Chủ động đảm bảo năng lực điều trị Covid-19

11/07/2021 06:47 GMT+7

Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết đã có kịch bản sẵn sàng cho cách ly điều trị F0 và F1, cũng như số ca F0, ca nặng tăng lên.

Chiều 10.7, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết đã có kịch bản sẵn sàng cho cách ly điều trị F0 và F1, cũng như số ca F0, ca nặng tăng lên.

6 điểm mới trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất cả nước

Chuẩn bị 50.000 giường cho F0

Liên quan đến cách ly, điều trị, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết kế hoạch của TP chuẩn bị 50.000 giường, và đã có sẵn 36.500 giường, số còn lại đang tiếp tục chuẩn bị để đảm bảo năng lực điều trị.

Xử phạt 203 trường hợp vi phạm phòng chống dịch

Tại cuộc họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, ở cấp TP đã thiết lập 12 trạm chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19; cấp quận, huyện đã thiết lập 266 chốt nhằm kiểm soát việc đi lại của người dân theo Chỉ thị 16. Tính đến 12 giờ ngày 10.7, lực lượng công an đã kiểm tra, lập biên bản 203 trường hợp về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu; các quyết định xử phạt với tổng số tiền 389 triệu đồng.
Thông tin đáng lưu ý mà ông Thượng đưa ra là 80% bệnh nhân (BN) không có triệu chứng, hoặc có nhưng nhẹ. Trong số mắc Covid-19 có khoảng 5% có dấu hiệu chuyển nặng, trong đó có 30% sẽ chuyển rất nặng (trong đó 5‰ có nguy cơ tử vong).
Theo ông Thượng, một số nhận định cho rằng F0 không triệu chứng này không phải là bệnh là không đúng, vì hiện ngày nào cũng có người chuyển nặng và được đưa về bệnh viện (BV) điều trị Covid-19. Dù chưa đủ dữ liệu để công bố nhưng chủng vi rút Delta diễn tiến khác thường, từ trạng thái không triệu chứng chuyển qua có triệu chứng rất nhanh. Do vậy, ngành y tế luôn sẵn sàng xe cấp cứu để đưa những người này về BV điều trị Covid-19.
Ông Thượng thông tin thêm, đợt dịch Covid-19 này bệnh nặng do 2 nhóm: Do bệnh Covid-19 làm nặng, phổi tổn thương…; và do người bệnh mắc bệnh khác nặng. Do đó làm sao để cấp cứu, điều trị kịp thời cả 2 loại bệnh nặng này. Sở Y tế chuyển đổi công năng một số bệnh viện đa khoa để đáp ứng được cùng lúc 2 loại bệnh.
Về câu hỏi các máy như ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở có đáp ứng đủ nhu cầu, theo ông Thượng thì chỉ định ECMO là rất ít, máy hỗ trợ hô hấp (máy thở) thì cần nhiều hơn và TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ nhiều máy thở xâm lấn, máy thở không xâm lấn, không lo thiếu máy thở cho thời gian tới.
Về nhân lực phục vụ công tác phòng chống Covid-19, ông Thượng cũng cho biết TP.HCM đã huy động tối đa, kể cả các BV, Thành đoàn, Bộ Tư lệnh TP.HCM, các trường đại học và nhân lực do Bộ Y tế huy động sắp tới để tập trung cho điều trị BN Covid-19, cũng như các vấn đề hậu cần.

Bản tin Covid-19 ngày 10.7: Dịch bệnh lập "đỉnh" 1.853 ca, TP.HCM và nhiều nơi siết chặt giãn cách

Cách ly F0 ở khu điều trị, cho F1 tại nhà

Về câu hỏi liệu TP.HCM có cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà, ông Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay TP.HCM đang giãn cách, hy vọng số ca giảm dần, không phải tính đến phương án cách ly F0 tại nhà.

Sẽ hỗ trợ xe ôm, người bán báo lưu động

Báo cáo về công tác hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM áp dụng từ ngày 31.5 - 29.7 (gói 886 tỉ đồng), ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết trong 4 ngày qua (kể từ ngày 6.7), các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã thực hiện hỗ trợ khoảng 40.000 người trong tổng số 230.000 lao động tự do (hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người) với tổng số tiền khoảng 70 tỉ đồng. Trong đó, TP.HCM đã hỗ trợ hơn 20.300 người bán vé số dạo, trong đó có khoảng 8.000 người bán vé số từ các tỉnh về TP.HCM tạm trú.
“Sở đã có đề xuất với UBND TP.HCM xem xét, quyết định hỗ trợ cho lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe ôm công nghệ), xe xích lô, xe ba gác chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua thống kê sơ bộ có khoảng 34.000 người lái xe ôm truyền thống, xe xích lô, ba gác”, ông Tấn nói và cho biết thêm Sở LĐ-TB-XH TP cũng sẽ tham mưu, đề xuất hỗ trợ đối tượng người bán báo lưu động trong giai đoạn 2 của việc thực hiện gói hỗ trợ Covid-19.
Về cách ly F1 tại nhà, theo ông Thượng, ngành y tế TP.HCM rất mừng khi Bộ Y tế đã mở ra hướng mới. Nếu số ca mắc nhiều thì F1 sẽ tăng cao, nên TP.HCM sẽ làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cách ly tại nhà, nhưng nhà phải đủ điều kiện như Bộ Y tế hướng dẫn. Sở Y tế phối hợp Sở TT-TT tạo ra một số công cụ để giám sát cách ly F1 tại nhà. Hiện Q.3 và Q.Phú Nhuận đã cách ly một vài trường hợp tại nhà.
Liên quan đến cách ly điều trị F0 và cách ly F1 tập trung, tại cuộc họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM cam kết đầy đủ các điều kiện để người dân yên tâm cách ly, điều trị. Trong quá trình đó, nếu có nơi nào phát sinh bất cập về cung cấp thức ăn, điều kiện sinh hoạt…, thì TP.HCM chủ động khắc phục ngay.

Sáng 11.7: Thêm 607 ca Covid-19, riêng TP.HCM 443 ca

Lấy mẫu “cắt hộ, đánh hẻm”

Liên quan đến lấy mẫu sàng lọc Covid-19 làm sao cho an toàn, ngày 10.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các quận, huyện về lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với việc lấy mẫu tầm soát cộng đồng, thực hiện bằng lấy mẫu gộp theo đại diện hộ gia đình. Theo đó, tất cả hộ gia đình đều được lập danh sách để lấy mẫu đại diện. Mỗi hộ dưới 5 người chọn 1 người đại diện thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, còn hộ 10 người thì lấy mẫu 2 người. Về tổ chức lấy mẫu ở cộng đồng và khu công nghiệp, Sở Y tế yêu cầu phải đảm bảo giãn cách và 5K, tổ chức nhiều điểm lấy mẫu với quy mô nhỏ, theo khung giờ, không tập trung đông người.
Ở những vùng lõi của khu vực phong tỏa nên thực hiện lấy mẫu ở hộ gia đình để tránh lây nhiễm cho cộng đồng vì giai đoạn này dự báo vẫn có nhiều ca bệnh. Tuy nhiên, giải pháp này đưa đến công suất lấy mẫu sẽ giảm và thời gian di chuyển. Do đó, giữa quận, huyện và Trung tâm điều phối lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 của TP.HCM sẽ phối hợp nhịp nhàng, để bổ sung nguồn lực dự bị trong trường hợp phát sinh nhiều ổ dịch; hoặc tùy điều kiện thực tiễn của địa phương có thể triển khai các giải pháp khả thi hơn, như mời từng hộ trong khu vực lấy mẫu theo thứ tự các hộ có nguy cơ ra trước, các hộ có nguy cơ rất cao ra sau, cùng với khuyến cáo hạn chế tối đa việc mới nhiều hộ ra cùng lúc.
Sở Y tế cũng chỉ đạo lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng. Khu vực phong tỏa (nguy cơ rất cao) triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 2 - 3 ngày/lần. Khu vực có nguy cơ cao, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5 - 7 ngày/lần.
Theo chiến lược này, trao đổi với PV Thanh Niên, một số quận, huyện cho biết đang triển khai thực hiện lấy mẫu cộng đồng theo cách “cắt hẻm, đánh hộ”. Cụ thể là đội lấy mẫu sẽ đến từng hẻm, chia nhỏ từng đoạn của con hẻm, mỗi đoạn 10 hộ. Tổ trưởng dân phố sẽ đến nhà mời người đại diện của từng hộ ra lấy mẫu. Hết 10 hộ này sẽ dời sang 10 hộ khác. Làm như vậy vừa nhanh, vừa tránh tập trung, tránh nguy cơ lây nhiễm. Còn đối với việc lấy mẫu từng hộ gia đình ở vùng lõi của phong tỏa, theo lãnh đạo các Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, lâu nay ở các vùng cách ly, phong tỏa, thì quận vẫn tiến hành lấy mẫu tại từng nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.