Chưa xem xét dự án sửa đổi luật đầu tư, kinh doanh

19/10/2016 08:30 GMT+7

Ngày 18.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chuẩn bị lại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư , kinh doanh để trình QH vào kỳ họp sau.

Trước đó, ngày 29.9, Chính phủ có Tờ trình số 363/TTr-CP về dự án luật này với phạm vi sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng việc sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn, trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.
Tại lần trình này, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã rút phạm vi sửa đổi bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 luật là: luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp và luật Xây dựng, chỉ còn 18 điều thay vì 89 điều như dự thảo ban đầu.
Ủng hộ sửa luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thất vọng khi đọc dự thảo luật. “Thời gian quá gấp, hồ sơ thiếu báo cáo đánh giá tác động. Dự luật cũng chưa thấy rõ việc tháo gỡ rào cản tạo động lực cho doanh nghiệp, xã hội”, Chủ tịch QH nhận xét. Hơn nữa, theo Chủ tịch QH, các nội dung đề xuất sửa trong dự luật này cho thấy chủ yếu chỉ liên quan thủ tục hành chính, như chứng chỉ kiểm toán viên, doanh nghiệp nào cần kiểm toán viên..., chưa thể hiện rõ tính cấp thiết của vấn đề phải sửa. “Những điều này không sửa thì có cháy nhà, chết người không?”, Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Ủy ban TVQH là luôn ủng hộ Chính phủ để cùng nhau giải quyết vấn đề của đất nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng nếu làm không cẩn thận, dự luật này thậm chí không tạo thuận lợi mà còn cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì vậy, ông Hiển đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ càng hơn để hoàn thiện lại dự thảo luật, chưa trình ra kỳ họp QH này.
Cùng ngày, Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN. Thời hạn thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ 1.1.2017. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh của đất nước, do vậy các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình QH xem xét, cho ý kiến.
QH tập trung công tác xây dựng luật
Cùng ngày, tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình kỳ họp thứ hai, QH khóa 14, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến kỳ họp khai mạc ngày 20.10 và bế mạc chiều 23.11.2016. Tại kỳ họp, công tác xây dựng pháp luật chiếm khoảng 63% thời gian, QH sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật (luật Về hội; luật Tín ngưỡng, tôn giáo; luật Đấu giá tài sản; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ), 1 nghị quyết (nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp) và cho ý kiến về 12 dự án luật khác và 1 nghị quyết... QH cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày và giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những vấn đề được quan tâm đổi mới tại kỳ họp này là lĩnh vực lập pháp, tạo điều kiện cho hoạt động tranh luận. Các bộ trưởng sẽ trực tiếp trả lời, trao đổi với các ĐBQH để làm sáng tỏ các nội dung. Các phiên thảo luận cũng sẽ có thiết kế để các ĐBQH tranh luận với nhau và với các bộ trưởng, trưởng ngành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.