Chủ mới biệt thự Tam Đảo đề nghị bảo vệ quyền của 'người thứ ba ngay tình'

Thái Sơn
Thái Sơn
24/09/2021 13:39 GMT+7

Chủ mới của Công ty Mai Phương cho rằng việc khi nhận chuyển nhượng tài sản, trong đó có căn biệt thự Tam Đảo , đã không biết tài sản này được hình thành từ nguồn tiền nào nên cần được coi là "người thứ ba ngay tình".

Liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) vừa gửi đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên trả lại 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho Công ty Mai Phương.
Vụ án này sẽ được TAND cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 27.9, để xem xét kháng cáo của 6 bị cáo và Công ty Mai Phương (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án).
Khu đất 3.400 m2 tại H.Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) là khu biệt thự do Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC năm 2010, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỉ đồng.
Sau đó, năm 2011, ông Thanh chỉ đạo ông Hồng bán lại cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới, bố Trịnh Xuân Thanh đứng tên chủ sở hữu) với giá 23,8 tỉ đồng (nhưng ông Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả).
Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ ông Thanh). Đến năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng, trong đó có lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo (gọi tắt là lô đất).
Tại bản án sơ thẩm tuyên ngày 15.3.2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nói trên; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC. Đồng thời, tiếp tục thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này (đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Phương) hiện lưu trong hồ sơ vụ án.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, Công ty Mai Phương đã làm đơn kháng cáo, cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương.
Trong đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 24.9, Công ty Mai Phương tiếp tục cho rằng quyết định của tòa cấp sơ thẩm về phần dân sự liên quan đến Công ty Mai Phương không đảm bảo căn cứ pháp luật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Theo đơn, PVC tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách là nguyên đơn dân sự, có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vậy, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong vụ án này, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đại diện của PVC không có yêu cầu nào thể hiện rằng PVC yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo, PVC chỉ yêu cầu tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỉ đồng là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định gây nên.
Theo điều 5, khoản 1, bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Chính vì thế, Công ty Mai Phương cho rằng, việc tòa cấp sơ thẩm tuyên trả lại cho PVC lô đất là giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của PVC.

Chủ mới biệt thự Tam Đảo là "người thứ 3 ngay tình"?

Cũng trong đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo, Công ty Mai Phương cho rằng, nếu đủ căn cứ cho rằng ông Đỗ Văn Hồng dùng số tiền tạm ứng (sau này là góp vốn của PVC) để mua lô đất thì vấn đề giao dịch vô hiệu mới được đặt ra. Trong trường hợp đó, tòa cấp sơ thẩm lẽ ra phải xác định rõ giao dịch nào là giao dịch vô hiệu để giải quyết quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình.
Trong vụ án này, tòa cấp sơ thẩm tuyên Trịnh Xuân Thanh phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về hành vi tạm ứng và góp vốn trái quy định. Như vậy, phải xác định “góp vốn” mới là giao dịch vô hiệu vì góp vốn cũng là giao dịch dân sự. Còn các giao dịch tiếp theo có vô hiệu hay không và giải quyết vấn đề vô hiệu như thế nào còn phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự.
Trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất giữa PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương, đối tượng giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty Mai Phương phải trả tiền để có được quyền sử dụng hợp pháp lô đất chứ không phải tự nhiên mà có.
Từ đó, Công ty Mai Phương cho rằng, nếu giao dịch góp vốn bị tuyên là vô hiệu thì những giao dịch tiếp theo (bao gồm giao dịch nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Kiều Đào Lâm) phải được xem xét vấn đề ngay tình và phải bảo vệ quyền lợi của các bên thứ ba ngay tình. Giao dịch chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà Trần Dương Nga trong Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm, trong đó có quyền sử dụng lô đất là giao dịch không bị pháp luật cấm.
Ông Kiều Đào Lâm cũng không biết về việc lô đất mà PVC Kinh Bắc chuyển nhượng cho Công ty Mai Phương được hình thành từ nguồn tiền nào. Do đó, trường hợp này cần áp dụng quy định của pháp luật để xác định ông Kiều Đào Lâm, người đang quản lý và sử dụng lô đất là người thứ ba ngay tình và cần được pháp luật bảo vệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.