Chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong giai đoạn mới

25/01/2020 07:00 GMT+7

Nếu thực sự đổi mới để việc tuyển lựa cán bộ chiến lược thật dân chủ, công khai, minh bạch thì chắc không phải “bó đũa chọn cột cờ” hay “cầm đuốc soi tìm cán bộ”.

Tre già thì măng mọc

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ nhất tới nay, Đảng ta trải qua ba thế hệ lãnh đạo, từ kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, sang thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, theo quy luật “tre già măng mọc”. Tổng bí thư Trường Chinh khi phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa V để chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa VI đã dẫn lại lời người xưa, khẳng định: “Đất nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng nhân tài đời nào cũng có”. Điều đó hoàn toàn đúng trong quá trình tồn tại, phát triển của Đảng ta.

Bài học chọn người tài của Bác Hồ cũng nằm ở chỗ dân chủ, công khai, nhờ vậy mà giữ được đoàn kết trong Đảng

 
Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới, điều cấp thiết đặt ra và cần bàn lúc này là phải tìm cho đúng nhân tài để chuyển giao thế hệ. Hiện nay, cán bộ lãnh đạo kinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ngày càng ít đi, chỉ còn lại số đông thế hệ trưởng thành trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trong danh sách gần 200 người được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XII đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa rồi đều có độ tuổi trên dưới 40. Như vậy là số này mới sinh ra và lớn lên sau năm 1975, phần lớn đã kinh qua hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên. Chúng ta có quyền tin tưởng nếu thế hệ trẻ kiên định mục tiêu lý tưởng, được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện trong công tác thực tiễn thì chắc chắn sẽ kế tiếp thành công sự nghiệp của các thế hệ cán bộ cha anh đi trước trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước.

Trẻ hóa trong mỗi cấp ủy là cần thiết, song bài học từ những nhiệm kỳ gần đây, việc thực hiện trẻ hóa cán bộ cũng đã phạm phải sai lầm, để lại hậu quả không lường cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Đại hội Đảng lần thứ VI, Bộ Chính trị yêu cầu chọn 15 bí thư cấp huyện, giám đốc xí nghiệp trẻ tuổi, có người mới 36 tuổi tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Trong số đó có cán bộ qua thử thách, trưởng thành và cũng có người hữu danh vô thực hoặc bị cuốn vào lợi ích vật chất, vi phạm đạo đức lối sống, tham nhũng, phe cánh, trong đó có cán bộ từng giữ trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, những hạn chế này chủ yếu là vì con người, không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách. Bởi nguyên nhân chính là do một số cán bộ lãnh đạo chi phối quyết định, không có sự giám sát của Đảng và nhân dân.

Theo cách làm cũ sẽ không khơi dậy được nhân tài

Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Nếu công tác chuẩn bị nhân sự theo cách làm cũ thì không khơi dậy được nhân tài, mặt khác không chuyển tiếp các thế hệ để bảo đảm có cán bộ có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước với số cán bộ trẻ có triển vọng vươn lên, thay thế.
Để làm được điều này trong Ban Chấp hành Trung ương cũng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng thời phải hình thành 3 độ tuổi: Một số ít người trên 65 tuổi, có những người trong độ tuổi 60 - 65 và số đông mới tham gia Ban Chấp hành Trung ương nên chọn lớp trẻ từ 45 - 55 tuổi. Như vậy sẽ hài hòa và hỗ trợ truyền kinh nghiệm cho nhau, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong những lúc khó khăn, thử thách. Không nên quá cứng nhắc về tuổi đời, quá trình tham gia cách mạng dài hay ngắn; không phân biệt và thành kiến với thành phần gia đình, thậm chí cả đảng viên trong thành phần kinh tế tư nhân.
Ngay cả việc chọn lựa lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong bối cảnh hiện nay cũng không nên quá cứng nhắc, nhất là tiêu chuẩn phải trải qua 2 khóa Bộ Chính trị mới được bầu vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Nếu cứng nhắc giữ cơ chế này, có thể việc chọn nhân sự chủ chốt sẽ sa vào tranh luận về những trường hợp đặc biệt mà không thể giải quyết được. Ngược lại, bỏ được cơ chế cũ, sẽ tạo cơ hội cho những người trẻ, không đủ 2 khóa Bộ Chính trị, kể cả ủy viên trung ương nhưng xứng đáng có thể đưa lên đảm nhiệm các chức danh chủ chốt. Như thế sẽ dài hơi hơn.

Quy trình ngăn loại cán bộ “hữu danh vô thực”lọt vào trung ương

Điều quan trọng nhất là thực hiện đầy đủ quy trình dân chủ công khai, minh bạch, không khép kín, cảnh giác với những biểu hiện “chạy chức”, “chạy quyền”, “thân quen cánh hữu”, “cục bộ địa phương” trong quá trình chuẩn bị, lựa chọn nhân sự. Lâu nay chúng ta quan niệm dân chủ là lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên là chưa đúng. Cái đó rất cần nhưng quan trọng hơn là phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự. Chẳng hạn, danh sách nhân sự Đại hội Đảng không nên khép kín trong một nhóm người, không cần chờ tới đại hội mới tung ra mà cần công khai để các đại biểu tham dự đại hội cũng như nhân dân được biết và tham gia giám sát. Khi có sự giám sát người ta sẽ biết ai là người có năng lực, ai là kẻ “hữu danh vô thực”. Chỉ có cơ chế dân chủ và công khai thực sự mới ngăn chặn được loại cán bộ hữu danh vô thực lọt vào trung ương.
Chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay cũng phải đặt ra trong bối cảnh đất nước có thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều người nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, chọn cán bộ lãnh đạo không thể đòi hỏi như thời đất nước còn chiến tranh, phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự đổi mới, quá trình tuyển lựa nhân tài thực hiện thật dân chủ, công khai, minh bạch thì chắc không đến nỗi phải “so bó đũa chọn cột cờ” hay “cầm đuốc soi tìm cán bộ”. Bài học chọn người tài của Bác Hồ cũng nằm ở chỗ dân chủ, công khai, nhờ vậy mà giữ được đoàn kết trong Đảng như chúng ta đã biết.
Chọn đúng nhân tài thì đất nước sẽ phát triển, đảm bảo đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, trên dưới đồng thuận, nhân dân tin tưởng. Đó là điều mong ước của toàn Đảng, toàn dân ở kết quả của Đại hội XIII của Đảng sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.