Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong 'nhức nhối' vì ngập nước

29/08/2016 14:00 GMT+7

‘Việc chống ngập được đầu tư nhiều. Vậy mọi nỗ lực của chúng ta đem lại kết quả gì. Đọc phản hồi của người dân ở dưới các bài báo, tôi thấy nhức nhối’, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ tại cuộc họp kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TP vào sáng nay 29.8, như trên.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, tình trạng ngập nước ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, hoạt động kinh doanh, giao thông… Đợt mưa trong các ngày 26-27.8 có lượng mưa không quá lớn, đặc biệt là triều cường cũng không cao, nhưng ngập trên nhiều khu vực là một điều bất thường, phải có tính toán để xử lý cụ thể để người dân bớt khổ.
Nhìn nhận về “một điểm sáng” trong đợt ngập vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong nói: “Chuyện ngập nước thì không ai muốn, nhưng vừa rồi xảy ra, tôi thấy anh em lực lượng PCCC rất tích cực giúp dân bơm nước, sơ tán tài sản bị ngập… Đây là việc làm rất cảm kích. Tôi nói với anh em là lãnh đạo TP rất cảm ơn, phải có khen thưởng, động viên anh em lực lượng PCCC”.
Tuy nhiên, khi đề cập đến nỗi cực khổ của người dân khi phải “sống chung” với nước ngập, điển hình nhất là tầng hầm để xe của nhiều tòa nhà trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) trở thành hồ chứa nước chỉ sau một trận mưa, ông Nguyễn Thành Phong liền truy trách nhiệm đơn vị chức năng: “Nghe ngập ở đường Phan Xích Long, tôi hỏi chị Nguyệt (bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận - PV) có người nào của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP ở đó không. Chị Nguyệt trả lời không thấy. Mưa đợt này, triều cường không có cao mà vẫn ngập. Chuyện này thì anh Công (ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP - PV) phải báo cáo”.

tin liên quan

TP.HCM: Chương trình chống ngập gây ngập
Nhiều tuyến đường giao thông ở các quận, huyện TP.HCM xuống cấp nghiêm trọng, mới mưa đã ngập lầy lội khiến cuộc sống người dân điêu đứng.
Chưa biết đến lúc nào hết ngập
Được “mời” lên báo cáo giải trình, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết đường Phan Xích Long có đoạn ngập cao 30cm. Trước đây, không ngập cao như thế.
Ông Công không đề cập đến chất lượng hệ thống cống thoát nước ở đây có vấn đề hay không, mà chỉ nêu ra nguyên nhân nước ngập trút vào nhà dân là do nước trên mặt đường thoát không kịp. Lý do nước ngập ở mặt đường thoát không kịp theo hệ thống thoát nước là vì hệ thống cống bị ứ đọng quá nhiều rác thải.
Ông Công cho biết sau khi huy động hàng trăm người khơi thông hệ thống cống, thì nước mới “chịu” rút.
Đối với dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương đang gây ngập và cản trở giao thông nghiêm trọng khiến người dân điêu đứng, ông Công cũng không đề cập gì đến việc bất cập trong các khâu thiết kế, thi công, công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân...
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Đọc phản hồi của người dân ở dưới các bài báo, tôi thấy nhức nhối ẢNH: TÂN PHÚ
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: "Đọc phản hồi của người dân ở dưới các bài báo, tôi thấy nhức nhối"  ẢNH: TÂN PHÚ
Vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt nhất lúc này là bao giờ thi công trở lại và thời điểm dự kiến hoàn thành dự án chống ngập trị giá gần 800 tỉ đồng này để không còn tiếp tục gây điêu đứng cho cuộc sống người dân, ông Công cũng không đề cập đến.
Ông Công “bật mí” một thông tin, là tình trạng ngập hiện nay ở con đường huyết mạch này ở Q.Bình Tân là do vướng đường ống cấp nước sạch nên bị tắc đường cống thoát nước ngập.
Tình trạng ngập lụt ở sân bay Tân Sơn Nhất đang “rất nóng” nhưng ông Công cũng chưa đưa ra được phương án cụ thể để “hạ nhiệt”. Theo ông Công, có 3 dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng chưa biết đến lúc nào hoàn thành.
Tại cuộc họp, ông Công cho biết: "Sáng nay lãnh đạo TP khi đọc bài viết Chương trình chống ngập gây ngập trên Báo Thanh Niên đã gọi điện yêu cầu tôi báo cáo lý do vì sao lại tréo ngoe như thế... Tôi đang làm báo cáo để gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP”. 
Yêu cầu Thường trực UBND TP phải đi chống ngập
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý những khó khăn, vướng mắc mà Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP báo cáo, thì trung tâm phải làm việc với Văn phòng UBND TP để lên lịch trình cụ thể làm việc với các sở ngành, quận, huyện giải quyết dứt điểm.

“Chúng ta nói gì thì nói nhưng chống ngập phải đồng bộ, chứ nếu không khi mưa xuống thì nhà dân bị ngập, đường giao thông lại tắc như thế. Sắp tới từng thành viên trong thường trực ủy ban cũng phải đi xuống các "điểm nóng ngập lụt” ở các quận, huyện để tìm giải pháp giải quyết. Thường trực ủy ban phải chia sẻ với anh Khoa (Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, phụ trách lĩnh vực đô thị - PV) chuyện này. Khi xuống dưới thấy có cái gì khó thì chủ động xử lý”, ông Nguyễn Thành Phong nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.