Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: 'Chuyên gia đánh giá xe buýt BRT có hiệu quả'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/10/2018 21:06 GMT+7

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, các chuyên gia đánh giá dự án xe buýt nhanh BRT là dự án có hiệu quả.

Thông tin với cử tri quận Tây Hồ tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội chiều 8.10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho hay dự án xe buýt BRT vay vốn của Ngân hàng Thế giới triển khai từ năm 2007, sau 9 năm thì đưa vào hoạt động. 
Ông Chung thông tin, khi đưa vào hoạt động, tỷ lệ vận chuyển hành khách là 43%, qua gần 2 năm hoạt động, tỷ lệ đến nay đã đạt 52%. 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho hay, theo ý kiến của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, so với các tuyến xe buýt BRT mà ngân hàng này đầu tư tại các nước trên thế giới, dự án BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả.
Còn việc nâng tỷ lệ khách sử dụng loại hình xe buýt này trong thời gian tới, ông Chung cho hay còn phụ thuộc vào sự kết nối với các tuyến xe buýt khác của thành phố và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp đưa vào sử dụng.
Theo ông Chung, để nâng cao hiệu quả tuyến BRT, từ 10.10 tới, thành phố sẽ áp dụng vé điện tử xe BRT, kết nối các tuyến xe buýt khác và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả sử dụng công trình này.
Phát triển nhà cao tầng là xu thế tất yếu
Liên quan tới việc quy hoạch, phát triển các tòa nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, ông Chung cho hay, thành phố đã ban hành quy chế liên quan đến xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô nên đã hạn chế được việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu nội thành.
Theo ông Chung, trong hơn 10 năm qua, các dự án khu đô thị, nhà cao tầng, trung tâm thương mại đã giúp bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi.
“Việc chúng ta phát triển nhà cao tầng đúng theo quy hoạch, đúng theo định hướng của thành phố và điều này cũng phù hợp với xu thế chung của các khu đô thị trên thế giới”, ông Chung cho hay, và nói thêm, dân số của thủ đô tăng lên rất nhanh, 10 năm qua tăng thêm 1,4 triệu người nên cần phải phát triển các dự án nhà cao tầng.
“Theo xu hướng chung, việc chúng ta đưa chiều cao công trình xây dựng lên là tất yếu. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà cao tầng phải đi đôi với việc phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, do nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Chung nói. Bên cạnh đó, mật độ xe máy của thủ đô với 6,5 triệu chiếc cộng thêm 650.000 ô tô, dẫn đến tình trạng quá tải.
Ông Chung cũng dẫn chứng Singapore chỉ có 680 km2 nhưng có tới 6.400 tòa nhà cao từ 20 tầng trở lên. “Hiện nay, họ có chính sách tất cả các tòa nhà từ 20 tầng trở xuống sẽ đập đi và xây nhà cao tầng”, ông Chung nói, và khẳng định đây là xu hướng mà thành phố sẽ nghiên cứu để làm sao thực hiện cho phù hợp trong thời gian tới, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư công trình hạ tầng giao thông, gồm cả hệ thống tàu điện, xe buýt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.