Chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế tại TP.HCM: Vẫn loay hoay trước giờ “khai tử”

01/11/2008 00:19 GMT+7

Sáng 31.10, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Quy định của UBND TP.HCM “Về hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên quốc lộ thuộc địa bàn thành phố”.

Không nên áp đặt người nghèo! 

Dù đồng tình với chủ trương của thành phố về việc chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế, song điều khiến nhiều đại biểu lo lắng là liệu từ đây đến cuối năm 2008 có thể chuyển đổi xong gần 21 ngàn phương tiện tự chế trên địa bàn? Trong khi, theo quyết định gia hạn mới nhất của UBND thành phố, thì các loại xe 3, 4 bánh tự chế chỉ được hoạt động đến 31.12.2008. 

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng hỏi đại diện Sở GTVT: “Đầu năm 2008, lãnh đạo thành phố chỉ đạo SAMCO (Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn) khẩn trương lập đề án sản xuất, lắp ráp các loại xe 4 bánh để cung cấp, chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế cho những người đang sử dụng trước thời hạn đình chỉ lưu hành, trình UBND thành phố trong tháng 2.2008.

Tiến độ này nay đến đâu?”. Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải thành phố, thừa nhận lãnh đạo thành phố có giao SAMCO lo việc này, nhưng kết quả đến nay ra sao ông không nắm, và đề nghị ông Đằng hỏi bên SAMCO. Ông Đằng không đồng tình: “Là cơ quan tham mưu đề án cho UBND thành phố sao anh nói không biết được. Theo tôi nắm được, phía SAMCO đã từ chối không tham gia việc này rồi. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến thời hạn “khai tử” xe tự chế, vậy người nghèo sẽ chuyển đổi phương tiện ra sao?”. 

Không chỉ khó khăn về phương tiện, nhiều đại biểu còn nêu lên một loạt khó khăn khác khi chuyển đổi. Cụ thể, theo đề xuất của các đơn vị liên quan, sẽ chuyển các xe chở rác tự chế thành các loại xe đẩy tay, xe tải dưới 1 tấn và xe ép loại 2 tấn. Tuy nhiên, với giá 6 triệu đồng/xe đẩy tay 660 lít; xe tải dưới 1 tấn trên 100 triệu đồng/chiếc, thì người thu gom rác dân lập khó chạm tay tới, dù được chính quyền hỗ trợ vốn hoặc lãi suất. “Hơn nữa, trong khi thủ tục xét duyệt cho vay vốn, thẩm định... nhanh lắm cũng mất 1 tháng, chưa kể trường hợp chuyển đổi sang xe tải nhẹ thì phải có bằng lái mà thời gian học và thi ít nhất phải mất 6 tháng. Từ nay đến lệnh cấm chỉ còn 2 tháng, sao người nghèo chuẩn bị cho kịp. Áp đặt người nghèo như vậy là không nên”, nhà báo Đinh Phong, bức xúc.   

Phải lấy ý kiến người dân

Quy định các loại xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh được phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau cũng gây băn khoăn nơi các đại biểu. “Chẳng lẽ, mọi hoạt động vận chuyển của người dân thành phố đều diễn ra vào đêm khuya? Giả sử người dân nghèo muốn vận chuyển cái tủ hoặc cái giường, thì phải sử dụng xe gì nếu như xe ba bánh bị cấm?”, ông Đằng hỏi, và ông Lê Trung Tính trả lời: “Nếu không tự xoay xở được thì có thể sử dụng taxi tải...”. Câu trả lời này lập tức bị nhiều đại biểu phản ứng. “Xin lỗi anh Tính, anh coi cuộc sống của người dân nghèo dễ dàng quá!” – ông Đằng nói.

Từ những băn khoăn trên, ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đề nghị UBND thành phố cần bàn kỹ lại, chứ chưa nên ban hành quy định này. “Đề án này liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn người lao động, tại sao không lấy ý kiến của họ mà lại để những người như chúng ta, vốn không chạy ba gác góp ý. Làm vậy, liệu có hợp lý?” – ông Tân phân tích. Đồng quan điểm, nhà báo Đinh Phong đề nghị các ngành liên quan cần lấy thêm ý kiến của những người chạy xe 3, 4 bánh, đồng thời đẩy nhanh việc hỗ trợ họ thay thế xe hoặc chuyển đổi nghề theo chỉ đạo của UBND thành phố. 

Theo dự thảo Quy định về hạn chế lưu thông xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh trong khu vực nội đô và các tuyến quốc lộ, thời gian cấm lưu thông các phương tiện này từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ phương tiện đi lại của thương binh, người khuyết tật và xe dùng để thu gom rác.

Từ đầu năm 2009 đến 2010, khu vực nội đô hạn chế lưu thông xe 3, 4 bánh được giới hạn trên các tuyến đường vành đai và bên trong các tuyến đường vành đai như sau:

Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn (Q.1) - Nguyễn Hữu Cảnh - Ung Văn Khiêm - Quốc lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí – Nơ Trang Long – Bình Lợi (Bình Thạnh) – Lương Ngọc Quyến - Nguyễn Văn Nghi – Quang Trung – Phan Huy Ích (Gò Vấp) – Trường Chinh – u Cơ - Lũy Bán Bích (Tân Phú – Tân Bình) - Tân Hóa (Q.11) – Hùng Vương - Nguyễn Văn Luông – Lò Gốm - Trần Văn Kiểu (Q.5 – Q.6) - Hàm Tử (Q.5) - Bến Chương Dương (Q.1) - Nguyễn Tất Thành – Tôn Đức Thắng - Bến Vân Đồn (Q.4).

Minh Nam –  Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.