Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong ký ức của người thầy giáo già

24/09/2018 08:00 GMT+7

Nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ông giáo già Lê Kim Toàn (80 tuổi) - người thầy đã dạy Chủ tịch nước 3 năm học phổ thông, đau buồn tiếc thương khi cậu học trò nghèo ngày nào ra đi quá đột ngột.

Trong căn nhà cấp 4 ven con kênh nhỏ ở thôn 10 ở xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), ông giáo già Lê Kim Toàn (80 tuổi - thầy giáo dạy 3 năm học phổ thông của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – PV) vẫn còn lưu giữ và luôn trân quý những hình ảnh ông chụp chung với Chủ tịch nước - người học trò yêu quý của mình. Với thầy Toàn, dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng trong ông luôn khắc nhớ cậu học trò nghèo, lam lũ, vượt lên khó khăn để học tập cho đến ngày thành danh.
Thương người học trò nghèo chưa một ngày được nghỉ ngơi
Căn bệnh về tim mạch và tuổi cao khiến việc đi lại của ông Lê Kim Toàn không còn nhanh nhẹn, tay chân ông thi thoảng run bần bật từng cơn. Cố nén nỗi đau bệnh tật, ông cầm bức ảnh chụp cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên rồi kể cho chúng tôi nghe về cậu học trò yêu quý của mình thuở còn cắp sách tới trường.
“Ngày đó trường lớp đâu được như bây giờ, bàn ghế, sách vở đều thiếu thốn, nhất là ở vùng quê Kim Sơn. Thời đó bà con lo cái ăn cái mặc còn chật vật chứ nói đến việc lo lắng học hành cho con cái. Tôi nhớ rất rõ lớp học  mà mình làm chủ nhiệm, bởi trong lớp có trò Quang. Trong lớp, Trần Đại Quang nổi bật với chúng bạn bởi thân hình cao lớn, chững chạc, đặc biệt trò Quang rất chăm chỉ học tập dù gia đình em ấy rất khó khăn” – ông Toàn nhớ lại. Nói rồi ông  dừng lại, đặt tấm hình xuống bàn để nén nỗi xúc động.
[VIDEO] Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
ẢNH: MINH HẢI/ ĐỒ HỌA: VY ANH
Ông Toàn kể tiếp, do bố mất sớm từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn học tiểu học, trong khi gia đình lại có tới 6 anh chị em nên gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ của Chủ tịch nước. Cả 6 anh chị em của Chủ tịch nước đều được ông Toàn dạy dỗ và ông quý Trần Đại Quang nhất, bởi tinh thần hiếu học của cậu học trò nghèo này. Hôm nào Chủ tịch nước cũng phải đi bộ khoảng 6 km từ nhà đến trường đi học. Học xong giờ chính trên lớp, còn gì không hiểu Trần Đại Quang lại theo chân về nhà thầy để hỏi thêm. Vì thế, lực học của Trần Đại Quang rất tiến bộ. Mỗi khi không có mặt ở trường, ông Toàn lại giao lớp cho học trò Quang quản lý lớp học.
"Học xong cấp 3, Quang thoát ly gia đình, từ đó thầy trò cũng ít gặp nhau. Ngày Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an rồi Chủ tịch nước, tôi nghe mà mát lòng mát dạ. Lần nào về thăm quê, Quang đều ghé nhà tôi hỏi thăm sức khỏe, dịp Tết cổ truyền nào không về được cũng Quang cũng gửi thiệp chúc mừng năm mới, động viên tôi nghỉ ngơi cho khỏe mạnh. Nghe tin Chủ tịch nước mất, tôi đau xót vô cùng. Mấy đêm rồi chứng đau xương khớp lại hành hạ không thể tròn giấc. Nằm đêm cứ nghĩ về Trần Đại Quang, tôi lại thương xót cho cậu học trò nghèo ngày nào đã thành danh nhưng chưa một ngày được nghỉ ngơi, an dưỡng thì đã phải đã ra đi” - ông Toàn đau buồn, nói.
Tự hào được học ở ngôi trường mà Chủ tịch nước từng học
Rời nhà thầy giáo Lê Kim Toàn, chúng tôi tìm đến Trường THPT Kim Sơn B (đóng tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn), nơi cậu học trò Trần Đại Quang theo học ngày nào. Ngôi trường nằm cạnh quốc lộ 10, nay đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Những ngày này, nhà trường vẫn tổ chức dạy và học bình thường, nhưng tất cả thầy cô của ngôi trường này đều trĩu nặng nỗi buồn trước sự ra đi của Chủ tịch nước.
Em Nguyễn Phạm Thiên An (học sinh trường THPT Kim Sơn B) cho biết, em nhiều lần được các thầy cô kể về thời đi học, bác Chủ tịch nước phải đi bộ đến trường, sách vở không được đầy đủ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bác đã cố gắng học tập và thành công khiến tất cả học sinh ở ngôi trường này đều rất khâm phục.
ẢNH: MINH HẢI/ ĐỒ HỌA: VY ANH

“Nay nghe tin bác mất, bản thân em rất buồn. Nhưng với niềm tự hào được học trong ngôi trường bác Chủ tịch nước từng học, chúng em sẽ luôn ý thức được bản thân phải học tập, rèn luyện thật tốt để tự hào là những người con vùng đất Kim Sơn, quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”, em An nói.
Còn em Nguyễn Thị Diệp Anh, học sinh Trường THPT Kim Sơn B, dưng dưng nước mắt nói: “Em không tin nổi khi đọc được tin bác Quang mất. Ở trường, chúng em luôn được các thầy cô nêu gương Chủ tịch nước làm tấm gương học tập cho chúng em. Qua thầy cô chúng em biết rằng thời của chúng em bây giờ sướng hơn, có điều kiện hơn rất nhiều so với thời của bác Quang. Chúng em cũng luôn tự hào vì mình được học trên ngôi trường mà Chủ tịch nước đã từng học”.
 
ẢNH: MINH HẢI/ ĐỒ HỌA: VY ANH
Người từng được gặp và trò chuyện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cô giáo Nguyễn Thị Hoa (giáo viên dạy môn sinh học, Trường THPT Kim Sơn B) bồi hồi kể lại, vào tháng 8.2016, Chủ tịch nước về thăm trường, đó là lần đầu tiên côi được trò chuyện cùng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
"Tôi ấn tượng nhất là khi nói chuyện, bác rất gần gũi với mọi người, không có khoảng cách giữa một nguyên thủ quốc gia với người dân thường. Suốt buổi nói chuyện, bác Quang hỏi thăm từng người rồi động viên giáo viên và cả học sinh trong trường phải cố gắng phấn đấu, dạy và học thật tốt để góp sức mình vào xây dựng quê hương đất nước. Với tôi, tấm gương học tập của bác luôn là động lực để mỗi ngày trên bục giảng, dạy cho mỗi thế hệ học trò về nghị lực học tập của cựu học sinh Trần Đại Quang, vị Chủ tịch nước quê hương Kim Sơn”. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần về thăm trường cũ Ảnh do Trường THPT Kim Sơn B cung cấp
Thầy Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B cho biết, kế tục những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, nhiều năm qua Trường THPT Kim Sơn B luôn nằm trong tốp có chất lượng giáo dục hàng đầu của tỉnh Ninh Bình. Từ rất nhiều năm qua, nhà trường đã lấy tấm gương học tập, cố gắng vượt khó vươn lên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm tấm gương để cho các thế hệ học sinh nói theo.
“Thầy và trò Trường THPT Kim Sơn B chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ngoài cương vị là Chủ tịch nước, chúng tôi xem bác ấy như người anh, người thầy, là tấm gương sáng để thầy và trò chúng tôi noi theo trong cả giảng dạy lẫn học tập. Sự ra đi của Chủ tịch nước là một mất mát quá lớn không chỉ với người dân Kim Sơn mà với cả đất nước này” - thầy Vũ Xuân Sinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.