Chuyến bay quả cảm

30/07/2020 07:25 GMT+7

'Về nhà an toàn rồi' là cảm xúc vỡ òa của phi hành đoàn và 219 hành khách khi chuyến bay đặc biệt HVN6 từ Guinea Xích đạo hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 15 giờ 10 hôm qua (29.7).

Cùng với chuyến bay đón lao động từ Lybia năm 2011 và chuyến bay đón công dân Việt từ tâm dịch Covid-19 Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, thì HVN5 và 6 - chuyến bay thẳng khứ hồi đầu tiên giữa Việt Nam và Guinea Xích đạo đón 219 người lao động Việt trở về, có lẽ là chuyến bay đặc biệt và nhiều cảm xúc nhất.

Chuyến bay đón hơn 120 người Việt nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo đã về Nội Bài

Ngày 10.7, chỉ một vài ngày sau khi người lao động từ Guinea Xích đạo kêu cứu vì mắc kẹt tại đây trong điều kiện khó khăn (129 người trong số đó đã được xác định nhiễm Covid-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan khẩn trương lên phương án cho chuyến bay cứu hộ công dân, trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
Bộ GTVT và Vietnam Airlines đã lên 4 phương án để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên tới Guinea Xích đạo (nơi Việt Nam chưa từng thiết lập đường bay), và cuối cùng phương án được lựa chọn là đường bay thẳng 30 tiếng từ Hà Nội tới sân bay Bata (Guinea Xích đạo), rồi bay về Hà Nội.
Khác với các chuyến bay “giải cứu” công dân khác, chuyến bay tới Guinea Xích đạo thực sự thử thách lòng can đảm, khi phải đón hơn 129 người nhiễm Covid-19, vừa phải đảm bảo an toàn cho những người lao động khác đi cùng, cũng như phi hành đoàn. Hàng loạt biện pháp tối ưu đã được triển khai, tổ bay được trang bị 100 bộ đồ bảo hộ cấp 4 như chuyến bay đi Vũ Hán.
Máy bay Airbus A350 được chia làm 3 khoang với màng nhựa PVC ngăn cách. Trong đó, khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế. Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay. Máy bay cũng được lắp buồng áp lực dương để tổ bay và các y, bác sĩ ăn uống.
Chuyến bay quả cảm

Phi hành đoàn và người lao động đáp xuống sân bay Nội Bài chiều 29.7

Ảnh: NIA

Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc, với các thiết bị y tế mang theo. Riêng khoang hạng phổ thông được chia làm 2 để đảm bảo an toàn cho hành khách, trong đó, phần phía trên dành cho các hành khách được xác định âm tính, trong khi phần dưới để phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19.
Dù các phương án an toàn được đảm bảo ở mức tối đa, nhưng đây vẫn là chuyến bay chưa từng có trong tiền lệ với nhiều nguy cơ rất cao, vì tỷ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm đến hơn 50%, trong đó có các ca nặng.
Nguy hiểm là vậy, song, gần 150 cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines, với 9 phi công, 125 tiếp viên, trong đó có 30 tiếp viên nữ và 13 nhân viên kỹ thuật, vẫn sẵn sàng xung phong đảm nhận nhiệm vụ trên chuyến bay này.
Hãng đã quyết định chọn 5 phi công với 3 cơ trưởng, 2 cơ phó và 8 tiếp viên nam, 3 nhân viên kỹ thuật là thành viên trên chuyến bay. Cơ trưởng chuyến bay Phạm Đình Hưng, 49 tuổi, Phó đội trưởng Đội bay Airbus A350 của Vietnam Airlines, từng thực hiện chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011.
Chia sẻ với Thanh Niên ngay sau khi từ sân bay trở về khu cách ly, anh Hưng cho biết “cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm một việc có ý nghĩa”.
Chuyến bay quả cảm

4 thành viên là bác sĩ, điều dưỡng của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, trên chuyến bay đón công dân Việt Nam về từ Guinea Xích đạo

Ảnh: Thanh Sơn

Những “chiến binh” thầm lặng

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, một trong 4 y, bác sĩ xung phong đi đón công dân từ Guinea Xích đạo, chia sẻ: “Trong không gian hẹp và gần như không có thông khí của máy bay, số lượng người dương tính lại nhiều nên nồng độ đậm đặc của virus trong không khí cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất lớn... Nhưng 4 anh em trong đoàn cũng đã sẵn sàng cho tình huống xấu hơn xảy ra”.
4 bác sĩ, điều dưỡng theo đoàn hiện cũng tuân thủ cách ly y tế theo quy định 14 ngày trước khi trở lại cộng đồng, để được tiếp tục cứu chữa cho người bệnh.

Mọi người đều an toàn là yên tâm rồi 

Trong 5 phi công trên chuyến bay đi Guinea Xích đạo, có 3 cơ trưởng và 2 cơ phó. Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, từng thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011. Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn và cơ phó Ngô Trung Đức, đều từng tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Đức, Pháp về nước trong thời gian qua. Với 8 tiếp viên nam trên chuyến bay, có 7 người từng tham gia các chuyến bay đưa công dân từ Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Ukraine, Mỹ, Canada, Thái Lan… về nước. 
Nhân viên phục vụ mặt đất Hoàng Trung Kiên cũng từng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011 và đưa công dân Việt ở Vũ Hán (Trung Quốc), Canada về nước. Đặc biệt, 2 tiếp viên đã xung phong phục vụ hành khách khu vực dương tính là tiếp viên Trương Anh Tú và Nguyễn Hữu Trung. 
Trong số 4 y, bác sĩ đi theo đoàn, có một bác sĩ từng là BN Covid-19 do lây nhiễm từ BN trong quá trình điều trị hồi tháng 3 vừa qua, đó là bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, công tác tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. 
Chia sẻ sau chuyến bay, bác sĩ Thành cho hay: “Chuyến bay dài, và hơi mệt, nhưng chỉ mệt một chút thôi. Tất cả đã trở về nhà, mọi người đều an toàn là yên tâm rồi”.
Với nhân viên phục vụ mặt đất Hoàng Trung Kiên (40 tuổi), người từng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011 và đưa công dân Việt ở Vũ Hán (Trung Quốc), Canada về nước trong dịch Covid-19, chuyến bay tới Guinea Xích đạo nhiều cảm xúc nhất.
Chia sẻ từ khu cách ly tối 29.7, anh Kiên cho biết anh rất mệt nhưng rất vui. Khi được hỏi có lo lắng không khi chuyến bay có quá nhiều điều đặc biệt và thậm chí là nguy cơ lây nhiễm rất cao, anh Kiên cười: “Anh em đều lo lắng, nhất là khi lên máy bay từ Nội Bài sang Bata, các bác sĩ hướng dẫn cách mặc đồ bảo hộ và cơ chế lây truyền cặn kẽ”.
Nhưng theo anh Kiên, công việc này anh không làm thì người khác cũng sẽ xung phong làm. Người nhà anh cũng lo lắng, nhưng vợ con thì hiểu và ủng hộ anh từ chuyến bay đi Vũ Hán trước đây, và nay là chuyến đi Guinea Xích đạo.
Chuyến bay quả cảm

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư), Tổ trưởng Tổ y tế trên chuyến bay

Ảnh: Thanh Sơn

Chưa từng có

Xuất phát từ Nội Bài lúc 7 giờ 30 sáng 28.7, chuyến bay đã trải qua hành trình hơn 11 tiếng trước khi hạ cánh xuống sân bay Bata. Tại đây, 219 lao động đã đợi sẵn và được cung cấp trang bị bảo hộ để lên máy bay về nước.
Lo lắng lớn nhất trước chuyến bay, ngoài việc đảm bảo an toàn cho đội ngũ phi hành đoàn, còn là sức khỏe của những hành khách đã nhiễm Covid-19 trong chuyến bay kéo dài hơn 10 tiếng. Trước giờ khởi hành, 2 hành khách dương tính Covid-19 có sức khỏe yếu đã nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ. Chuyến bay cuối cùng đã hạ cánh an toàn xuống Nội Bài, chậm hơn 4 tiếng so với dự kiến vì một số vấn đề kỹ thuật.
Ngay sau hạ cánh, Vietnam Airlines đã phối hợp cùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị chức năng triển khai đón tiếp, kiểm tra sức khỏe, nhanh chóng đưa hành khách, tổ bay đi cách ly tập trung. Máy bay được khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái và hầm hàng. Các trang thiết bị phục vụ mặt đất cho chuyến bay như xe thang, xe nâng... cũng được khử khuẩn.
Cuối giờ chiều 29.7, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh (Hà Nội) đã tiếp nhận 219 người lao động Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, trong đó có 120 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19.
Trong số những người bệnh này, có một số trường hợp được xác định đã khỏi bệnh, một số khác diễn biến nặng trong thời gian qua phải nằm điều trị BV ở Guinea, nhưng hiện nay tình trạng bệnh đã tiến triển tốt hơn. Dù vậy, vẫn có một số BN có diễn biến nặng do có bệnh nền, mắc sốt rét. Đ
ón tiếp các thành viên và BN Covid-19 từ Guinea Xích đạo trở về, các bác sĩ cho biết, hầu hết BN tâm trạng mừng rỡ vì về được đến Việt Nam an toàn. Nhiều người lao động còn cầm theo ảnh Hồ Chủ tịch trong suốt hành trình bay.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết số lượng BN Covid-19 nhập viện cùng lúc lần này “lớn chưa từng có”. BV đã dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 với 400 - 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm. Tất cả BN thông thường đang điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở Giải Phóng (tại Q.Đống Đa, Hà Nội) và các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho việc đón các ca dương tính.

Việt Nam chuẩn bị thế nào để đón 120 bệnh nhân Covid-19 về từ Guinea Xích đạo

Niềm vui ở quê nhà

Cách đây 20 ngày, chị Vũ Thị Phương (ở xã Hậu Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) là người đã viết đơn “cầu cứu” gửi các cơ quan chức năng và Thủ tướng xin hỗ trợ đưa chồng là anh Lê Đình Sỹ (28 tuổi) về nước sau khi anh Sỹ và nhiều người Việt khác đang làm việc cùng công trường xây dựng thủy điện ở Guinea Xích đạo bị nhiễm Covid-19.
Chị Phương kể, anh Sỹ sang Guinea Xích đạo làm công nhân từ năm 2018 cùng với anh trai và anh rể. Anh Sỹ đã hết hợp đồng từ tháng 5 vừa qua, nhưng do dịch Covid-19 nên anh không thể về, phải ở lại. Ngày 8.7, anh Sỹ được phát hiện đã bị nhiễm Covid-19 và được cách ly tại một khách sạn. Ngày 9.7, chị Phương đứng tên viết đơn gửi các cơ quan chức năng và Thủ tướng đề nghị hỗ trợ đưa thân nhân về nước để điều trị. “Những ngày qua, chúng tôi mong chờ từng giây từng phút để anh ấy được trở về. Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời!”, chị Phương bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Khoa (ở xã Hợp Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) cũng bày tỏ, khi biết tin con trai là anh Nguyễn Văn Khuê (26 tuổi) bị nhiễm Covid-19 ở Guinea Xích đạo, được Chính phủ đưa về nước, ông mừng đến bật khóc. “Tôi từng nghĩ tới chuyện xấu nhất con phải bỏ mạng ở bên đó, rồi làm sao đưa được thi thể về. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ con chúng tôi trong thời gian qua”, ông Khoa xúc động nói.
Khánh Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.