Chưa phải thời điểm tăng học phí

10/06/2009 00:37 GMT+7

Chưa thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết như vậy khi kết luận phiên thảo luận tại Hội trường hôm qua 9.6. Ông nhấn mạnh: “Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo chứ không phải Nghị quyết thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo”. Nghe đọc bài

Những ý kiến phản bác

Trước đó, khi thảo luận về đề án, nhiều ĐB có chung quan điểm là cần thiết phải đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục nhưng lại không đồng tình với lộ trình và khung học phí mà đề án đưa ra.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa và Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho biết, Chính phủ trình đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhưng thực chất là tăng học phí, vì trong các nhóm giải pháp mà đề án đưa ra, chủ yếu nhằm vào tăng học phí còn các nhóm giải pháp khác hết sức mờ nhạt. ĐB Lê Văn Cuông thẳng thắn: “Nội dung của đề án thiếu tính khách quan, khoa học và thực tiễn”. Đề án đưa ra những con số của ngành rất chi tiết nhưng điều cốt lõi nhất để giúp ĐBQH đưa ra quyết định có “bấm nút” hay không “bấm nút” thông qua đề án thì lại không có, đó là chưa nghiên cứu, tổng kết về hiệu quả sử dụng tiền ngân sách chi cho giáo dục.

“Khi đề án này được thông qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có dám hứa với Quốc hội và cử tri cả nước sẽ không thu bất kỳ một khoản nào khác không?”

 ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng

ĐB Huỳnh Nghĩa cho biết thêm, trước khi trình QH, lường trước được sự phản ứng của ĐBQH, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã vận động hành lang, bằng cách đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng gửi văn bản trực tiếp đến Trưởng đoàn ĐB QH tỉnh, thành phố, nêu rõ quan điểm của giáo dục địa phương, của nhà trường đối với đề án. Theo ĐB Nghĩa, điều này càng thể hiện sự lúng túng của Ban soạn thảo đề án và ông kiên quyết: “Chưa phải là thời điểm để tăng học phí”. Là người “trong nhà” nhưng Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt cũng kiến nghị, lùi thời điểm áp dụng việc điều chỉnh học phí, cụ thể là năm 2009 - 2010 sẽ áp dụng điều chỉnh cho bậc học đại học, cao đẳng và học nghề, và năm 2010 - 2011 mới điều chỉnh học phí của bậc học phổ thông.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông phản bác lập luận của Bộ GD-ĐT khi cho rằng, với mức học phí 180.000 đồng/tháng cho một sinh viên ĐH thì chỉ cần 3 - 4 tháng đi làm sau khi tốt nghiệp đã hoàn đủ số tiền học phí của 4 năm học đại học. ĐB Cuông cho rằng, Bộ GD-ĐT đã quên mất ngoài tiền học phí, sinh viên còn phải chi tiêu rất nhiều khoản khác, trung bình lên tới 2 triệu đồng/tháng/sinh viên, và hơn nữa không phải ai ra trường cũng xin được việc ngay. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) tính toán, chi phí cho 4 năm học ĐH của một sinh viên, ít nhất cũng phải 80 triệu đồng.

“Thực hiện cơ chế học phí mới này sẽ không phải đóng thêm có tính chất đại trà nữa, nhưng từng cá nhân họ muốn đóng theo điều kiện thì mình cũng khuyến khích và có cách thu nhận phù hợp”

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Mức tăng học phí quá cao

Trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước Võ Đình Tuyến cho rằng mức tăng học phí là quá cao và lý do tăng học phí không thuyết phục vì: “Đâu có phải chi phí cho ngành giáo dục mới chịu tác động về tăng giá, đối với hộ gia đình và học sinh cũng chịu tác động hết sức nặng nề”. Vẫn theo ĐB Tuyến, mức tăng học phí từ 180.000 đồng/tháng như hiện nay lên 500.000 - 800.000 đồng/tháng vào năm 2014 đối với ĐH học là quá cao so với sức chịu đựng của các gia đình có con đi học.

Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi (Cà Mau) hưởng ứng: “Tính học phí mà các đồng chí lại tính từ túi người ta để ra tiền mình thu thì không ổn”. Cho rằng, mức học phí không quá 6% thu nhập của người dân là cao, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đề nghị: “Nên ở mức dưới 5% mức thu nhập của người dân”. Bà Thanh cho rằng việc xác định được mức thu nhập bình quân của người dân ở từng địa phương một là vô cùng phức tạp và khó khăn, chính vì thế sẽ khó đảm bảo được công bằng cho người dân.

* “Ngân sách nhà nước chi đến 20% cho giáo dục là cao, nhưng quản lý lỏng lẻo như hiện nay là không thể chấp nhận được. Muốn đưa ra đề án mới thì việc đầu tiên là phải đánh giá xem hiện trạng nó như thế nào”- ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa)

* “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT không nên thay thế các tiêu cực của ngành mình bằng cách chuyển những khó khăn đó cho người học và gia đình họ phải gánh chịu. Ví dụ như để khắc phục tình trạng chấm thi, coi thi không khách quan mà tổ chức thi cụm là gây khó khăn cho học sinh và gia đình của họ” - ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị)

Lưu Quang Phổ (ghi)

Sẽ có “4 tăng” nếu đề án được thông qua

Phát biểu trước QH, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mục tiêu cơ bản của đề án là làm sao để số lượng người đi học ngày càng nhiều và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Phó thủ tướng khẳng định: “Đây là đề án đổi mới cơ chế tài chính với 8 nội dung, không phải là đề án tăng học phí”. Phó thủ tướng cam kết, khi thực hiện, đề án này sẽ đạt được 4 kết quả: tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục; tăng số người đi học, đặc biệt là người nghèo đi học sẽ tăng thêm; tăng chất lượng về giáo dục; tăng tính bền vững của hệ thống giáo dục.

Phó thủ tướng cung cấp thông tin, vừa qua có hơn 20 địa phương hằng năm không chi hết ngân sách giáo dục theo quy định của Nhà nước. Theo Phó thủ tướng, muốn chấm dứt tình trạng này thì chỉ có cách là làm khẩn trương 7 nội dung của cơ chế mà đề án kiến nghị.

Về học phí của bậc học mầm non, Phó thủ tướng nói: “Nhà nước là người gánh chính, chứ không phải phụ huynh”. Trong số tiền 2,9 triệu đồng chi cho một học sinh bậc mầm non trong một năm thì gia đình chỉ đóng 900.000 đồng, còn lại Nhà nước bù, còn ở những vùng miền núi khó khăn thì hầu như được miễn học phí. Do chưa tăng được ngân sách, nên trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung cho mầm non 5 tuổi để tất cả các cháu có thể học mầm non, đặc biệt là vùng miền núi. “Ở miền núi, mầm non 5 tuổi khi gia đình không còn khả năng trả thì chúng ta phải làm trường công lập và miễn phí hết” - ông Nhân nhấn mạnh. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, mức đóng học phí 6% thu nhập là không quá tải, vì hằng năm các địa phương hoặc Tổng cục Thống kê đều thống kê chi phí học tập của gia đình, bình quân năm 2002 chi 6,1%, năm 2004 chi 6,3%, năm 2006 chi 6,4%, năm 2008 là 6,6%. “Như vậy thực tế nước ta bình quân chi cho giáo dục đã trên 6% một chút, nhưng chúng tôi đặt vấn đề là không quá 6% để không gây quá tải” - Phó thủ tướng nói. Ông cũng trấn an: “Trong quá trình vận dụng có địa phương chọn 5%, có địa phương chọn 4,5%. Chúng ta cũng chỉ dựa vào 6% bình quân của các vùng trong tỉnh chứ không phải dựa theo từng hộ để xác định mức học phí”.

X.T

Đã có 226 ý kiến chất vấn thủ tướng và các bộ trưởng

Tính đến chiều qua 9.6, đã có 226 ý kiến của các đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong đó có 23 câu dành cho Thủ tướng Chính phủ, 26 chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương, 25 dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, 22 dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 21 dành cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 20 dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế...

Các đại biểu tập trung chất vấn về tính minh bạch và hiệu quả, cũng như khả năng kiểm soát các gói kích cầu 9 tỉ USD; việc bù đắp thâm hụt ngân sách năm 2009 khoảng 48.000 - 87.000 tỉ đồng; các vấn đề liên quan đến dự án bauxite Tây Nguyên và yêu cầu Thứ trưởng Bộ Công thương xin lỗi các trí thức vì đã thiếu tôn trọng họ khi phát ngôn về dự án bauxite.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải trả lời các câu hỏi về việc giải quyết số lao động phổ thông nước ngoài vào VN qua đường du lịch như thế nào? Liệu có trục xuất hay không? Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trả lời về việc 145 sân golf, chiếm diện tích 50.000 hecta đất liệu có đúng quy hoạch không và tại sao không làm sân golf trên đất gò đồi mà lại làm trên đất trồng lúa? Giải quyết thế nào tình trạng lợi dụng đầu tư sân golf để kinh doanh nhà ở... Về văn hóa xã hội, các đại biểu QH cũng đặt câu hỏi yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo giải thích về việc tổ chức thi theo cụm trường gây nhiều khó khăn cho học sinh và gia đình khi khoảng cách các trường có nơi lên đến 40 km...

Chương trình chất vấn sẽ bắt đầu từ ngày 11-13.6 và được truyền hình trực tiếp.

Lưu Quang Phổ

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.