Chờ tự do trước ngày đặc xá - Kỳ 1: Mẹ ra tù, con đậu đại học

29/08/2015 12:33 GMT+7

(TNO) Nằm trong số hơn 850 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn ở trại giamThủ Đức Z30D (Bình Thuận), những nữ phạm nhân một thời lầm lỡ như vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sắp được đoàn tụ với gia đình.

(TNO) Nằm trong số hơn 850 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn ở trại giamThủ Đức Z30D (Bình Thuận), những nữ phạm nhân một thời lầm lỡ như vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sắp được đoàn tụ với gia đình.

Những ngày cận kề dịp đặc xá nhân Quốc khánh 2.9, PV Thanh Niên Online đã có mặt ở trại giam Thủ Đức Z30D (ở Bình Thuận), trại giam đang quản lý phạm nhân lớn nhất so với các trại giam khác, để ghi lại cảm xúc của những người sắp được tự do.

Ở đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với những người tù sắp được đặc xá, những quản giáo của trại giam và thêm một lần nữa, chúng tôi thấu hiểu rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, tự do và tình người vẫn là tài sản quý giá, thiêng liêng nhất.

Mong được ôm con vào lòng
Tháng 4.2008, bà Nguyễn Thị Kim Nguyệt (49 tuổi, ngụ P.8, Q.4, TP.HCM) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 15 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Chấm dứt những ngày tháng hạnh phúc ở bên chồng con, từ đấy cuộc đời bà Nguyệt bắt đầu bằng những tháng ngày “ăn cơm tù, mặc áo số”.
Trong đường dây mua bán ma túy này có nhiều người tham gia và bà Nguyệt với vai trò là ‘đại lý’ chính tại khu vực công viên 23.9 (Q.1, TP.HCM). Bà bắt đầu mua bán ma túy từ tháng 6.2006, nguồn heroin lấy từ em gái ruột của bà, sau đó đem về phân phối cho các điểm bán lẻ. Khi bà Nguyệt bị bắt, cơ quan công an thu giữ được 15 cục bột trắng cân nặng hơn 20,5g và hơn 18 triệu đồng tiền mặt.
Khi gánh trên vai bản án là những năm tháng dài dằng dặc trong tù, những bị án đều mong tìm được cho mình một cuộc sống tốt đẹp, mở ra một khát vọng hoàn lương để trở về với gia đình, sớm hòa nhập cộng đồng. Bà Nguyệt không ngoại lệ. Bản thân bà cũng tràn đầy hi vọng khi tên của mình có tên trong danh sách đề nghị hội đồng đặc xá và Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyệt
Bà Nguyệt đếm từng ngày, từng giờ và chờ đợi ngày 31.8 này.
Đôi mắt đượm buồn, bà Nguyệt tâm sự, cuộc sống gia đình quá khó khăn, thời đó chỉ nghĩ rằng tiền là tất cả nên làm đủ mọi cách để kiếm tiền, kể cả buôn ma túy. Gia đình bà cũng đã có người mang bản án vài năm tù về tội này, nhưng bà Nguyệt là người bị nặng nhất.
“Nhớ hồi đó bỏ ra 16 triệu đồng để mua 5 cục ma túy nhưng lấy lời có 500 ngàn đồng. Đa số P.8, Q.4 nhiều người bán ma túy nên tôi nghĩ 500 nghìn là quá lời rồi”, bà Nguyệt kể.
Vào trại giam một thời gian, bà Nguyệt được cán bộ tạo điều kiện, chuyển qua làm bộ phận chăm sóc cây cảnh. Sau đó, bà chuyển qua giúp việc cho cán bộ, làm bộ phận tự quản, rồi trở trở thành đội trưởng đội phạm nhân chuyên đan ghế ngồi.
Tâm sự trong nước mắt khi nghĩ đến ngày đặc xá, bà Nguyệt chia sẻ dự định: “Ra tù, tôi sẽ theo cái nghề may gia công hoặc giày dép, cái nghề này tôi đã được học trong thời gian cải tạo. Tôi sẽ kiếm sống bằng chính sức lao động của mình để nuôi chồng nuôi con trong những ngày cuối đời. Gần 9 năm ở trong trại giam, chồng tôi ở bên ngoài làm lụng vất vả nuôi 3 con rồi, giờ tôi sẽ cố gắng bù đắp lại”.

Ra tù, tôi sẽ theo cái nghề may gia công hoặc giày dép, cái nghề này tôi đã được học trong thời gian cải tạo. Tôi sẽ kiếm sống bằng chính sức lao động của mình để nuôi chồng nuôi con trong những ngày cuối đời. Gần 9 năm ở trong trại giam, chồng tôi ở bên ngoài làm lụng vất vả nuôi 3 con rồi, giờ tôi sẽ cố gắng bù đắp lại

 

Nguyễn Thị Kim Nguyệt

Trò chuyện với chúng tôi trước ngày cận kề đặc xá, dù buồn rầu khi nhắc về quá khứ nhưng ánh mắt bà Nguyệt đầy hy vọng khi nghĩ về ngày được tự do. Bà tự nhận mình là người may mắn là khi chịu án người chồng vẫn luôn ở bên cạnh bà, một mình chăm sóc và lo lắng cho hai con.
Hiện người con lớn đang phụ cha ở tiệm sửa chữa điện lạnh. Bên cạnh việc được đặc xá trước thời hạn, cách đây vài ngày bà Nguyệt nhận được tin con trai út đậu đại học ngành công nghệ thông tin.
Giờ đây, bà Nguyệt chỉ mong ngày đặc xá đến thật nhanh, để bà được về nhà ôm lấy hai con sau nhiều năm xa cách, để bà làm lại cuộc đời, bù đắp thiệt thòi cho chồng con sau những lỗi lầm mà mình gây ra.
Mẹ giấu con chuyện ở tù
Đến bây giờ chị Nguyễn Thị Thúy vẫn nhớ như in ngày mình bị công an ập vào bắt vì buôn bán ma túy. Năm 1996, 25 tuổi, mâu thuẫn rồi ly thân với chồng, chị Thúy một mình từ Nam Định vào Sài Gòn, mở quán ăn nhỏ ở quận 12.
Tuy nhiên công việc làm ăn ngày càng thua lỗ, dù không nhiều nhưng cũng đủ để chị Thúy hụt hết phần vốn dành dụm bấy lâu với mong muốn làm giàu.
Chị Nguyễn Thị Thúy - Ảnh: Trung Hiếu
Một lần trong cơn túng quẫn, nghe theo lời của nhóm người, chị Thúy liều mình nhận vận chuyển một “đơn hàng” ma túy. Thúy bảo thời gian quá lâu không nhớ rõ số tiền được chia, chỉ biết rằng “số tiền đó lãi gấp nhiều lần so bán đồ ăn”.
Lần giao hàng thứ hai, Thúy bị bắt, tòa tuyên phạt chị 16 năm tù. Khi đã thụ án được 9 năm 3 tháng ở trại giam Z30D (Bình Thuận), mới đây, chị Thúy nằm trong diện được đặc xá dịp 2.9 này.
“Hồi đó nghèo quá, buôn bán thua lỗ nên lầm lỡ theo người ta buôn bán ma túy với mục đích có tiền để sớm đón con vào. Tôi chỉ muốn con mình cũng bằng bè bằng bạn”, chị Thúy rầu rĩ chia sẻ một phần lý do mình buôn bán cái chết trắng.
Con chị Thúy năm nay 15 tuổi, học lớp 8, đang ở quê với bà nội. Hơn 9 năm qua, đứa con vẫn tưởng mẹ đang đi làm ăn xa chưa một lần về. Chị Thúy kể, ngày bị bắt, sợ con sốc và tủi thân với bạn bè, hàng xóm, cả nhà giấu tin chị bị tù. Mỗi lần được trại cho điện thoại về thăm con, câu đầu tiên đứa con luôn hỏi mẹ ở đâu, sao không về thăm, ở đầu dây nước mắt người mẹ lưng tròng.
“Tôi nói dối cháu nhiều nên có khi cháu cũng ngờ ngợ về thân phận của mẹ mình. Nhưng đã trót thì phải giấu cháu thôi. Không đứa con nào muốn mẹ mình ở tù cả. Ra tù, tôi sẽ cố gắng sống thật tốt, về nhà mở một tiệm may, cái nghề mà tôi học được trong trại, cố gắng kiếm những đồng tiền lương thiện để lo cho con”, gương mặt chị Thúy rơm rớm nước mắt mỗi lần nhắc về con.
Từ tù chung thân đến… đặc xá
Một người tù khá đặc biệt khi có án chung thân nhưng được đặc xá dịp này là bà Đoàn Thị Thoa. Năm 1998, bà Thoa làm giấy tờ giả, lừa đảo thế chấp nhiều ngân hàng và bị tòa tuyên án chung thân. Bà Thoa chấp hành hình phạt tù 1 năm ở trại giam Chí Hòa (TP.HCM), 7 năm ở trại giam Phước Hòa (Tiền Giang), từ năm 2008, bà ở trại giam Thủ Đức Z30D. Vừa qua, bà Thoa là một trong những người nằm trong diện xét đặc cách tha tù trước thời hạn.
Trước câu hỏi khi bị tuyên án chung thân, có khi nào nghĩ đến ngày sẽ được ra tù không, bà Thoa nói: “Lúc đó tôi vẫn nghĩ là sẽ có ngày hôm nay. Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về thời gian. Mỗi sáng ra, tôi cố gắng lao động, làm việc thật tốt để mau chóng được trở về với con cháu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.