Chuyên gia y tế đưa ra giải pháp giúp Đồng Tháp giảm ca tử vong do Covid-19

16/08/2021 21:25 GMT+7

Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Đồng Tháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 25.8 và phấn đấu kiểm soát được dịch Covid -19 trước ngày 25.8.

UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, từ ngày 24.6 đến 16.8, toàn tỉnh có 5.187 ca mắc Covid-19, có 101 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 1,9% số ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Hơn 2.800 ca Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh

Ông Tạ Tùng Lâm, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Qua điều trị, đến ngày 16.8, có 2.806 bệnh nhân (BN) xuất viện, còn 2.307 BN đang điều trị. Đa số ca mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hiện có 119 BN trong tình trạng nặng và rất nặng, trong đó có 37 BN rất nặng, nguy kịch. Nhiều BN phải thở máy xâm lấn, lọc máu liên tục, thở ô xy dòng cao".

Sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 là bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc vào sáng 24.6, đến nay Đồng Tháp phát hiện hơn 5.000 ca mắc Covid-19

Ảnh: Trần Ngọc

Đến nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bộ Y tế và điều động nhiều đoàn y, bác sĩ từ các bệnh viện (BV): Lão Khoa T.Ư, Huế, TP.HCM và Cần Thơ về Đồng Tháp hỗ trợ điều trị xử lý ca mắc Covid-19 để hạn chế BN tử vong.
Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng cho toàn dân để nâng cao khả năng miễn dịch cho người dân. Đến ngày 15.8, toàn tỉnh có gần 294.000 người được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và hơn 20.000 người được tiêm mũi 2. 
Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, theo kế hoạch đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ nhận được 1,9 triệu liều vắc xin Covid-19 và đến hết tháng 3.2022 sẽ nhận được 2,2 triệu liều để tiêm bao phủ dân của tỉnh.

Tử vong nhiều do dịch “đánh” vào bệnh viện

Dịch Covid-19 tại Đồng Tháp diễn biến nhanh. Ngày 24.6, BVĐK Sa Đéc phát hiện một nữ BN đang điều trị tại khoa Nội Tổng hợp mắc Covid-19, sau đó lây lan nhanh và tăng lên hơn 5.000 ca hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương phát biểu trong buổi hỗ trợ điều trị Covid-19 tại Đồng Tháp

Ảnh: Trần Ngọc

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Nhiệt Đới T.Ư, Phó đoàn công tác Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Đồng Tháp, do bệnh đã tấn công vào 3 khoa trọng điểm của BVĐK Sa Đéc, gồm: Hồi sức Cấp cứu, Thận nhân tạo và khoa Nội tổng hợp, có rất nhiều BN lớn tuổi, có bệnh lý nền như: tai biến mạch máu náo, xơ gan giai đoạn cuối, ung thư gan giai đoạn cuối, là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tử vong nhiều tại tỉnh này.
Mặt khác, khi Đồng Tháp xảy ra dịch Covid-19, dù Bộ Y tế hỗ trợ cho tỉnh về mặt điều trị, dập dịch, nhưng do thiếu lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ điều trị Covid-19 cho tỉnh, trong khi nhân viên y tế của tỉnh chưa đủ khả năng ứng phó với ca bệnh nặng nên kết quả điều trị chưa đạt như kỳ vọng. “Các bác sĩ ở địa phương lần đầu tiên mới gặp các bệnh nhân nặng ở dạng này nên rất lúng túng. Mặt khác, khả năng tăng cường nguồn lực cho Đồng Tháp không được nhiều nên khá khó cho tỉnh trong việc hạn chế số ca tử vong”, BS Cấp nói.
Theo BS Nguyễn Đình Quân, Trưởng đoàn bác sĩ Bệnh viện Lão khoa T.Ư điều trị Covid-19 tại BVĐK Sa Đéc, đa số BN nhiễm Covid-19 Sa Đéc là người già có bệnh lý nền nên khi mắc bệnh diễn biến nặng và nguy cơ tử vong rất cao.Vì thế các nhân viên y tế phải được đào tạo thêm để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nhân chuyển biến nặng, hạn chế số ca tử vong. 

Cần lạc quan để tránh bệnh nặng

BS Cấp cho biết thêm, nếu kiểm soát tốt việc điều trị Covid-19 tại bệnh viện và các F0 khi điều trị cố gắng giữ chế độ sinh hoạt, ăn ngủ điều độ, tập luyện thể dục nhẹ để khí huyết lưu thông, sức khỏe đảm bảo thì sẽ hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến nặng.
Đối với F1, trong thời gian cách ly, nếu xuất hiện các vấn đề về hô hấp, ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy, mất vị giác, khứu giác thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được xét nghiệm kịp thời. Đối với F0, ban đầu bị nhiễm bệnh nhẹ nhưng sau đó xuất hiện các triệu chứng nặng như: sốt cao hơn, mệt mỏi, chán ăn, khó thở và khi gặp bất cứ bất thường nào trong cơ thể cũng phải báo ngay cho nhân viên y tế nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu diễn biến nặng để điều trị tốt.
“Chúng tôi nhận thấy trong một loạt bệnh nhân mắc Covid-19 ăn, uống kém thì diễn biến bệnh sẽ xấu hơn. Cho nên, người bệnh mà không giữ được tinh thần lạc quan, không đảm bảo việc ăn uống điều độ hoặc không theo dõi các dấu hiệu lâm sàng của mình thì bệnh dễ diễn biến xấu. Vì thế, bệnh nhân phải tin tưởng vào sự chăm sóc và sự hướng dẫn của nhân viên y tế để sức khỏe đảm bảo tốt nhằm để chống đỡ lại bệnh tật”, BS Cấp nói.

Hàng rào bảo vệ "vùng xanh" không có ca bệnh Covid-19 tại xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp

Ảnh: Trần Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.