Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hôm nay sẽ giải tỏa hết rác trong nội thành

Vũ Hân
Vũ Hân
17/07/2020 12:56 GMT+7

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đang đối thoại với người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn với "tinh thần là cơ chế, chính sách nào tốt nhất sẽ áp dụng cho người dân".

Sáng 17.7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND thành phố đã tiếp xúc cử tri Q.Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 15 của HĐND TP.Hà Nội.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đào Tuyết Thanh (P.Hàng Trống) đã nêu vấn đề rác thải ùn ứ trong những ngày qua ở nhiều đường phố tại các quận nội thành Hà Nội.
Theo cử tri này, đây không phải lần đầu, mà đã là lần thứ 6, người dân tại các xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của H.Sóc Sơn căng lều bạt, ngăn xe rác vào bãi rác Nam Sơn.
"Trước mắt, thành phố có giải pháp cấp bách gì để đưa rác ra khỏi nội thành càng sớm càng tốt? Về tầm nhìn xa, thành phố có quy hoạch xử lý rác như nào, có nghiên cứu, học tập công nghệ xử lý rác thải tiên tiến ở các nước để áp dụng tại Hà Nội không?", cử tri đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, từ tối 14.7, do môt số người dân chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn nên rác thải bị tồn đọng lại.
Để xử lý trong trước mắt, theo ông Chung, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Urenco tạm thời chuyển rác đến các bãi rác tại Cầu Diễn, Xuân Sơn (Ba Vì) và hết hôm nay, 17.7, cơ bản sẽ đảm bảo dọn sạch rác ở các quận nội thành.

Rác thải ùn ứ trong khu vực nội thành Hà Nội

Ảnh Ngọc Thắng

Đối với người dân tại Sóc Sơn đang chặn xe rác, Thành ủy đã giao Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và UBND TP giao Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đối thoại với người dân. Việc đối thoại đang được tiếp tục thực hiện trong sáng nay để người dân đồng thuận.
Về lý do vì sao người dân phải bức xúc đến độ tái diễn việc chặn xe rác nhiều lần, ông Chung cho biết, có 3 vướng mắc liên quan đến đền bù, tái định cư: thứ nhất là giá đền bù; đất, nhà tái định cư; kinh phí bố trí tái định cư; trong đó vướng mắc nhất hiện nay là liên quan đến hạn định nguồn gốc đất.
Theo quy định hiện nay, người dân chỉ được bồi thường 400 m2 đất ở, ngoài diện tích này chỉ nhận được hỗ trợ với định mức thấp hơn, nên người dân chưa đồng thuận.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, hồi tháng 1 năm ngoái, sau khi người dân bức xúc chặn xe rác vì chậm được đền bù, cơ chế đền bù đã được công khai và người dân cơ bản đồng thuận (đã giải tán để xe chở rác tiếp tục hoạt động). Khi đó, Hà Nội đã chỉ đạo giải ngân đền bù cho người dân xong trong quý 2, nhưng sau đó việc đền bù tiếp tục chậm trễ.

"Thành phố luôn đồng cảm với những người dân ở cạnh bãi rác"

Để giải quyết "khủng hoảng rác" lần này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết "tinh thần là có những cơ chế, chính sách nào tốt nhất cho người dân thì sẽ áp dụng để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân".
"Ngoài chính sách ra, thì thành phố luôn luôn đồng cảm, chia sẻ với những người dân ở cạnh bãi rác là họ có chịu thiệt thòi về môi trường, gánh vác chung cho môi trường thành phố, nên thành phố cũng không có hẹp hòi gì trong vấn đề chính sách. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan quy định của pháp luật, cần các cấp cao hơn quyết định thì mới đảm bảo sự đúng đắn trong điều hành. Chúng tôi tin trong thời gian sớm nhất sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này", ông Chung nói.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến bức xúc của người dân là việc nước rỉ rác bị ứ đọng, nắng nóng nên bốc mùi hôi thối.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hết hôm nay, rác thải trong khu vực nội thành sẽ được giải phóng

Ảnh Ngọc Thắng

Theo ông Chung, bãi rác thải cũ từ 1997 đến nay tiến hành chôn lấp theo công nghệ cũ, cứ 1 m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác. Ở khu vực bãi rác Nam Sơn có 3 hồ chứa nước rỉ rác, thành phố có kêu gọi một số nhà đầu tư nhà máy xử lý nước rỉ rác này.
Từ năm 2019 trở về trước, thành phố đều lên kế hoạch đặt hàng, nhưng hiện theo Nghị định 32 của Chính phủ, việc này phải đưa đấu thầu, khiến trình tự, thủ tục kéo dài. 150.000 m3 nước rỉ rác tồn đọng dâng lên, bốc mùi hôi thối dưới thời tiết nắng nóng khiến người dân càng bức xúc.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, xử lý rác thải là một trong những vấn đề được đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua và nhận được sự quan tâm sát sao của T.Ư. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt phát điện, hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, do Covid-19 nên một số dự án có chậm (vì chuyên gia Trung Quốc không nhập cảnh được).
Theo dự kiến, cuối năm nay, một nhà máy công suất 4.000 tấn/ngày đêm sẽ đi vào hoạt động. Thời gian tới, khi các nhà máy khác cũng đi vào hoạt động, sẽ giải tỏa bớt áp lực rác thải với thủ đô. 
Hồi tháng 7.2019, để giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ dân tiếp tục tổ chức chặn xe vận chuyển rác vào bãi rác Nam Sơn, UBND TP.Hà Nội đã công bố các chính sách đền bù cho người dân. 
Theo đó, đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, Hà Nội cho phép UBND H.Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2 (trên cơ sở vận dụng tương đương với mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ hoặc như khi chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn áo trong cùng thửa đất có nhà ở sang làm đất ở).
Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại điều 129 luật Đất đai năm 2013.
Đối với các trường hợp đã được UBND H.Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 400 m2 trở lên, người dân sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Khi tiến hành chi trả tiền, thực hiện trả ngay cho các hộ đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức (400 m2) và chính sách bồi thường, hỗ trợ như trên.
Phần diện tích đất vượt hạn mức, giao Thanh tra thành phố chủ trì cùng UBND H.Sóc Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây; nếu việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định thì tiến hành chi trả nốt, nếu không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.