Chơ Ro níu giữ hồn xưa: Khôi phục chữ viết dân tộc

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
16/08/2020 07:04 GMT+7

Để giữ gìn văn hóa dân tộc vốn ngày một 'thay da đổi thịt', chữ viết là nỗi đau đáu chính của lớp người trí thức Chơ Ro.

Người Chơ Ro tại ấp Vinh Thanh ngày nay hầu hết nói tiếng Kinh. Chỉ nghe tiếng Chơ Ro khi ông bà già nói với nhau, hoặc khi họ bâng quơ nói với con cháu mình về một loại rau rừng, một địa danh nào đó mà không thể chuyển ngữ ra tiếng Kinh.

“Đó là nỗi đau của tôi !”

Trong những cuộc trò chuyện với người Chơ Ro về trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng thời nay… chúng tôi ngỡ ngàng khi họ đều bật lên hai từ “lĕq en” hoặc “dhŏa”, nghĩa là “hết rồi” hay “mất hết”. Thậm chí họ cũng nhận thấy rằng cơm lam, cồng chiêng… không phải là “thương hiệu” riêng của dân tộc. Vậy cái gì còn sót lại để dân tộc Chơ Ro tin nó là của mình? “Chữ viết!”, ông Trần Tấn Vĩnh (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trả lời tức khắc.
Căn nhà của ông Vĩnh nằm trong một con hẻm nhỏ tại P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Ông năm nay 83 tuổi, sức khỏe đã yếu. Trong giới nghiên cứu về dân tộc Chơ Ro, ông Vĩnh được xem là người tiên phong cho công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngoài công trình nghiên cứu về trang phục của người Chơ Ro đã được công bố, ông Vĩnh còn có quyển Từ điển Việt - Chơ Ro với hơn 10.000 từ được Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nghiệm thu năm 2007.
Dựa trên cách phát âm và kế thừa những nghiên cứu về hệ thống ngữ âm Chơ Ro trên cơ sở mẫu tự La tinh trước đó của Viện Ngôn ngữ học Mùa Hè (Summer Institute of Linguistics, Mỹ), ông Vĩnh lập ra hệ thống chữ cái cho dân tộc mình với 34 đơn vị chữ cái của hệ thống ngữ âm.
Chơ Ro níu giữ hồn xưa: Khôi phục chữ viết dân tộc1

Làng Vinh Thanh (TT.Ngãi Giao, H.Châu Đức), nơi tập trung sinh sống của người dân tộc Chơ Ro

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Sau công trình của ông Vĩnh, nhiều địa phương đã mở lớp dạy chữ Chơ Ro. Năm 2009, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép ông dạy thử nghiệm tại H.Tân Thành (nhưng lớp học này hoạt động chậm do ông Vĩnh đã lớn tuổi mà chưa có đội ngũ giáo viên kế thừa). Ngoài ra, ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh hiện nay có CLB văn hoá để các học sinh tìm hiểu về dân tộc mình, nói tiếng mẹ đẻ…
“Chữ viết là nỗi đau không thể nguôi của tôi với dân tộc mình. Một người học hành đàng hoàng nhưng không làm gì cho dân tộc thì thật vô dụng. Các dân tộc khác đã có chữ viết và được giảng dạy, tại sao chữ
Chơ Ro còn bấp bênh như vậy? Không có chữ viết, ngôn ngữ, làm sao bảo tồn được văn hóa”, nói đoạn ông nhắm nghiền mắt rồi tiếp: “Lịch sử đã chứng minh chữ viết rất quan trọng đối với sự vững tồn của một quốc gia, như mình từng cố gắng phổ biến chữ Quốc ngữ thời Pháp. Thế nên tôi mới làm từ điển, bắt đầu làm từ năm 1962 đến khi về đây mới đi tìm những người có điều kiện để cùng làm”.
Chơ Ro níu giữ hồn xưa: Khôi phục chữ viết dân tộc2

Ông Trần Tấn Vĩnh - người tiên phong trong công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc Chơ Ro

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Cần có chính sách dạy tiếng Chơ Ro trong nhà trường

Chị Hoàng Thị Hậu - cháu họ của ông Trần Tấn Vĩnh, hiện công tác tại Trung tâm văn hóa H.Châu Đức, chia sẻ: “Sinh ra tôi đã học tiếng Việt nên tiếng dân tộc mình tôi phải mày mò tự học. Cùng với ông Vĩnh, tôi là người tư vấn, gặp những người lớn tuổi để nghe họ nói và chỉnh sửa lại. Từ điển của ông chưa in được vì còn trục trặc vài thứ, nhất là thiếu kinh phí. Tôi buồn lắm. Dân tộc mình hình thành khá lâu nhưng tất cả bản sắc đã bị mai một, chỉ có chữ viết là của dân tộc, cần được khôi phục và phổ biến để bảo tồn văn hóa. Hằng ngày tôi vẫn cố gắng tập cho các cháu mình hát một bài dân ca Chơ Ro để chúng nó đừng quên tiếng nói trước rồi mới tập cho chúng viết chữ”.
Điều khiến chị Hậu buồn chính là nhiều người Chơ Ro hiện nay không biết giá trị ngôn ngữ của dân tộc nên thấy không cần thiết phải giữ gìn. Nhiều con em đồng bào hầu như không nói tiếng dân tộc, thậm chí, có nhiều người lớn tuổi không biết dân tộc mình có chữ viết.

Chữ viết là nỗi đau không thể nguôi của tôi với dân tộc mình. Một người học hành đàng hoàng nhưng không làm gì cho dân tộc thì thật vô dụng. Các dân tộc khác đã có chữ viết và được giảng dạy, tại sao chữ Chơ Ro còn bấp bênh như vậy? Không có chữ viết, ngôn ngữ làm sao bảo tồn được văn hóa

Ông Trần Tấn Vĩnh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Ông Vĩnh cho hay giai đoạn 1965 - 1975, chữ Chơ Ro được đưa vào giảng dạy ở một số tỉnh nhưng sau đó do mất nhiều tài liệu nên buộc các nhà trí thức phải nghiên cứu bổ sung. Hiện tại, tỉnh đã có đề án Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt lưu ý đến tiếng nói và chữ viết của đồng bào Chơ Ro.
“Mong rằng thời gian tới địa phương sẽ có chính sách dạy tiếng Chơ Ro trong nhà trường và công nhận nó là một ngôn ngữ thứ hai cho con em dân tộc. Có như thế, văn hóa Chơ Ro sẽ tiến lên bước mới và được lưu giữ nhiều hơn”, chị Hậu chia sẻ.
Chơ Ro níu giữ hồn xưa: Khôi phục chữ viết dân tộc3

Những quyển dân ca Chơ Ro mà chị Hậu dạy cháu mình hát

Trông cậy trí thức trẻ

Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, thầy Đào Văn Phước cho biết khôi phục và phát triển chữ viết, văn hóa dân tộc còn nhiều khó khăn. Theo ông, bên cạnh việc huấn luyện đội ngũ giáo viên dạy tiếng, điều quan trọng vẫn là dạy học sinh hiểu trách nhiệm, quyền lợi của chúng khi học tiếng Chơ Ro.
“Hòa nhập mà không giữ được bản sắc văn hóa, chữ viết thì hòa tan mất rồi. Chủ trương nhà nước quan tâm về trường học, kinh tế và chữ viết làm tôi mừng lắm. Mình là người con dân tộc đó, thì phải có trách nhiệm đối với tiếng mẹ đẻ của mình. Khó khăn mấy cũng phải làm”, ông Phước nói và cho biết thêm hiện nay đồng bào dân tộc Chơ Ro hầu như đã cho con em theo học bậc trung học. Con số này thời xưa chỉ chiếm chừng 5 - 10%.
Học trò ruột của thầy Phước, thầy Đào Quốc Trung cho hay sở dĩ anh làm giáo viên và tiến xa hơn trong con đường học vấn là vì anh nhận thức được vai trò quan trọng của tri thức với người bản địa. Theo anh, từ trước tới nay, dân tộc Chơ Ro đứng trước hai thách thức lớn trong công cuộc gìn giữ văn hóa: đời sống kinh tế còn khó khăn và số lượng trí thức ít.
“Nền văn hóa của chúng tôi chỉ lưu truyền qua lời kể của các thế hệ trước nên mất dần khi hòa vào đời sống mới. Vì thế làm sao phải sử dụng chữ viết của mình để lưu giữ nền văn hóa ấy. Không có chữ viết đồng nghĩa với không có ngôn ngữ, không có ngôn ngữ sẽ không có văn hóa, không có văn hóa nghĩa là không có đồng bào Chơ Ro. Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao giáo dục thế hệ trẻ Chơ Ro biết giữ gìn văn hóa của mình. Cá nhân tôi sẽ theo đến cùng công cuộc khôi phục, giảng dạy chữ viết này”, thầy Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.