Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: 'Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế'

06/12/2016 20:58 GMT+7

Vấn đề "nóng" đổ bùn xuống biển và cắt giảm 1.000 ha Khu bảo tồn biển Hòn Cau ở nhiệt điện Vĩnh Tân được mổ xẻ căng thẳng phiên họp thứ nhất của HĐND tỉnh Bình Thuận.

Ngày 6.12, kì họp thứ 3, HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa X) bắt đầu ngày làm việc thứ nhất. Vào cuối buổi chiều nay, phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng, “nhưng quan điểm của UBND tỉnh là không đánh đổi môi trường sống của người dân để làm kinh tế”.
Về việc chủ dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ đổ khoảng 1,5 triệu m3 bùn cát sau nạo vét ra biển. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho rằng: “Quan điểm của tỉnh là phải rất thận trọng”.
Ông Hai cho rằng, Bộ TNMT sẽ thuê một đơn vị độc lập vào Bình Thuận thẩm định, đánh giá lại việc này xem mức độ ảnh hưởng đến đâu mới thực hiện triển khai. Hiện nay việc này phải dừng lại trước khi đơn vị độc lập thẩm định mức độ ảnh hưởng của việc đổ thải đến môi trường biển.
“Cách đây ba ngày tôi đã có buổi làm việc với một Thứ trưởng Bộ Công thương và Phó chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN. Vấn đề môi trường ở Vĩnh Tân sẽ được đưa vào diện giám sát đặc biệt của Quốc hội”, ông Hai nói.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện phát biểu không đồng tình việc cắt giảm bớt hơn 1.000 ha mặt nước của Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân QUẾ HÀ
Về việc điều chỉnh hơn 1.000 ha diện tích mặt biển thuộc Khu bảo tồn biển Hòn Cau (thuộc xã Tân, H.Tuy Phong), Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc hình thành Khu bảo tồn này và kể cả hình thành Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đều do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đang chồng lấn lên diện tích mặt nước của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
“UBND tỉnh chỉ có văn bản đề nghị Chính phủ điều chỉnh khu chồng lấn. Tỉnh không quyết tâm cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là quy định của luật mà tỉnh phải làm. Với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh tôi xin khẳng định và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tỉnh không đánh đổi tất cả, không đánh đổi môi trường sống của dân để phát triển kinh tế”.
Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết thêm, trong số các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân chỉ có 2 nhà máy BOT do phía Trung Quốc thi công. Còn lại các nhà máy khác cho Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai. Cảng tổng hợp Vĩnh Tân cũng do tập đoàn kinh tế trong nước làm chủ đầu tư và trực tiếp thi công, chứ không phải của người nước ngoài.
Phát biểu sau ngày thảo luận ngày thứ nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng việc cho phép đổ thải 1,5 triệu m3 bùn cát sau khi nạo vét luộng lạch ở cảng chuyên dụng Vĩnh Tân và điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là “hoàn toàn thuộc quyền quyết định của TƯ. Tỉnh chỉ là thành viên tham gia và có ý kiến. Tuy nhiên, triển khai việc này phải hết sức thận trọng, không được để ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.