Chống cướp nhà băng

15/09/2018 06:30 GMT+7

Vì sao các đối tượng lại muốn tấn công vào các NH, đặc biệt khối NH nhà nước?

Nhân viên bảo vệ chủ quan, không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng phòng chống tội phạm; cán bộ ngân hàng chưa tuân thủ đúng quy trình; quy trình giám sát, kiểm tra thiếu chặt chẽ... là những nguyên nhân khiến các ngân hàng liên tục bị cướp trong thời gian qua.
[VIDEO] Giây phút cướp ngân hàng Vietcombank gây rúng động ở Khánh Hòa
“Săn mồi” ngân hàng quốc doanh
Kể từ đầu năm 2018 đến nay đã liên tiếp xảy ra các vụ cướp ngân hàng (NH) với hành vi ngày càng manh động, táo tợn. Các đối tượng không chỉ dùng dao, súng, thậm chí còn chế tạo cả bom, mìn và sẵn sàng tấn công khi bị chống trả. Mới đây nhất, ngày 13.9, một kẻ bịt mặt đã xông vào Phòng giao dịch VietinBank Châu Thành (xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành, Tiền Giang), lấy đi gần 1 tỉ đồng.
Trước đó ngày 5.9 tại TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa), hai đối tượng mang súng tự chế, bịt kín mặt tấn công Phòng giao dịch NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank). Sau khi dùng súng uy hiếp nhân viên và khách hàng, các nghi phạm đã cướp đi 4,5 tỉ đồng.
Chiều 6.8, chi nhánh NH Đại Chúng (PVComBank) tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị kẻ lạ dùng 1 con dao, 1 súng nhựa bắn đạn bi uy hiếp, khống chế nhân viên yêu cầu bỏ tiền vào ba lô...
Ngày 26.1, một nam giới đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang, găng tay, vào phòng giao dịch của NH Agribank tại Bắc Giang, lấy từ ba lô ra một gói hình chữ nhật dọa là bom, đặt lên bàn làm việc của thủ quỹ NH và cướp đi hơn 1 tỉ đồng.
[VIDEO] vụ cướp VietinBank ở Tiền Giang
Ngân hàng Agribank tại Bắc Giang bị cướp tấn công ngày 26.1 Ảnh: Việt Anh
Trong 4 vụ cướp điển hình kể trên thì 3 vụ rơi vào các NH thương mại cổ phần nhà nước (nhà nước kiểm soát và sở hữu vốn trên 50%), gồm: VietinBank, Vietcombank và Agribank. Nếu như cả 3 vụ tại các NH thương mại nhà nước, kẻ cướp đều uy hiếp được bảo vệ, lấy tiền đi trót lọt thì trong vụ cướp tại PVComBank, bảo vệ của nhà băng này đã khá nhanh trí phản kháng được. Dù tên cướp rút súng và dao ra uy hiếp, nhưng bảo vệ của nhà băng đã nhanh chóng áp sát khiến đối tượng phải bỏ chạy và sau đó lực lượng công an đã truy bắt thành công.
[VIDEO] Bắt 2 nghi phạm cướp ngân hàng ở Khánh Hòa
Điểm lại các vụ cướp xảy ra vào hồi cuối năm 2017 cũng có thể thấy, các “ông lớn” trong lĩnh vực tín dụng như VietinBank cũng “dính” 2 vụ, ở phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và TP.HCM; Agribank - 1 trong 4 NH thương mại cổ phần nhà nước “dính” 1 vụ ở Đắk Lắk.
Vì sao các đối tượng lại muốn tấn công vào các NH, đặc biệt khối NH nhà nước? Theo chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long, tại mỗi phòng giao dịch, chi nhánh nhỏ, lượng tiền giao dịch mỗi ngày cả chục tỉ đồng, chi nhánh lớn lên tới hàng trăm tỉ đồng. Tiền gửi, tiền rút, ngoại tệ, vàng… của rất nhiều khách chảy qua hệ thống này và trở thành “con mồi” ngon của những tên cướp. Ngoài ra, bản thân ông nhiều lần đi giao dịch thì thấy lực lượng bảo vệ của NH kiêm nhiệm quá nhiều việc, từ trông xe, dắt xe, mở cửa đến bảo vệ, áp tải tiền... nên không thể tập trung, sẵn sàng để đối phó đối tượng nghi ngờ, kẻ lạ mặt có dấu hiệu khả nghi.
Mổ xẻ kỹ hơn, ông N.X.C, đội trưởng đội bảo vệ của một NH cổ phần lớn tại Hà Nội, cho Thanh Niên biết vụ cướp tại Tiền Giang ngày 13.9 xảy ra vào lúc gần 17 giờ, tên cướp đi thẳng vào cửa, uy hiếp lấy tiền cho thấy sự chủ quan, lơ là và mất cảnh giác của bảo vệ NH này. “16 giờ là hết thời gian giao dịch, bảo vệ phải đóng cửa NH lại, trừ khi khách hàng hẹn trước thì bảo vệ phải đứng đó hỏi xem cần gặp ai và điện người trực tiếp khách muốn gặp. Nếu đúng thì mới cho người đó vào phòng và bảo vệ phải dẫn lên. Sau khi xác nhận đúng khách hàng, bảo vệ mới đi xuống. Còn trong vụ cướp tại Tiền Giang, bảo vệ để kẻ bịt mặt đi thẳng vào, cửa không đóng, nhân viên đang đếm tiền là hoàn toàn không đúng quy trình”, ông C. khẳng định.
Hai tên cướp dùng súng tự chế cướp Phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank ở TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa ngày 5.9 Ảnh cắt từ clip
Bảo vệ “cây nhà lá vườn”
Giám đốc một công ty bảo vệ cũng phân tích, hiện nay các nhân viên bảo vệ cho NH được trang bị công cụ hỗ trợ như roi điện, gậy sắt, khi đi áp tải tiền có thêm áo giáp phòng thân. Mỗi nhân viên phải trải qua khóa đào tạo hơn 1 tháng do Bộ Công an huấn luyện và cấp chứng nhận. Song những khóa đào tạo này cũng chủ yếu tập trung vào cách phòng chống tội phạm, quy trình, phản ứng…; còn lại chỉ có các nhân viên áp tải tiền được học võ thuật để chống cướp. “Với những NH cổ phần thường họ thuê công ty vệ sĩ chuyên bảo vệ, như chúng tôi nếu nhân viên nào kỹ năng yếu hoặc không đáp ứng yêu cầu sẽ loại ngay. Còn tại một số NH thương mại nhà nước, có thể họ dùng chính nhân viên bảo vệ trong nội bộ nên chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản và cạnh tranh để tồn tại nên khả năng bảo đảm an toàn an ninh không bằng các khối nhà băng cổ phần”, giám đốc công ty bảo vệ trên cho hay.
Ngoài những nguyên nhân trên, trả lời báo chí, thượng tá Đặng Hoàng Long, người phát ngôn Công an tỉnh Khánh Hòa, cũng cho biết còn nhiều bất cập trong công tác an ninh tại các phòng giao dịch NH. Đa phần các NH đều thuê bảo vệ của các công ty vệ sĩ, tinh thần trách nhiệm không cao bởi chế độ cho họ thấp hơn bảo vệ chuyên trách của NH. Nếu như họ nằm trong biên chế thì trách nhiệm sẽ cao hơn. Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa “chữa cháy”, dù NH đã có quy định khách hàng khi đến giao dịch phải tháo mũ bảo hiểm, khẩu trang, kính đen nhưng có khi các NH không kiểm soát hết. Đối tượng trà trộn vào NH lúc khách đến đông, lại gặp đúng lúc bảo vệ đang giúp cụ già, phụ nữ dắt xe.... thì không thể phát hiện kịp.
Về phía NH Nhà nước trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo cơ quan này cho biết, sau khi xảy ra các vụ cướp, các NH đã tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị an toàn tại nơi giao dịch như hệ thống camera, các hệ thống báo động, nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực khác có liên quan. NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH Nhà nước tại địa phương yêu cầu các NH phải đảm bảo hệ thống thiết bị hoạt động phát huy hiệu quả, đặc biệt là hệ thống camera quan sát khu vực giao dịch tiền mặt, khu vực trước cửa, sảnh trụ sở của đơn vị; rà soát việc thiết kế, bố trí quầy giao dịch, vách kính, cửa ra vào quầy giao dịch đảm bảo việc ngăn chặn khả năng cướp hoặc đột nhập quầy giao dịch.
Cũng theo yêu cầu của Thống đốc NH Nhà nước, các NH cần tăng cường công tác giám sát, bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch; nhân viên bảo vệ phải có sức khỏe, nghiệp vụ để xử lý kịp thời các tình huống, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức. Thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ NH. Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị như: công tác kiểm kê cuối ngày, công tác vận chuyển tiền, tiếp quỹ đảm bảo an toàn, bí mật, tránh việc kẻ gian theo dõi quy luật hoạt động của NH để gây án.
Vụ cướp ngân hàng Vietinbank tại Tiền Giang:
Mất 945 triệu đồng
Liên quan vụ cướp xảy ra ngày 13.9 tại Phòng giao dịch Châu Thành (Tiền Giang), ngày 14.9, ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc chi nhánh NH TMCP Công thương Tiền Giang (VietinBank) cho biết sau khi kiểm đếm đã xác định số tiền bị cướp là 945 triệu đồng.
Chiều 13.9, kẻ cướp đã xông vào Phòng giao dịch VietinBank Châu Thành (xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành, Tiền Giang, cạnh QL1), dùng vật giống như súng khống chế các nhân viên và yêu cầu đưa tiền. Theo camera an ninh ghi lại thì kẻ cướp đội nón, mặc áo khoác, đeo túi xách từ ngoài đường bước vào. Khi bảo vệ tới mở cửa kính liền bị khống chế và đưa 2 tay lên. Sau đó kẻ cướp quăng cái túi màu đỏ yêu cầu nhân viên bỏ tiền vào.
Một nữ nhân viên lấy xấp tiền để trên bàn bỏ vào túi màu đỏ đưa cho kẻ cướp nhưng hắn không đồng ý nên nữ nhân viên lấy thêm một cục tiền đem ra và đưa trực tiếp 4 lần cho kẻ cướp bỏ vào túi xách đang đeo trên người. Lấy tiền xong, kẻ cướp ung dung mở cửa đi ra đường. Đến lúc đó nhân viên bảo vệ mới chạy tới bấm chuông và một nữ nhân viên chạy ra cửa tri hô.
Hoàng Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.