Chùa Hương khai hội: Rộng lòng, hẹp suối

01/02/2009 11:05 GMT+7

Chùa Hương khai hội sáng qua giữa bầu trời cảnh bụt với tiếng mõ, tiếng trống lân, tiếng nam mô phật, tiếng của hơn năm vạn người hành hương, và sắc cà sa xen với nâu sồng.

Áo nâu hòa với áo xanh

Khách vào dâng sớ ở Tam Bảo Thiên Trù được sư ông Minh Tri phát cho tấm thiệp nhỏ ghi lời kinh: Chân Như đạo Phật nhiệm màu/ Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân/ Hiếu là độ được đáng thân/ Nhân là vớt hết trầm luân mọi loài...

Hiếm khách may mắn được sư ông cho đọc theo lời kinh bà Chúa Ba đến dăm lượt như chúng tôi, vì người dâng sớ quá đông, kẻ lễ bái nườm nượp. Mâm hương, cành vàng lá ngọc, bia các loại vắt vẻo trên đầu. Có khách đội cả xôi gà cắm hoa hồng vào chùa. Tối mùng năm, đến giờ an tịnh, vẫn còn nhiều người muốn dâng sớ, dâng sao giải hạn.

Trước giờ khai hội, suối Yến tắc 40 phút, thuyền đò không còn chỗ cập bến Trò. Ông Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lý giải: Hôm nay khách đổ về ước tính hơn năm vạn người. Lái đò vào chuyến đầu lại ra chuyến thứ hai để đón khách vào dẫn đến đò đi ngược chiều nhau đông ở cầu Hội. Đoạn suối đó hơi hẹp nên xảy ra ách tắc sáng nay.

Trên suối Yến vẫn nhan nhản thuyền đò chở quá số người quy định. Nhiều chị lái đò nói, không làm thế thì không thể có đủ đò đáp ứng nhu cầu, nhất là chiều vào hội. Từ ngày 20 Chạp, suối Yến được xử lý vệ sinh bằng 30 tấn vôi cục, tránh nguy cơ ô nhiễm dòng nước khi khách đông. Anh Nguyễn Quang Vinh phụ trách phòng y tế ở Thiên Trù, cũng cho biết, vài ngày tới, anh ngược lên động Hương Tích để kiểm tra nguồn nước.

Đặc sắc trong ngày khai hội có thể kể đến màn múa lân của bốn thôn Hội Xá, Yến Vĩ, Đục Khê, Tiên Mai- huyện Mỹ Đức. Từ sáng sớm các đội múa lân với sắc phục trắng, vàng, xanh và vàng sẫm cùng bốn con rồng sẵn sàng chầu phật trước sân chùa Thiên Trù.

Ông Lưu Văn Đen, 80 tuổi ở thôn Hội Xá, xã Hương Sơn- thâm niên múa lân khai hội chùa Hương, nói, từ 50-60 năm nay, múa lân ở đây khác với những nơi khác trước hết là dàn diễn viên toàn người cao tuổi. Nhiều nơi, múa lân chủ yếu lượn vòng.

Ở đây các đầu rồng nhào, lộn nhiều, đòi hỏi công phu, kỹ nghệ hơn. Cũng theo ông Đen, màn múa lân sinh động, hấp dẫn phụ thuộc vào tiếng trống. Kết thúc, tứ linh Long - Ly- Quy - Phượng của bốn thôn hợp lại thành lưỡng long chầu phật.

Chị Nguyễn Thị Nga - Phật tử từ Giao Thủy - Nam Định, nói, năm nào chị cũng hành hương về Hương Tích, “Phật ở trong tâm mỗi người. Khai hội chùa Hương là dịp hội tụ Phật tử khắp nơi tại đạo tràng lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm một lần, đi được thì tốt. Nếu không thì vãn cảnh lễ bái những ngôi chùa gần nơi mình ở”.

Chị Nga lên đường từ ba giờ sáng. Lúc đó, ngoài đường, nhiều chuyến xe chở khách và phật tử nhằm hướng Chùa Hương thẳng tiến. Mỗi người trở thành phật tử theo một con đường riêng. Từ hồi chồng mất tới 30 năm, chị ở vậy nuôi con và cố gắng có một đời sống thanh tịnh cùng cái tâm an lạc.

Lại chặt chém

Lễ khai hội Chùa Hương sáng mùng sáu Tết. Ảnh: Đ.T.T

Cổng Thiên Trù vẫn rập rờn hàng quán không chịu treo bảng giá. Khách uống một ly cà-phê Trung Nguyên bị chém 50.000 đồng, một cốc trà đá 7.500 đồng, lon nước ngọt 20.000 đồng, phở 30.000 đồng/bát... Hiệu kẹo bánh Chú Thọ Béo mỗi nhân viên thét một giá khác nhau.

Trên chuyến đò ngược trở lại bến Yến, ông Quân ở Gia Lâm - Hà Nội, nói, ông vào hàng cà-phê không hỏi giá trước. Uống xong bị nhân viên hét 50.000 đồng. Bàn bên cạnh, ba phụ nữ uống ba ly nước bị tính gần 200.000 đồng sau một hồi tranh cãi, ông Quân kể.

Chị Nguyễn Thị Tòng ở Thái Bình dậy từ ba giờ sáng cùng gia đình hành hương cho kịp giờ hành lễ. Chị Tòng nói, năm nào gia đình chị cũng lên chùa Hương cầu yên, cầu lộc, cầu tài một lần. Chị thấy năm nay đường sá thuận tiện nhưng ăn uống vẫn đắt đỏ quá.

Ông Nguyễn Văn Hậu - trưởng BTC hứa chấn chỉnh những cửa hàng không niêm yết bảng giá, đồng thời lên loa nhắc nhở du khách nên hỏi giá trước khi mua.

Theo Trần Thanh - Nguyễn Hà / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.