Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đoàn công tác dâng hoa, thắp hương Nghĩa trang Hàng Dương

Nguyễn Long
Nguyễn Long
18/07/2020 20:27 GMT+7

Đoàn công tác TP.HCM đã dâng hương, thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, thăm các cựu tù Côn Đảo, những thương binh, người có công với cách mạng.

Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2020), ngày 18.7, Đoàn công tác TP.HCM do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, H.Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đoàn công tác TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại buổi dâng hương, thắp nến ở Nghĩa trang Hàng Dương

Ảnh: Nguyễn Long

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, từng là cựu tù Côn Đảo đi cùng đoàn.

Sau lễ dâng hoa, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, đoàn công tác đã đến từng nhà của các cựu tù Côn Đảo và những thương binh, gia đình có công với cách mạng đang sinh sống tại Côn Đảo để thăm hỏi, tặng quà.

Đoàn công tác TP.HCM thăm các gia đình liệt sĩ, thương binh sống tại H.Côn Đảo

Đoàn công tác cũng đến trường THCS Lê Hồng Phong trao tặng thiết bị phòng học thông minh phục vụ công tác dạy và học của trường.

Đây là ngôi trường do UBND TP.HCM xây tặng cho H.Côn Đảo, có tổng trị giá hơn 200 tỉ đồng.

Chiều tối cùng ngày, Đoàn công tác TP.HCM phối hợp cùng Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thắp nếp tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dâng hương tại nghĩa trang

Ảnh: Nguyễn Long

Nghĩa trang này có gần 2.000 ngôi mộ nhưng chỉ có 793 ngôi mộ có tên liệt sĩ, còn lại là những ngôi mộ vô danh.

Trong lịch sử 113 năm hình thành và tồn tại từ năm 1862 - 1975, Côn Đảo đã được thực dân, đế quốc xâm lược dùng làm nơi giam giữ, tù đày những sĩ phu, nhà học giả, những người yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh - Nghĩa Thục, chống thuế ở Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ như: Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện,… đến những đảng viên cộng sản đã trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhà nước như: Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong.

Nến được thắp sáng tại phần mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Ảnh: Nguyễn Long

Nghĩa trang Hàng Dương còn có những ngôi mộ chôn tập thể hàng chục anh hùng liệt sĩ, nơi có phần mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của những chiến sĩ, đồng bào bị địch bắt tù đày trong nhà tù Côn Đảo, tại đây có phần mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu… 

Đại biểu thắp hương tại phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tụ

Ảnh: Nguyễn Long

“Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của họ trong nhà tù và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học sâu sắc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Phong chia sẻ.

Sau lễ thắp nến tại Nghĩa trang Hàng Dương là chương trình ca nhạc do UBND TP.HCM phối hợp cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, H.Côn Đảo tổ chức với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.