Chủ đầu tư Bến xe Di Linh khắc phục sai phạm, Lâm Đồng chấp thuận cấp phép bổ sung

01/03/2021 09:33 GMT+7

Tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản thỏa thuận quy hoạch chi tiết dự án bến xe Di Linh (Lâm Đồng), chấp thuận cấp phép bổ sung sau khi chủ đầu tư khắc phục sai phạm.

Tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 996/UBND-XD2 thỏa thuận quy hoạch chi tiết dự án bến xe Di Linh (Lâm Đồng), sau khi chủ đầu tư khắc phục các sai phạm trong quá trình xây dựng.

Bến xe Di Linh hoang hóa sau hơn 1 năm bị ngừng thi công

ẢNH: LÂM VIÊN

Theo văn bản báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng ngày 16.10.2020 về kết quả khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi (Công ty Tá Lợi) - chủ đầu tư dự án xây dựng bến xe Di Linh thì hai khối nhà dịch vụ 10.2 và 10.3 chủ đầu tư chưa tháo các bản thang (4 cầu thang) không có trong thiết kế được duyệt.
Chủ đầu tư giải trình do bản thang tại các nhà dịch vụ 10.2 và 10.3 có kết cấu liền khối của công trình nên xin được tồn tại.

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, ngôi nhà 1 trệt một lầu (màu trắng) xây dựng không phép nhưng phù hợp chủ trương đầu tư

ẢNH; LÂM VIÊN

Cũng theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, tại bến xe Di Linh có một số công trình phù hợp với chủ trương đầu tư nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng điều chỉnh, bổ sung gồm: Nhà nhân viên diện tích 135,2 m2 gồm 2 tầng, diện tích sàn hơn 281 m2; hạng mục nhà pha chế gồm 2 căn, mỗi căn diện tích 31,6 m2. Các hạng mục nhà dịch vụ 10.1, 10.2, 10.3 có kích thước sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp và hồ sơ thiết kế được duyệt, chưa được cấp giấy phép điều chỉnh. Chưa kể hạng mục hàng rào kiên cố 2 bên nhà pha chế cũng chưa tháo dỡ.

Văn bản thỏa thuận quy hoạch có gì mới?

Theo Văn bản số 996 của UBND tỉnh Lâm Đồng thỏa thuận quy hoạch chi tiết dự án bến xe Di Linh, tổng diện tích bến xe Di Linh 8.989 m2, trong đó có 6.700 m2 phục vụ hoạt động của bến xe gồm: Bãi đậu xe, đường giao thông và điểm quay đầu xe; nhà điều hành, văn phòng, nhà chờ khách; bãi xe đón trả khách; vườn hoa thảm cỏ, nhà vệ sinh công cộng, nhà làm việc của nhân viên… Cùng các công trình dịch vụ thương mại có diện tích 2.289 m2 gồm: Nhà dịch vụ thương mại 10.1A, 10.1, 10.2, 10.3, sân và trạm cung cấp nhiên liệu, căn tin ăn uống, nhà pha chế 1 và 2.

Cổng và hàng rào trước nhà pha chế đã được tháo dỡ

ẢNH: LÂM VIÊN

Văn bản nêu rõ: “Các công trình thương mại dịch vụ dọc đường Trần Phú và QL20 phải đảm bảo phục vụ hoạt động của bến xe, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực trong quá trình thiết kế, cấp phép xây dựng, thi công và đưa vào hoạt động”.

Bổ sung giấy phép các công trình phù hợp chủ trương đầu tư

Trong báo cáo gởi UBND tỉnh, Sở Xây dựng Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho phép chủ đầu tư thực hiện các thủ tục, lập hồ sơ, liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng; điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng; điều chỉnh, bổ sung giấy phép xây dựng cho các hạng mục phù hợp với chủ trương đầu tư của tỉnh.

Khối nhà dịch vụ 10.3 được chủ đầu tư ngăn thành nhiều căn hộ buộc phải tháo dỡ

ẢNH: LÂM VIÊN

 Như Thanh Niên đã phản ánh, tháng 10.2018, Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, với 4 hạng mục chính gồm: Nhà điều hành, nhà vệ sinh công cộng, nhà căn tin và nhà dịch vụ phụ trợ (gồm 3 khối) trên lô đất “vàng” gần 9.000 m2 ngay trung tâm TT.Di Linh (Di Linh) để xây dựng bến xe loại 3, với nhiều ưu đãi.
Thế nhưng, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư có nhiều sai phạm so với nội dung giấy phép được cấp như: tùy tiện giảm diện tích nhà điều hành là công trình chính, nhưng lại tăng diện tích, thay đổi công năng các hạng mục công trình phụ trợ; nhà vệ sinh 100 m2 chưa xây dựng. Nhà căn tin xây sai vị trí, diện tích tăng thêm 37,8 m2, cạnh đó có 2 nhà pha chế chưa được cấp phép xây dựng.
Sai phạm nghiêm trọng nhất là hạng mục nhà dịch vụ. Tại khối nhà dịch vụ (10.1) có ngôi nhà biệt lập 2 tầng (không phép) rộng 140 m2 quay mặt ra hướng QL20, quay lưng vào bến xe (!).

Nhà dịch vụ 10.1A xây dựng không phép vẫn tồn tại (chụp ngày 26.2.2021)

ẢNH: LÂM VIÊN

Các khối nhà dịch vụ 10.2 và 10.3 chủ đầu tư ngăn thành dãy căn hộ lưng quay vào bến xe, mặt tiền hướng ra đường Trần Phú. Đường giao thông từ đường Trần Phú vào bến xe 12,5m bị thu hẹp còn 8m. Cơ quan chức năng còn phát hiện một biệt thự đồ sộ 2 tầng (không phép), cạnh căn tin với diện tích sàn trên 281 m2 được chủ đầu tư giải trình là “nhà nhân viên”.

Khối nhà dịch vụ 10.2 có nhiều sai phạm đã khắc phục, tháo dỡ

ẢNH: LÂM VIÊN

Với những sai phạm trên, ngày 26.7.2019 UBND H.Di Linh ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với ông Đoàn Tá Lợi, Giám đốc Công ty Tá Lợi và buộc ngừng thi công công trình, phải tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai phép, hạng mục sai phạm.

Hạng mục sai phạm tại bến xe buộc phải tháo dỡ

ẢNH: LÂM VIÊN

Trong buổi họp tổng kết cuối năm 2020 của Sở Xây dựng Lâm Đồng, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng số lượng vụ vi phạm về trật tự xây dựng so với cùng kỳ năm 2019 có giảm, nhưng một số vụ việc nổi cộm vẫn chưa được giải quyết triệt để, tạo dư luận không tốt trong xã hội, như: Chợ trung tâm TP.Bảo Lộc; Bến xe khách Di Linh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao H.Đức Trọng; Vườn Thượng Uyển bay TP.Đà Lạt… 

Tháo dỡ phần xây dựng sai thiết kế tại khối nhà dịch vụ 10.2

ẢNH: LÂM VIÊN

Đến nay, sau khi tháo dỡ, khắc phục sai phạm, chủ đầu tư đã có tờ trình UBND tỉnh Lâm Đồng vào ngày 21.12.2020, tiếp đó Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng có tờ trình số 111/TTr-SXD ngày 21.1.2021 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng kèm Văn bản thẩm định số 14/SXD-QHTK ngày 21.1.2021 nên UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản thỏa thuận quy hoạch chi tiết dự án bến xe Di Linh. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm các thủ tục cần thiết để tiếp tục thực hiện dự án bến xe Di Linh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.