Chúng tôi là người lính

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
20/12/2019 07:50 GMT+7

Lần mò mãi mới xin được số điện thoại, tôi thấp thỏm gọi, ông háo hức bên kia đầu dây: “Ghé nhà đi, tôi nằm liệt mấy năm, có đi đâu mô!” và cười: “Lâu lắm rồi mới có người đến hỏi chuyện ngày xưa”.

Ông là Trần Đức Thái, người duy nhất được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là... thương binh trong thời bình.

Lời hẹn Trường Sơn

Sinh năm 1954 ở xã Định Hải, H.Thiệu Yên (nay là H.Yên Định, Thanh Hóa), năm 1972 ông nhập ngũ vào Sư đoàn 2, Quân khu 5 làm nhiệm vụ vận tải. Suốt 3 năm trời tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên - Bình Định, đầu năm 1975, ông Thái cùng đội hình bộ binh tiến công Nông Sơn - Thượng Đức và bị thương nặng, cụt tay trái với mức độ thương tật 71%, phải nằm trạm phẫu. Tháng 6.1975, khi việc tiếp quản miền Nam đã hoàn tất, thương binh Trần Đức Thái mới được ra Đoàn an dưỡng 585 ở H.Thọ Xuân, Thanh Hóa; 22 tuổi trẻ trung nhưng đã thương tật 71% (thương binh 6/8). Tình cờ, một ngày cuối tháng 8.1976, ông Thái lên thăm người anh ở phố Kiểu (Yên Tường, Yên Định) và gặp lại nữ đồng hương quen nhau từ trong chiến trường - trung sĩ Nguyễn Thị Nhân, quê ở H.Hậu Lộc (khi đó 24 tuổi, là công nhân Xí nghiệp nghiền thức ăn gia súc 19.5).
Nhớ lại những ngày đầu gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Nhân kể: Nhập ngũ năm 1971, sau khi huấn luyện tại Hà Tĩnh, bà được đưa về Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 6, Sư đoàn 473 thuộc đường dây 559 làm nhiệm vụ công binh cơ động, sửa chữa các tuyến giao thông suốt từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sang đến trung Lào, nam Lào. Cuối năm 1972, ông Thái chở quân từ miền Bắc vào, khi đến A Sầu - A Lưới thì bị máy bay Mỹ đánh phá đội hình và đơn vị bà Nhân phải ra sơ tán xe, cấp cứu thương binh. Trong mịt mù bom đạn, hai người vẫn nhận đồng hương và chia tay với lời hẹn gặp lại. Năm 1974, bà Nhân xuất ngũ, về làm phục vụ tại Đoàn an dưỡng 585 và sau đó chuyển làm công nhân. “Gặp lại nhau, thấy ông ấy cụt tay, tôi thương quá và nhận lời yêu ông ấy ngay”, bà Nhân kể. Tháng 11.1976, anh thương binh Trần Đức Thái và cô công nhân Nguyễn Thị Nhân tổ chức lễ cưới ở làng Sét (xã Định Hải, H.Yên Định). Ở được mấy ngày, chồng lại phải ra Đoàn an dưỡng 582 Ninh Bình điều trị; vợ thì lên cơ quan ở phố Kiểu. Thấy gia đình quá hoàn cảnh, Xí nghiệp nghiền thức ăn gia súc 19.5 Thanh Hóa bố trí cho mượn một căn phòng tập thể mái tranh vách đất để trú ngụ và lấy chỗ cho bà Nhân tần tảo nuôi con gái đầu lòng Trần Thị Dung (sinh năm 1977), tiếp đó là con gái Trần Thị Nhung (sinh năm 1979) và cậu út Trần Anh Tuấn (sinh năm 1981).
75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân việt nam (22.12.1944 - 22.12.2019) Chúng tôi là người lính1

Vợ chồng ông Thái trước căn nhà xây bằng công sức lao động

Ảnh: Mai Thanh Hải

Cứu dân không suy nghĩ

Đầu năm 1984, bà Nhân xin nghỉ mất sức, đưa con về quê ông Thái ở làng Sét. Cuối năm, ông Thái cũng xin rời Đoàn 582 Gia Viễn, Ninh Bình về an dưỡng tại gia đình. Là thương binh nặng, cụt tay trái, 3 ngón tay phải và nhiều vết thương nhưng ông Trần Đức Thái vẫn nhiệt tình tham gia các công việc của hợp tác xã; từ đào mối giữ đê, chạy máy bơm nước cho đến bảo vệ sản xuất mùa màng...

Nhiều người cứ hỏi: “Trước khi nằm đè lên lựu đạn nghĩ gì?”, tôi chỉ cười. Mình là người lính thì phải giữ sự sống, yên bình cho đồng bào. Tích tắc là lựu đạn nổ, là chết người cháy nhà, ai mà nghĩ nổi và mong thành anh hùng

Ông Trần Đức Thái, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Buổi chiều ngày 5.8.1985, đang trên đường ra nơi sản xuất, ông Thái nghe tiếng hô cướp ở một cửa hàng. Chạy đến hiện trường, ông thấy một thanh niên vác kiện vải chạy ra phía cánh đồng nên gắng sức đuổi theo bắt lại. Giằng co với tên cướp dưới ruộng lúa khoảng 15 phút, ông và cựu chiến binh Lê Mạnh Tuấn mới khống chế được và giao cho những người dân đang vây kín xung quanh. Vừa quay đi, ông Thái nghe tiếng “cạch” đặc trưng của lựu đạn mỏ vịt. Không kịp suy nghĩ, ông Thái lao đến dùng chân đạp quả lựu đạn xuống bùn và ngã đè lên. Lựu đạn nổ, ông bị mảnh găm đầy người, gãy lìa chân trái. Suốt 6 tháng sau đó, ông được đưa qua các bệnh viện lớn ở Hà Nội điều trị, với lời nhắn gửi của những người dân xã Định Hải: “Không có ông Thái, mấy chục người dân sẽ chết vì lựu đạn” và chỉ thị của lãnh đạo cao nhất lúc bấy giờ: “Đồng chí Thái đã bị thương trong chiến trường, chúng ta không thể để đồng chí ấy hy sinh trong thời bình”. Ngày 22.12.1986, ông Trần Đức Thái được Chủ tịch Trường Chinh phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã có hành động đặc biệt dũng cảm trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa”. Ông được xác định thương binh hạng 1/4 (mất 95% sức khỏe).

Khát vọng sống

Đến TT.Quán Lào (H.Yên Định) hỏi ông Trần Đức Thái bây giờ, ít người rành rẽ chuyện ông ngã lên lựu đạn cứu bà con, mà ai cũng trầm trồ “Mất hết tay chân mà vẫn gắng tự lực làm giàu”. Từ năm 1986, khi được lắp chân giả, ông Thái đã nhờ người thân đưa đến các thôn xóm trong huyện để... xem cây nhãn. Chả biết từ bao giờ, những xã: Định Tiến, Định Tân, Định Hải nằm ven sông Mã đã có những cây nhãn, tuy không nổi tiếng như Hưng Yên nhưng cũng làm mê mẩn người xứ Thanh. Thế nhưng, nhãn Yên Định chỉ rộ lên cữ tháng 7 - 8 và người dân có bán cũng chỉ loanh quanh trong chợ ven đường, không mang nổi đi xa. Trước vụ nhãn năm 1987, ông Thái mang số tiền thương binh ít ỏi đến từng nhà có nhãn trong xã để mua cả cây. Xong, ông lại tất tưởi suốt mấy tháng đến từng cây thăm nom, trông coi, diệt bọ xít. Khi nhãn chín, ông lại thuê người thu hoạch, mang về chất đầy sân và nhờ bà con xóm giềng sang bóc vỏ, sấy khô thành long nhãn, gửi vào miền Nam bán. Hai vụ nhãn, lời được gần 20 triệu đồng, ông mang đi mua hết các cây trong huyện, mong “thắng to” vụ 1989 để dựng lại ngôi nhà tranh.
Cuối tháng 5.1989, cơn bão nhiệt đới Cecil (còn gọi là bão số 2) đổ bộ vào miền Trung gây lũ lụt thảm khốc. Tại Thanh Hóa, bão Cecil khiến nhiều cây cối, nhà cửa đổ gãy và tất nhiên, những quả nhãn còn xanh của ông Thái cũng rụng như sung. “Mấy ngày bão gió, ông ấy cứ ngồi im phăng phắc nhìn ra sân. 20 triệu đồng hồi ấy có khi mua được ngôi nhà”, bà Nhân kể. “Mất thì làm lại”, ông Thái nói vậy với vợ và nhờ người chở ra Hà Nam, tìm đến nhà đồng đội cũ để học cách làm miến gạo. Cái máy làm miến mua nợ hồi ấy chỉ trần trùng trục phần động cơ, hệ thống cán, cắt sợi miến và phễu đổ bột. Ông Thái nhúc nhắc chân thật chân giả tìm mấy cây xoan, dùng tay phải còn lại bị cụt 3 ngón, đẽo chặt những thân xoan làm giá máy và bắt đầu làm miến gạo.
Từ cuối năm 1989, xưởng làm miến chỉ có 2 người lính già cặm cụi: vợ nghiền bột, cắt miến; chồng ngồi trên cái ghế cao cách mặt đất cả mét, dùng tay phải chỉ còn 3 ngón đổ bột, điều khiển máy chạy. “Ngồi liên tục 4 - 5 tiếng đồng hồ, cứ nửa tiếng lại dừng vì hoa mắt chóng mặt, phải làm cái ghế có chỗ dựa ngồi nghỉ ngay tại chỗ và buộc ngang hông kẻo ngã”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đức Thái kể lại vậy và cười hiền lành: “Hồi ấy cả nước đói khổ, chế độ chính sách không đáng bao nhiêu, mình không tự kiếm tiền lo cho mình và nuôi vợ con thì ai lo?”. Góp chuyện, bà Nguyễn Thị Nhân nhỏ nhẹ: “Ba đứa con trừ lúc đi học, còn lại đều xúm vào làm việc cùng bố mẹ, khổ nhưng mà đầm ấm. Có lần, lãnh đạo Bộ Công an về làm việc tại tỉnh, ghé thăm gia đình. Thấy cả nhà xúm xít dưới mái tranh rách nát, các anh ấy nói chuyện với chính quyền và hôm sau, lãnh đạo huyện vào bảo: “Giờ ông Thái là anh hùng rồi, muốn chọn chỗ nào làm nhà thì chỉ để huyện bố trí”. Ông nhà tôi bảo: “Sinh ra ở làng, đi chiến đấu vì xóm làng và thương tật cũng tại làng. Tôi ở với làng xóm. Giờ các anh có cho đất thì cũng lấy đâu tiền dựng nhà?”…
Bây giờ, vợ chồng người anh hùng đã có căn nhà xây đơn giản ở TT.Quán Lào. Ba người con là: trung tá Trần Thị Dung (công tác tại Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa); Trần Thị Nhung (giáo viên tiểu học) và cậu út Trần Anh Tuấn ở Công an H.Yên Định. Cuối tuần, con cháu lại quây quần nghe ông bà răn dạy sự cố gắng, tự lực và vượt khó.
Chia tay, ông dặn tôi: “Chỉ khi qua chiến tranh, không bị cái chết “vồ lấy”, người ta mới trân quý hòa bình. Nhiều người cứ hỏi: “Trước khi nằm đè lên lựu đạn nghĩ gì?”, tôi chỉ cười. Mình là người lính thì phải giữ sự sống, yên bình cho đồng bào. Tích tắc là lựu đạn nổ, là chết người cháy nhà, ai mà nghĩ nổi và mong thành anh hùng”. Tôi tin điều đó, bởi ông là người lính. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.