kon Tum, Đà Nẵng. Tháng 10.2014, UBND tỉnh Quảng Nam liệt kê danh sách dài các điểm nóng “tranh chấp liên tỉnh” và đề nghị Bộ Nội vụ giúp đỡ; trong đó đáng chú ý có tình trạng xâm canh qua lại giữa H.Nam Trà My (Quảng Nam) với H.Sơn Tây (Quảng Ngãi), H.Kon PLông (Kon Tum).
Ngày 19.10.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chỉ thị 24/CT-UBND yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm những tranh chấp trước ngày 30.6.2016. Chính quyền địa phương thừa nhận đã có những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhiều cột mốc bị phá hủy hoặc hư hỏng do thiên tai.
Đâm tay xác định sở hữu
Nhớ lần truy tìm dấu vết của tập tục “đâm tay xử án”, PV Thanh Niên lên đến xã Trà Tập (H.Nam Trà My). Tập tục đã lạ, đồng bào thách nhau đâm tay ai chảy máu thì người đó thua cuộc (!). Nhưng “phạm vi” áp dụng còn lạ hơn, đâm không chừa một lý do gì: mất trộm, nghi trai gái quan hệ bất chính - đâm, tranh chấp cây cối - cũng đâm. Theo tiết lộ của một vị cán bộ lãnh đạo xã Trà Tập, khu đất chồng lấn giữa thôn 1 và thôn 2, nơi đang trồng nhiều gốc quế, cũng vừa bị 2 hộ dân thách đâm tay để “xác định” chủ sở hữu. Chính quyền xã thuyết phục kiểu gì cũng không nghe, dai dẳng suốt 6 tháng vẫn không xong...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.