Chống tham nhũng không ảnh hưởng môi trường đầu tư

07/06/2018 05:16 GMT+7

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6.6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực và không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu (ĐB) Mùa A Vàng (Điện Biên) nêu: “Vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất thuốc giả, kém chất lượng. Xin hỏi giải pháp của Chính phủ để quản lý?”. Phó thủ tướng đánh giá thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt thuốc ung thư giả tại VN Pharma; đồng thời cho biết một mặt Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, khởi tố và bắt giam một số đối tượng; tăng cường quản lý về mặt nhà nước của Bộ Y tế; mặt khác Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo tăng cường đấu thầu tập trung thuốc tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN, cùng với đấu thầu ở tỉnh, bệnh viện…
“Đấu thầu giúp quản lý chất lượng các loại thuốc tốt hơn, chi phí thuốc giảm từ 15 - 20%, trong đó có cả biệt dược giảm 13 - 14%”, Phó thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ làm tốt việc truy xuất nguồn gốc thuốc theo hướng đảm bảo chất lượng và giảm giá thuốc phù hợp với mặt bằng thu nhập, đời sống, nhất là người dân còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
       
Khi tôi đi dự họp ở Davos (Thụy Sĩ), nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp hỏi đấu tranh chống tham nhũng có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không. Tôi trả lời không ảnh hưởng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn để bảo vệ thương hiệu cà phê, tiêu của VN sau vụ việc các mặt hàng này bị trộn pin vừa qua.
Phó thủ tướng cho biết qua báo cáo của Bộ Công an, thực chất các đối tượng mới trộn pin vào vỏ cà phê và vỏ tiêu chứ không phải trộn hay pha chế vào cà phê. Thông tin từ báo chí chưa chính xác đã dẫn tới một số hiểu lầm. Thực tế việc xuất khẩu 2 mặt hàng này chưa bị ảnh hưởng. “Tại diễn đàn của Quốc hội (QH) tôi cũng xin thông tin vụ việc này như vậy cho chính xác hơn”, Phó thủ tướng nói.
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) chất vấn cuộc chiến chống tham nhũng được Ban Chỉ đạo T.Ư đánh giá là đạt được một số kết quả nhất định, đã tăng thêm lòng tin của cử tri đối với Đảng và Nhà nước, xin Phó thủ tướng cho cử tri cả nước biết quyết tâm của Chính phủ về cuộc chiến này trong thời gian tới như thế nào.
Trả lời, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định công tác phòng chống tham nhũng vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các lãnh đạo và doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. “Khi tôi đi dự họp ở Davos (Thụy Sĩ), nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp hỏi đấu tranh chống tham nhũng có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không. Tôi trả lời không ảnh hưởng”, Phó thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chương trình công tác, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Làm rõ mối quan hệ đặc khu với an ninh quốc phòng
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ lo ngại của cử tri về việc phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc trong mối quan hệ với an ninh quốc phòng. “Phó thủ tướng đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc xây dựng thành công 3 đặc khu với nền kinh tế VN? Mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế tại 3 đặc khu với sự đảm bảo an ninh, kinh tế, sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia theo các khoảng thời gian tầm nhìn 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa về việc này”, vị ĐB nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học chất vấn.
Chống tham nhũng  không ảnh hưởng môi trường đầu tư
       
Trong khi đa số các thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo thì cũng xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An)
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên thế giới, việc ra đời các đặc khu là nơi để thí điểm thể chế và để tạo ra các cực tăng trưởng. VN cũng đang cân nhắc các vấn đề, lợi ích đặt ra, cũng như việc đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia. QH cũng đang có thảo luận về luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những nội dung tương tự đặt ra để cân nhắc.
Theo Phó thủ tướng, dù có hay không có đặc khu thì Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 đầu tàu kinh tế. Cả nước còn có 7 vùng kinh tế trọng điểm khác. Vậy nên việc ra đời các đặc khu cũng không có tác động, ảnh hưởng gì với việc đầu tư cho 2 đầu tàu kinh tế và 7 vùng kinh tế trọng điểm này.
ĐB Trí tranh luận: “Tôi không hỏi về quan điểm phát triển kinh tế với đầu tàu Hà Nội hay TP.HCM mà muốn Phó thủ tướng làm rõ về việc phát triển đặc khu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào và so sánh trong mối tương quan, quan hệ với an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ theo thời gian”.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ngay sau đó cho biết hiện QH đang bàn, chưa thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. “Để có câu trả lời chặt chẽ hơn, đề nghị Phó thủ tướng sẽ có câu trả lời bằng văn bản sau”, Chủ tịch QH đề nghị.
Sửa luật Đất đai để tránh lợi ích "chảy" vào túi Doanh nghiệp
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) phản ánh tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra phức tạp mà nguyên do chính là chưa hài hòa lợi ích cho người dân khi họ bị thu hồi đất. Thực tế đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời ĐB, Phó thủ tướng cho biết tại cuộc họp mới đây với 27 địa phương có tình hình khiếu kiện phức tạp, Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT sớm tập hợp, báo cáo để đưa ra lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Theo Phó thủ tướng, một trong những nguyên nhân chính khiến khiếu kiện phức tạp là do lãnh đạo địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân theo luật.
Chống tham nhũng  không ảnh hưởng môi trường đầu tư
       
Chúng ta phải vững vàng nhưng kiên quyết, phải loại những trường hợp con sâu làm rầu nồi canh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Tuy nhiên, bấm nút tranh luận lại với Phó thủ tướng, ĐB Thủy cho rằng mấu chốt là việc lợi ích của người mất đất trong các dự án chưa được giải quyết đúng mức. “Chính phủ đang giao Bộ TN-MT sơ kết thực trạng, bất cập liên quan thu hồi đất, đền bù giải tỏa. Khi sửa luật Đất đai mới đảm bảo được cân bằng chứ như hiện nay nhà nước không thu được bao nhiêu, người dân không hưởng lợi, có khi lại chạy vào túi nhà đầu tư”, Phó thủ tướng nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ rất quan tâm tăng cường công tác quản lý đất đai”.
Trong khi đó, vấn đề tăng lương lại khiến ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) băn khoăn. “Tới đây thực hiện cải cách tiền lương thì khả năng ngân sách cân đối thế nào, có tăng trần nợ công không?”, ĐB Lợi đặt câu hỏi.
Phó thủ tướng cho biết, tăng lương thế nào, lấy nguồn đâu, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu vĩ mô ra sao đã được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ để trình T.Ư, Bộ Chính trị. “Giải pháp tiền đề là xác định vị trí việc làm để thiết kế chính sách tiền lương theo chức danh, chức vụ. Giải pháp đột phá là tinh giản biên chế bộ máy để giảm số lượng người. Một biện pháp đột phá nữa là giải pháp tài chính, căn bản nhất là phát triển sản xuất tăng thu, tiết kiệm chi tiêu, trong đó triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên để dùng nguồn cải cách”, Phó thủ tướng thông tin và cho biết, một nguồn rất quan trọng từ vượt thu ngân sách khi T.Ư quyết dành 70% tăng thu của ngân sách địa phương và 40% vượt thu của ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương.
“Trong khi đó, chúng ta vẫn đảm bảo trần nợ công, nguồn để chi đầu tư, và vẫn kiểm soát lạm phát. Tăng lương gắn tăng năng suất, hiệu quả thì không ngại ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô”, Phó thủ tướng nói.
Đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày qua, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bên cạnh những vấn đề đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được QH chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Do vậy, cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch QH cũng cho biết, sau phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 để trình QH xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. “Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo QH tại các kỳ họp sau”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Lê Hiệp (ghi)

Đạo đức trong nhà trường xuống cấp: Ai chịu trách nhiệm ?
"Chất lượng như thế mà đánh giá cao thì tôi không hiểu"
"Bộ trưởng có nói, giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao. Tôi xin nhắc lại những hạn chế của giáo dục mầm non mà hiện đang nóng và đang gây nhiều bức xúc nhất: quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền; chất lượng giáo dục mầm non không ổn định; chính sách giáo dục mầm non chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non thấp nhất trong ngành; cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non nhà nước chỉ có 39%, gia đình là 61%, cho thấy khi các cháu vào học mầm non phải đóng góp cao nhất so với các cấp học khác… Chất lượng như vậy mà đánh giá cao thì tôi không hiểu”.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre)
Chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 6.6, ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu: Trong khi đa số các thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh (HS) noi theo thì cũng xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo như cô giáo đánh HS, cô giáo bắt HS uống nước giẻ lau gây bức xúc trong dư luận xã hội. “Phải chăng thầy cô giáo ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực? Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”, ĐB Tuấn chất vấn.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, đạo đức xã hội và ngay cả trong ngành giáo dục có trách nhiệm không nhỏ thuộc về cơ quan quản lý giáo dục. “Đâu là giải pháp cơ bản cho vấn đề quan trọng này khi nội dung giáo dục làm người trong các cơ sở GD-ĐT rất mờ nhạt, không được quan tâm đúng mức theo "tiên học lễ, hậu học văn"? "Tiên học lễ, hậu học văn" giờ đây chỉ là câu cửa miệng?”, ĐB chất vấn. ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) thì cho rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức lối sống của một bộ phận giáo viên và HS hiện nay, đặc biệt là những sự cố đáng tiếc liên quan đến giáo viên gần đây có nguyên nhân việc tuyển sinh khối sư phạm thời gian vừa qua quá dễ dàng. Từ đó, ĐB tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc cử tri kiến nghị phải có quy định các điều kiện được xét tuyển vào sư phạm từ hình thức tới phát âm, học lực để giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận hiện tượng một số thầy cô giáo có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tuy không phải là phổ biến nhưng đã ảnh hưởng ghê gớm không chỉ tới ngành giáo dục mà còn đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. “Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, chúng tôi thấy đây là thiếu sót rất lớn”, ông Nhạ nói và cho biết tình trạng này có nhiều nguyên nhân, từ xã hội, gia đình, bản thân nhưng có trách nhiệm từ khâu đào tạo, bồi dưỡng chưa tới nơi tới chốn, chưa thường xuyên, dẫn tới có một số thầy cô chưa đủ năng lực, kém về phẩm chất trong đội ngũ. “Chúng ta phải vững vàng nhưng kiên quyết, phải loại những trường hợp con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. Theo ông Nhạ, sự lên án thời gian vừa qua là một sự cảnh tỉnh với những giáo viên này, cũng là cảnh tỉnh đối với toàn ngành giáo dục, trong đó có các hiệu trưởng, người đứng đầu các cơ sở giáo dục. “Để cho một cô giáo đến cả học kỳ không nói gì vẫn đứng lớp thì hội đồng sư phạm, thầy hiệu trưởng trách nhiệm ở đâu?”, ông Nhạ nêu.
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Thu Dung, Bộ trưởng GD-ĐT cũng thừa nhận, tình trạng một bộ phận giáo viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức thời gian qua có liên quan tới đầu vào tuyển sinh ngành sư phạm. Ông Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị để có những đề xuất như ngoài điểm ra thì có những tiêu chuẩn khác để tuyển sinh, tương tự các ngành về nghệ thuật.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề đạo đức xuống cấp của giáo viên, vừa qua dư luận rất bức xúc, song đây chỉ là những trường hợp cá biệt. “Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo của chúng ta xuống cấp đạo đức”, Chủ tịch QH nói và nhấn mạnh, để giải quyết thì toàn ngành giáo dục, các địa phương, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải vào cuộc chứ không phải chỉ mình Bộ trưởng GD-ĐT có thể giải quyết được.
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.