Chưa đi chưa biết Cộp Mi...

16/10/2017 07:33 GMT+7

Tôi bò lên đến gần đỉnh Cộp Mi, tay bíu vào từng mỏm đá, nằm thở. May có mấy chị người Mông đi nương về khoác hộ cái ba lô mới lần đá bám cây tới được điểm trường bản Cộp Mi.

Theo đường chim bay, bản Cộp Mi (xã Quang Trung, Hòa An, Cao Bằng) chỉ cách cầu Bằng Giang ngay trung tâm TP.Cao Bằng hơn 7 km. Nhưng để người lên được trường, phải vòng qua xã Trưng Vương lội bộ ngược lên, thành quãng đường dài gấp 3 lần: hơn 21 km. Về kể chuyện, ai cũng ngạc nhiên: “Ngay gần thành phố mà cũng có nơi như vậy hả?”...
Đường lên Cộp Mi của 5 thầy cô giáo cắm bản
Suýt chết nghẹn vì mèn mén
Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung Hoàng Thị Thúy tỉ mẩn với tôi: Quang Trung là xã vùng sâu vùng xa của H.Hòa An, Cao Bằng. Toàn xã có 7 xóm bản trong đó Cộp Mi xếp đầu bảng nghèo với 45 hộ/237 nhân khẩu, tất cả đều nghèo. Cái nghèo hiện hữu ở mọi thứ không “không điện, không nước sạch, không nhà xây” và nhất là không đường, muốn lên xóm phải đi bộ leo núi hơn 3 tiếng đồng hồ, dốc ngược.
Thầy cô giáo chia phần cá khô - mì tôm được tặng cho các học sinh mang về nhà. Ảnh: Mai Thanh Hải
Cô giáo Nông Thị Bích Hà có thâm niên hơn 20 năm công tác ở khắp các thôn bản trong huyện, thêm ý kiến: “Dân không có gạo ăn” và lắc đầu: “Mỗi năm chỉ mấy ngày lễ tết mới có gạo cứu trợ nấu cơm, còn lại toàn xay ngô thành bột gọi là mèn mén ăn hằng ngày. Thường ăn mèn mén phải có canh rau và thịt mỡ để nuốt cho trôi, nhưng dân bản trên này nghèo, toàn ăn với nước rau luộc và muối trắng, nên khối người suýt chết”.
Đốt đuốc đi học
Nói đến người Mông sống trên núi đá Cộp Mi là có bao chuyện kỳ lạ, ví như nhà không sát gần nhau, chọn chỗ ở có nhiều đất trong hốc đá, xa nguồn nước để không nghe thấy tiếng ếch... Thế nên, bản có 45 hộ nhưng phân tán thành 7 cụm, mỗi cụm vài nóc nhà, cách xa nhau có khi vài tiếng đi bộ, muốn gọi nhau cũng hết cả hơi. Hoàng Thị Hằng và Hoàng Thị Ngoan, 2 cô bé cùng 9 tuổi bé lũn cũn như cái nấm, may mà nhà cùng ở cụm Đồng Sàng nên mới lên xuống điểm chính Cộp Mi học đến lớp 4. Đồng Sàng cách Cộp Mi khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ, cùng nằm trên triền núi đá của cánh cung Ngân Sơn - Yên Lạc, nhìn đâu cũng đá tai mèo và cây leo gai góc. Mỗi sáng, Hằng và Ngoan dậy từ 5 giờ sáng, í ới gọi nhau đi học. Giờ ấy còn tối nên 2 cô bé phải đốt đuốc để nhìn đường, tàn bó này thì châm bó đeo dự phòng. 7 giờ 30 đến trường cũng vừa tảng sáng, 2 cô bé mới lấy mèn mén ra ăn sáng với mì tôm của thầy cô. Mỗi tuần có 3 buổi học thông ngày, nên 2 cô bé ở lại cùng các bạn, buổi trưa lại bột ngô mèn mén với mì tôm, cá khô từ suất ăn còi cọc với thầy cô và chiều tối, lại sấp ngửa 2 tiếng đồng hồ vượt 3 triền núi, tụt 2 thung lũng mới về đến nhà, lúc trời đã tối đen như mực. Bé Hằng thủ thỉ với tôi: “Đi học sớm buồn ngủ lắm, lạnh lắm”, còn Ngoan thì líu ríu: “Mùa đông, ngày mưa phải có bố mẹ người lớn đưa đi, nếu không ngã xuống bờ đá chết đấy”.
Ở điểm Trường Cộp Mi, sáng nào 3 cô giáo dạy lớp 1, 3, 4 cũng thay nhau ngóng qua bờ đá cho đến khi 3 cái bóng nhỏ dắt díu nhau thấp thoáng dưới triền dốc, mới yên tâm thở phào. Đó là 3 chị em ruột Hoàng Thị Minh Ngọc (9 tuổi), Hoàng Thị Minh Thảo (8 tuổi) và Hoàng Thị Quỳnh Liên (6 tuổi) sống tít dưới cụm Co Tói cách Cộp Mi hơn 1 tiếng leo núi đi bộ, tự đưa nhau đi học. Mỗi ngày, 3 đứa nhỏ rời nhà lúc 6 giờ sáng, đến trường lúc khoảng 7 giờ 30 mới bỏ gói mèn mén ra bốc cho nhau, hôm nào quên đồ ăn hoặc bị rơi, bị sương ngấm vào cứng đanh, cả 3 lại ngồi góc sân hóng ăn chực thầy cô. “Tan lớp 3 chị em đợi nhau cùng về. Có khi em lớp 1 nằm ngủ gục chờ chị lớp 4 học ca chiều, thầy cô lại bế vào cho ăn uống tắm giặt ru ngủ và chiều phân công một người đưa bọn trẻ về tận nhà” - thầy Hà Vũ Đông kể.
“Trên đây không có giờ vào lớp, khi nào học sinh đến đủ thì bắt đầu dạy. Lúc nào mưa to gió lớn thì ngừng để chuyển sang phòng khác trú cho khỏi dột ướt. Chiều phải ra nhìn trời để xem nếu nắng muộn thì học lâu, sắp mưa có sương thì kết thúc buổi học từ 2 - 3 giờ chiều để học sinh kịp về nhà” - cô giáo Đinh Thị Hạnh lẩn mẩn nói.
1 túp lều tranh, 5 quả tim vàng
Tôi bò lên đến gần đỉnh Cộp Mi, tay bíu vào từng mỏm đá, nằm thở. May có mấy chị người Mông đi nương về khoác hộ cái ba lô mới lần đá bám cây tới được điểm trường bản Cộp Mi. Thầy giáo Hà Vũ Đông đưa tôi vào dãy nhà mái ngói xi măng xiêu vẹo, vách gỗ hở trống hoác, nền đất lởm chởm đá nhọn, thấp lè tè vẹo vọ, ấn vào tấm phản kê trên thân cây làm giường, bảo: “Nhà ở của giáo viên đấy, nghỉ chút cho đỡ mệt”. Không thể tưởng tượng căn nhà tối om, kê san sát 5 cái giường cạnh bếp nấu đen kịt bồ hóng, lỏng chỏng nồi niêu xoong chảo cạnh sách vở giáo án lại là nơi sinh hoạt của các giáo viên điểm Trường Cộp Mi. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thúy thở dài: “Nhà này dựng 13 năm rồi. Ban đầu chỉ có 2 giáo viên nên còn chia thành 2 phòng. Càng về sau học sinh học nhiều, giáo viên tăng đến 5 người nên phải phá vách xếp giường. Một đầu cạnh bếp dành cho thầy giáo nam, đầu kia sạch hơn nhường giáo viên trẻ mới nhận công tác, 3 giường giữa là các cô đã nhiều năm dạy vùng cao, quen khổ” và cho biết: Điểm Trường Cộp Mi trước đây đặt ở Lũng Thau - Phung Trang - Cộp Mi (1996). Sau đó, dân đề nghị dời về trung tâm của xóm Cộp Mi để đa số học sinh tiện đến lớp. Hiện có 4 lớp học tiểu học (3 lớp đơn và 1 lớp ghép), 1 lớp mầm non. Các lớp học, nhà công vụ của giáo viên đều dựng tạm trên đá tai mèo.
Lớp học ghép 4 - 5 do một giáo viên đảm nhiệm
Sống trên đá nên nước sinh hoạt quý như vàng. Mỗi ngày cả mấy chục con người trông chờ vào đoạn ống ri rỉ chảy, kéo về từ khe nước lưng núi. Nhà vệ sinh cũng không, muốn “giải quyết nỗi buồn” phải vào rừng xử lý trong khung bạt treo đánh dấu. Cao quá, sóng điện thoại tậm tịt lúc có lúc không, muốn gọi nghe điện thoại phải đứng lên hòn đá đầu trường giơ tay hứng.
Chúng tôi lên Cộp Mi, mang theo ít cá khô và mì tôm. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thúy thì gùi thêm bao gạo khiến ai cũng cười: “Chở củi về rừng”. Nhưng lên mới thấy quý vì cuối tuần, gạo thực phẩm hết sạch. Cô giáo Nông Thị Bích Hà nói thật: “Đầu tuần mua đồ ăn mang lên, tính sít sao từng ngày vì không gùi nổi. 3 ngày đầu ăn cho hết thịt heo kho đi kho lại. 2 ngày cuối chỉ cá khô và lạc rang” và cười buồn: “Những lúc hết, đành phải ăn mèn mén vì xuống dưới mua cũng mất nguyên ngày”. Chỗ mì tôm cá khô chúng tôi mang lên, cô Hà bảo: “Chia đều cho học sinh mang về cho gia đình. Mình để lại vài gói dự trữ mưa lũ thôi”. Y như rằng, mấy phụ huynh ghé vào hỏi: “Cô giáo có bán mì tôm không?” và những thầy cô gầy gò, xanh rớt lại lẳng lặng lấy suất mì tôm đưa cho với lời dặn nhức nhối: “Mai phải cho con đi học”.
Tôi xuống núi về lại TP.Cao Bằng, tối ngồi cà phê buột miệng kể chuyện Cộp Mi, mấy cô em nước hoa thơm nức cười: “Làm gì có nơi chịu khổ mà tốt với người dưng như thế?” khiến tôi ngậm cười: Chưa đi chưa biết Cộp Mi...
Điểm Trường Cộp Mi hiện có 33 học sinh của các lớp học từ mầm non đến lớp 5 với 5 giáo viên cắm bản. Do ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng không được phản hồi. Các hoạt động xã hội chỉ dừng ở việc tài trợ đồ dùng học tập, áo ấm, chăn, ủng, dép, mì tôm... Công tác xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua chỉ dừng ở việc giáo viên cùng với nhân dân xóm chỉ sửa chữa nhỏ (lợp lại mái, bưng vách...).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.