'Chưa thấy bóng dáng việc sửa luật Đất đai'

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh băn khoăn vì "chưa thấy bóng dáng sửa luật Đất đai " trong chương trình xây dựng luật tới hết năm 2022 mà Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 14.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 57 cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021.

Không tiếp tục thống kê, báo cáo việc làm luật Biểu tình, luật về Hội

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát, tới nay còn 18 dự án luật, pháp lệnh trong danh mục xây dựng luật để triển khai Hiến pháp 2013 chưa được ban hành.
Trong số này, Chính phủ đề nghị 8 dự án luật, pháp lệnh không tiếp tục xây dựng; 10 dự án luật, pháp lệnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng.
Đối với 10 dự án này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình, khi đáp ứng yêu cầu và bảo đảm phù hợp với tiến độ chuẩn bị.
Từ đó, ông Long cho biết: “Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép từ năm 2021 không tiếp tục thực hiện việc thống kê, báo cáo về tình hình thực hiện đối với 10 luật này”.
8 dự án không tiếp tục xây dựng: (1) luật Chủ tịch nước; (2) luật Tố tụng lao động; (3) luật Bảo đảm trật tự an toàn, xã hội; (4) luật Chứng thực; (5) luật Truy nã tội phạm; (6) luật Tiền lương tối thiểu; (7) luật Hiến máu; (8) luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức.
10 luật tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đề nghị không thống kê: (1) luật về Hàm, cấp ngoại giao; (2) luật Tình trạng khẩn cấp; (3) luật Bình đẳng giới (sửa đổi); (4) luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; (5) luật Năng lượng nguyên tử; (6) luật Dân số; (7) luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; (8) luật về Hội; (9) luật Biểu tình; (10) Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.
Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo danh mục các luật, pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong 18 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2 - 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Ảnh Nguyên Mạnh

Đối với đề nghị của Chính phủ, ông Tùng cho biết, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không tiếp tục xây dựng đối với 8 luật.
Còn đối với 10 dự án luật, pháp lệnh còn lại, ý kiến của các cơ quan cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ cần thiết tiếp tục xây dựng; song đề nghị Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa các dự án luật, pháp lệnh trên vào chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác.
Ông Tùng cũng cho biết, trong báo cáo tại kỳ họp 10, Chính phủ đã xác định tiến độ đưa vào Chương trình đối với 4/10 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm các luật: Năng lượng nguyên tử; Bình đẳng giới (sửa đổi); Công nghiệp quốc phòng và động viên quốc phòng; Về tình trạng khẩn cấp.
Hiện nay, các cơ quan đang tích cực phối hợp xây dựng để báo cáo cấp có thẩm quyền Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để Chính phủ, các cơ quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo ông Tùng, đây sẽ là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, đôn đốc việc chuẩn bị để đưa vào chương trình đối với 10 dự án nêu trên. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất không tiếp tục thống kê, báo cáo tình hình thực hiện đối với 10 dự án luật nói trên.

Việc sửa luật Đất đai đã quá hạn

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi “chưa thấy bóng dáng việc sửa luật Đất đai” trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5.2022.
“Thực tế địa phương nêu nhiều vướng mắc liên quan đến luật. Khi sửa luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư có cái đã sửa, nhưng có những vấn đề cốt lõi phải sửa trong luật Đất đai”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc có kịp chuẩn bị trình sửa luật này hay không.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên làm việc về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Ảnh Nguyên Mạnh

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Nghị quyết 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, có 89 dự án luật cần xây dựng thì hiện mới làm được 71 luật.
Ông Định đề nghị Chính phủ và các cơ quan từ nay đến cuối năm 2021 không đề xuất bổ sung thêm dự án vào năm 2021 để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không xem xét các dự án không có trong chương trình”, ông Định nhấn mạnh
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét giải trình làm rõ việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết T.Ư, Bộ Chính trị về những vấn đề đã đặt ra sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào năm 2022.
“Quốc hội đã ra nhiệm vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, và Chính phủ đã có chương trình nhưng một số việc hiện nay đã quá hạn như: luật Đất đai, luật Khám chữa bệnh, hay sửa đổi tổng thể các luật thuế để đảm bảo đồng bộ thực hiện chiến lược cải cách thuế", ông Định nói, và cho biết, Ủy ban Pháp luật đã liệt kê có 34 dự án luật, có luật trình từ năm 2017 - 2018, đến nay vẫn chưa xong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.