Chồng chéo quản lý khiến 'Bộ này cầm súng, Bộ kia cầm cò'

25/12/2014 15:35 GMT+7

(TNO) “Bộ này cầm súng, Bộ kia cầm cò”, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son ví von như vậy tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng nay 25.12, khi nói về những bất cập do chồng chéo quản lý giữa Bộ này và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

(TNO) “Bộ này cầm súng, Bộ kia cầm cò”, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son ví von như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 sáng nay 25.12, khi nói về những bất cập do chồng chéo quản lý giữa Bộ này và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. 

hoi-nghi-truc-tuyenHội nghị trực tuyến sáng nay của Bộ Thông tin - Truyền thông - Ảnh: T.Sơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong nhiệm kỳ này, chức năng nhiệm vụ của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng như Bộ Thông tin - Truyền thông đã khá rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn chồng lấn. 

Theo đó, tháng 8.2007, Bộ Thông tin - Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.

Tuy nhiên, khi chia tách thì phần quản lý thông tin chưa được thực hiện dứt điểm. Theo đó, Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm... Tuy nhiên, chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo vẫn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện.

Tương tự, các thiết chế thông tin hiện nay như các thư viện, bảo tàng, thông tin cơ sở, thông tin cổ động... hiện vẫn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý nhưng theo ông Nguyễn Bắc Son, sẽ hợp lý hơn nếu để Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông cũng giãi bày việc nêu ra vấn đề này “có thể bị cho rằng Bộ cần thêm quyền lực gì đây nhưng không phải như vậy”, mà Bộ muốn Chính phủ “cầm cân nảy mực, điều chỉnh hợp lý vì yêu cầu nhiệm vụ”.

Theo ông Son, hiện có tình trạng “ai cũng muốn ôm việc khác của mình, ai cũng muốn làm việc đúng”. Nhưng quan trọng hơn là “phải làm đúng việc”.

“Giả sử thời gian qua các đồng chí thấy bên này quản lý chưa tốt thì đưa về bên kia bởi vì nếu không đồng bộ sẽ thành tình trạng anh này cầm khẩu súng, anh kia cầm cò. Bên này cầm khẩu súng tức là 90% các phương tiện truyền thông do Bộ Thông tin -Truyền thông quản lý, nhưng cái cò bắn ở bên kia là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nắm. Cái cò là chế tài ở bên kia thì khẩu súng làm sao chiến đấu được”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ví von.

Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong năm 2014 của ngành thông tin - truyền thông :  
1. Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành (chưa tính công nghiệp CNTT): ước đạt 500.000 tỉ đồng.  
2. Tổng nộp ngân sách nhà nước: ước đạt 52.000 tỉ đồng.
3. Tỷ lệ thuê bao di động: 140 thuê bao/100 dân.
4. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định: 7 thuê bao/100 dân.  
5. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động: 26 thuê bao/100 dân.
6. Tỷ lệ người sử dụng Internet: 41% dân số.
7. Tỷ lệ phủ sóng di động: 94%.
8. Tỷ lệ số xã có máy điện thoại: 100%.
9. Tỷ lệ xã có Điểm Bưu điện - Văn hoá xã: 98%.
10. Sản lượng báo xuất bản hàng năm: 1.000 triệu bản.
11. Mức hưởng thụ báo chí bình quân: trên 14 bản báo/người/năm.
12. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh: trên 95% diện tích cả nước.
13. Tỷ lệ phủ sóng truyền hình: trên 98% diện tích cả nước.
(Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin - Truyền thông)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.