Chuyện 'khó tưởng tượng' ở làng xôi Phú Thượng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
20/02/2020 09:00 GMT+7

Đến làng xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ được chứng kiến nhiều chuyện 'khó tưởng tượng' khi có những người trẻ bỏ việc nhà nước về làm nghề bán xôi, có người dân thu nhập 60 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi đến làng Phú Gia nằm bên bờ nam sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội vào những ngày đầu năm 2020. Chỉ cần đến đầu làng đã nghe hương xôi nếp lan tỏa khắp nơi. Từ tờ mờ sáng, người làng đã vai gánh, tay gồng với những thúng xôi thơm nức tỏa đi khắp thành phố để bán buôn, bán lẻ.

Mang xôi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình làm nghề nấu xôi lâu năm ở phường Phú Thượng, bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, tự hào khoe: “Làng nghề nấu xôi Phú Thượng đã được TP.Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2016. Trên địa bàn phường hiện có khoảng 600 hộ làm nghề nấu xôi, nhiều gia đình có 5 - 6 thế hệ nối tiếp nhau theo nghề nấu xôi, bán xôi và cho thu nhập bình quân khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng”.
Đặc biệt, từ khi xôi Phú Thượng được công nhận là làng nghề truyền thống, đã có 3 nghệ nhân được vinh danh. Năm 2019, bà Loan và một nghệ nhân nấu xôi vinh dự được mang xôi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế. “Tôi và nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp nấu và cung cấp gần 600 suất ăn/ngày tại hội nghị. Đây là vinh dự rất lớn đối với chúng tôi”, bà Loan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân nấu xôi đầu tiên của P.Phú Thượng, cho hay bà làm nghề từ khi còn là thiếu nữ và đến nay đã có 40 năm gắn bó với nghề. Năm nay đã 58 tuổi, nhưng đều đặn hằng ngày, bà vẫn dậy từ 2 giờ sáng để nấu xôi và tự mang bán ở khu vực Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Tuyến cho hay, bà yêu nghề vì những khách hàng thân thuộc là những thế hệ học sinh chỉ đợi ăn “xôi của bà Tuyến”. “Xôi Phú Thượng được khách yêu thích vì dẻo lâu, hương thơm, màu sắc đẹp. Hạt xôi căng mọng và bóng, dù để từ sáng đến chiều vẫn ngon, không bị khô, bị cứng”, bà Tuyến chia sẻ.
Nói về bí quyết làng nghề, bà Tuyến cho hay, để có xôi ngon, người nấu xôi Phú Thượng phải chọn kỹ nguyên liệu từ gạo nếp, đến đỗ xanh, lạc, gấc… Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu...; thậm chí vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là “gia truyền” và được giữ bí quyết cho tới tận bây giờ.
Chuyện 'khó tưởng tượng' ở làng xôi Phú Thượng1

Chị Công Thị Mai Chinh và chõ xôi ngày nào cũng bán hết veo giúp chị nuôi 2 con ăn học

Ảnh: Vũ Thơ

Thu nhập 60 triệu đồng/tháng

Bà Tuyến cho hay, nghề nấu xôi đã được gia đình bà nối tiếp đến đời thứ 6, trở thành nghề cho thu nhập chính và đã nuôi sống cả gia đình từ nhiều năm nay. Từ nấu xôi, bà đã nuôi 2 con ăn học và xây nhà dựng cửa. Hiện thu nhập từ nghề nấu xôi bình quân 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Đó là không tính những dịp được đặt để phục vụ nhà hàng, khách sạn hay các dịp lễ, tết thì thu nhập cao gấp 2 - 3 lần.
Còn bà Mai Thị Thanh (54 tuổi), một người đã gắn bó với nghề nấu xôi 30 năm ở làng, cũng cho biết mỗi buổi chợ bà bán từ 5 - 7 loại xôi, chưa kể làm hàng đặt cho các hội nghị, liên hoan, cỗ cưới… Thu nhập đều đặn mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, nếu tháng nào có hàng đặt nhiều thì thu nhập có thể lên tới 30 - 60 triệu.
Bà Thanh cho biết không sinh ra ở Phú Thượng nhưng được mẹ chồng truyền nghề, và bà muốn giữ nghề xôi truyền thống này vì nó đã có bề dày nhiều năm và cũng là nghề nuôi sống được cả gia đình. Tuy nhiên, bà cũng cho hay, nghề nấu xôi cực kỳ vất vả vì phải làm rất nhiều công đoạn và chỉ được ngủ vài tiếng mỗi ngày. Cứ từ 3 giờ sáng là cả làng đã bật đèn để nấu xôi. 5 giờ sáng vận chuyển đến các địa điểm bán xôi. Khoảng 9 - 10 giờ mới trở về nhà và lại tiếp tục ngâm gạo, phi hành, làm ruốc… để có hàng bán cho ngày hôm sau.
“Nấu xôi đi chợ tuy vất vả, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán, nhưng nói đến xôi Phú Thượng ai cũng biết nên chúng tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề truyền thống”, bà Thanh nói. Bà Thanh còn cho biết đã dạy nghề miễn phí cho những người có nhu cầu muốn “nối dõi” nghề xôi.

Tôi vẫn quyết tâm theo nghề bán xôi dù vất vả nhưng cho thu nhập cao hơn nên đã nuôi 2 con ăn học và còn phát huy được nghề truyền thống của cha ông

Chị Công Thị Mai Chinh, thôn Phú Gia, P.Phú Thượng (Q.Tây Hồ, Hà Nội)

Bỏ nghề kế toán về bán xôi

Ở Phú Thượng, không chỉ những phụ nữ cao tuổi hay những người không có nghề nghiệp ổn định mới đi bán xôi mà có nhiều người trẻ, đang làm những công việc khác nhưng đã bỏ để về tiếp nối nghề nấu xôi của cha ông. Chị Công Thị Mai Chinh (35 tuổi, ở xóm 2, thôn Phú Gia) tốt nghiệp đại học và đi làm kế toán cho một đơn vị ở Hà Nội, nhưng lại bỏ việc để về nấu xôi đi chợ bán.
Chị Chinh chia sẻ: “Tôi làm kế toán cho một trường đại học nhưng thu nhập chỉ có 9 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi con ăn học. Trong khi đó, làng lại có nghề nấu xôi truyền thống, với thu nhập cao hơn, nên tôi quyết định bỏ việc để về bán xôi”.
Chị Chinh cũng cho biết, lúc đầu gia đình chị phản đối dữ dội vì cho rằng đã mất công đi học lại bỏ chữ nghĩa để đi bán xôi. “Tôi vẫn quyết tâm theo nghề bán xôi dù vất vả nhưng cho thu nhập cao hơn nên đã nuôi 2 con ăn học và còn phát huy được nghề truyền thống của cha ông”, chị Chinh trải lòng. Theo chị Chinh, không chỉ chị có suy nghĩ như vậy vì làng nghề xôi Phú Thượng đang ngày càng được nhiều người biết đến. Người nấu xôi được tôn vinh là nghệ nhân, không còn bị coi là nghề “bần cùng” nữa, thì sẽ có nhiều người trẻ sẽ đam mê với nghề như chị.
Năm 2018 tại P.Phú Thượng (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã thành lập Hiệp hội Làng nghề truyền thống và tháng 2.2019 được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng.

Hà Nội tiêu thụ 9 tấn xôi Phú Thượng mỗi ngày

Bà Nguyễn Thị Loan hào hứng cho chúng tôi biết, từ ngày hiệp hội làng nghề được thành lập, nghề nấu xôi đã được hỗ trợ rất nhiều, như việc xây dựng và công nhận thương hiệu; hội viên được tập huấn về an toàn thực phẩm; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ nhau và giữ gìn nghề xôi truyền thống… Từ những hoạt động đó, nghề xôi ở Phú Thượng đã có những bước phát triển mới. “Hiện ở phường có những nhà chuyên sản xuất và cung cấp các phụ gia nấu xôi như hành phi, ruốc, lá, dầu ăn… Tất cả được kiểm soát về an toàn thực phẩm. Các hộ gia đình nấu xôi sẽ đến mua ở đó mà không phải tự làm mất nhiều thời gian. Vì thế, công việc nấu xôi cũng đỡ vất vả hơn”, bà Loan cho hay.
Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, cho biết cái khó lớn nhất của người làm xôi chính là địa điểm bán không cố định, đa phần ở vỉa hè hoặc ngồi nhờ ở gần cổng trường học, cơ quan, hộ gia đình... Theo ông Lượng, để duy trì và phát triển thương hiệu xôi Phú Thượng, ngoài lượng khách hằng ngày, cần phải xây dựng hệ thống các chuỗi nhà hàng liên kết để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hội cũng đang triển khai làm áo, thẻ có tên, ảnh, logo... cho các hội viên có hộ khẩu tại địa phương để khẳng định “chính chủ” xôi làng nghề.
Nói về tương lai của làng nghề, ông Lượng chia sẻ: “Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, trung bình mỗi nhà nấu 15 cân gạo, tương đương với việc tiêu thụ ra thị trường 9 tấn mỗi ngày. Thương hiệu là của tập thể nhưng người thụ hưởng lại ở từng cơ sở sản xuất, do đó quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và niềm tin của khách hàng. Nếu làm không tốt sẽ dẫn đến tự đánh mất mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.