Chủ tịch quận 12 Lê Trương Hải Hiếu: 'Trao đổi bằng văn bản giấy tốn thời gian'

12/03/2020 14:44 GMT+7

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM cho rằng việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị bằng văn bản giấy tốn nhiều thời gian và đề xuất dùng chữ ký điện tử trong các văn bản trao đổi nội nghiệp (kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng đất đai).

Sáng 12.3, Ban Đô thị HĐND TP.HCM phối hợp với Ủy ban MTTQ VN TP.HCM giám sát tình hình giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp 6 tháng cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020. Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cấp trong thủ tục hành chính cấp sổ đỏ khiến người dân và doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian thực hiện.

Dùng chữ ký điện tử khi trao đổi nội nghiệp

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 nhìn nhận khó khăn lớn nhất là về mặt cán bộ bởi số lượng biên chế ít nên chưa thật sự đáp ứng kịp khối lượng công việc tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, các trụ sở văn phòng đăng ký đất đai còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc; đặc biệt là máy vi tính cấu hình mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, ông Hiếu đề nghị sử chữ ký điện tử trong các thủ tục hành chính nội nghiệp giữa các đơn vị chức năng thay vì dùng văn bản giấy. Hiện nay, việc xác minh đang tiêu tốn nhiều thời gian nên Chủ tịch UBND quận 12 cho rằng cần liên thông dữ liệu đất đai của 24 quận, huyện với Sở Tài nguyên - Môi trường.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu phát biểu tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM sáng 12.3

Ảnh: Sỹ Đông

“Nếu các sở, ngành, quận, huyện làm việc với nhau bằng văn bản tiêu tốn rất nhiều thời gian, nên rất cần có một nền tảng nào đó mới hơn có thể dùng phần mềm để chia sẻ và truy cập dữ liệu xác minh nhanh chóng hơn”, ông Hiếu đề xuất.
Cách đây 2 năm, TP triển khai cổng thông tin quy hoạch trực tuyến nhưng đến nay đã lỗi thời vì thông tin không được cập nhật thường xuyên. Do đó, ông Hiếu đề nghị cần bổ sung dữ liệu để đảm bảo kết quả trong xác minh thông tin trước khi cấp sổ đỏ. Đồng thời, cần giám sát lại các phần đất quy hoạch dân cư, đất ở của người dân và công bố kế hoạch sử dụng đất chậm nhất vào cuối quý 1 hàng năm.

Cơ sở dữ liệu lạc hậu

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng cuối năm 2019, Văn phòng Đăng ký đất đai TP tiếp nhận 11.8720 hồ sơ cho doanh nghiệp, đã giải quyết 7.787 hồ sơ (chiếm 66%). Nguyên nhân có nhiều hồ sơ trễ hẹn do các chủ đầu tư thường nộp hồ sơ với số lượng lớn từ 50 - 100 hồ sơ cho một lần nộp, một ngày có thể tiếp nhận nhiều dự án, nhưng vẫn phải hẹn ngày trả kết quả sau 15 ngày, dẫn đến loại hồ sơ này thường kéo dài thời gian giải quyết.
Liên quan đến các khu đất có nguồn gốc cổ phần hóa, Văn phòng đăng ký đất đai TP bắt buộc phải mượn hồ sơ lưu dẫn đến quá hạn giải quyết, một số thủ tục phải luân chuyển hồ sơ qua nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan nên mất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp thu ý kiến của đại biểu góp ý

Ảnh: Sỹ Đông

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP còn lạc hậu, sử dụng trên nhiều phần mềm và chưa có một hệ cơ sở dữ liệu đất đai dùng cho toàn hệ thống… nên khi truy xuất dữ liệu, tìm kiếm thông tin đa phần bằng phương pháp thủ công gây mất nhiều thời gian. 
Để lắng nghe ý kiến người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị 24 quận, huyện xem xét, bố trí nhân viên hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tại các quầy giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, phân công lãnh đạo, chuyên viên có nghiệp vụ phối hợp cùng Tổ tiếp công dân hằng ngày để ghi nhận lại ý kiến kiến nghị, phản ánh của người dân hoặc giải thích cho người dân nhiều hơn về quy định và lý do chưa xem xét giải quyết hồ sơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.