Chuyên gia Nhật Bản cần 11 bước thủ tục để đến TP.HCM làm việc

26/08/2020 21:15 GMT+7

Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết để qua được Việt Nam làm việc, các chuyên gia Nhật Bản phải trải qua 11 bước thủ tục thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan...

Chiều 26.8, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020.
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay đã giải ngân khoảng 4.700 tỉ đồng, cao hơn năm ngoái. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 khiến các chuyên gia không thể nhập cảnh, ký kết phụ lục hợp đồng thì đơn vị có thể giải ngân được 7.300 tỉ đồng.
“Như ga Tân Cảng (gần cầu Sài Gòn), mấy tháng nay nỗ lực đã xong hạng mục công trình do chuyên gia trong nước, nhưng phần mái thì lợp không được do công nghệ này của nước ngoài, phải chờ chuyên gia nước ngoài qua”, ông Cường dẫn chứng và cho biết có một số chuyên gia đã sang hiện đang trong thời gian cách ly.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đề nghị có quy chế chung để giải quyết thủ tục cho chuyên gia nước ngoài vào TP.HCM làm việc

Ảnh: HMC

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM, các hạng mục quan trọng của dự án đều cần đến sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia. Trước đó, Ban quản lý Đường sắt đô thị đã từng nhiều lần đề nghị hỗ trợ thủ tục cho khoảng 100 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam làm việc để đảm bảo tiến độ dự án.
Dù vậy, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM thông tin thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc ở tuyến metro phải trải qua 11 bước thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH,… cơ quan chức năng phía Nhật Bản và cả chờ chuyến bay để đi ghép.
Do đó, ông Cường đề nghị có cơ chế chung để tháo gỡ vấn đề nhập cảnh cho chuyên gia không chỉ tuyến metro mà còn các doanh nghiệp khác ở TP.HCM. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM còn hơn 90 chuyên gia cần nhập cảnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban quản lý Đường sắt đô thị cần tổ chức các buổi làm việc, lắng nghe hằng tuần để có hướng chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao

Linh hoạt điều chuyển dự án

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, gắn với trách nhiệm cá nhân là người đứng đầu các sở ngành và quận huyện.
Đầu năm 2020, HĐND TP.HCM đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn 42.139 tỉ đồng. Các đơn vị có thể linh động điều chuyển số vốn từ dự án này sang dự án khác nhằm đảm bảo tiến độ các dự án, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ giải ngân dựa trên tổng số vốn mà UBND TP.HCM đã giao cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu điều chuyển nguồn vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt

Ảnh: HMC

Đối với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán thì khẩn trương hoàn thành thủ tục quyết toán; đối với các dự án không khả thi trong quá trình thực hiện do vướng mắc công tác bồi thường hay thẩm định giá trị đất thì chủ đầu tư cần phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư để điều chuyển sang dự án khác.
“Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì các cơ sở cần phải báo cáo ngay cho lãnh đạo TP.HCM kịp thời xử lý và tháo gỡ”, ông Phong cho biết. TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 15.10, tiến độ giải ngân đạt hơn 80% và hơn 95% vào cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.