Cho ở nhờ, mất luôn nhà: 'Làm ơn mắc oán'

08/12/2019 07:17 GMT+7

'Khổ chủ' trong vụ ' cho ở nhờ, mất luôn nhà ' ở Bến Tre mà Báo Thanh Niên từng liên tục phản ánh, sẽ được nhận lại nhà vào ngày 10.12. Tình huống này được nhiều bạn đọc phân tích và cho rằng 'làm ơn mắc oán'.

Theo bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre ngày 16.1.2002, trước năm 1975, cụ Võ Thị Thảnh (SN 1921, ngụ xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam; qua đời năm 2007) mua căn nhà số 157/1 đường 30 Tháng 4, P.4, TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre) cho 9 người con lên ở để đi học, vừa có nơi lánh nạn. Năm 1975, vợ chồng láng giềng xin cụ cho các con của hai vợ chồng này là: Liêu Lệ Hương, Liêu Hồng Nhung, Liêu Việt Khánh ở nhờ để đi học. Tuy nhiên, tranh chấp xảy ra khi ông Khánh không chịu trả lại nhà.
Sau đó, bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre tuyên buộc ông Khánh phải trả toàn bộ giá trị gồm nhà và đất (khoảng 50 m2) ở số 157/1 đường 30 Tháng 4 (TP.Bến Tre) cho gia đình cụ Thảnh. Thế nhưng hơn 17 năm qua, kể từ ngày bản án có hiệu lực, phán quyết của TAND tỉnh Bến Tre chưa được thi hành. Báo Thanh Niên đã có nhiều tin bài liên quan đến vụ việc này và sáng 6.12, ông Bùi Minh Tuấn, Chủ tịch UBND TP.Bến Tre, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, chủ trì cuộc họp thống nhất cách thức thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 16/2002/DS-PT do TAND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 16.1.2002; ấn định ngày thi hành bản án là 10.12.2019.
Dù vậy, ông Liêu Thế Cường (đại diện gia đình ông Liêu Việt Khánh) đề nghị được gia đình cụ Thảnh hỗ trợ 500 triệu đồng; cho lưu cư thêm 6 tháng để chờ xây nhà mới, và chính quyền TP.Bến Tre cho đất ở lâu dài, phải có quyền sử dụng đất...
Lăng kính bạn đọc: 'Làm ơn mắc oán'1

Căn nhà gia đình ông Liêu Việt Khánh chiếm dụng được dùng để làm điểm giao dịch cho thuê xe hơi và bán nước đóng bình

Ảnh: Bắc Bình

Ngược đời !

Nhiều bạn đọc (BĐ) xem đây là trường hợp điển hình để tự nhắc bản thân về việc cho mượn, cho thuê nhà. “Qua vụ này và nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra thì đúng là “làm ơn mắc oán”. Cho mượn nhà ở 23 năm miễn phí lại còn rắp tâm chiếm đoạt nhà của ân nhân mình, mãi mới chịu đi mà còn đòi người ơn của mình hỗ trợ 500 triệu đồng...”, BĐ Văn Bảo viết. Cùng ý kiến, BĐ Nguyễn Như Đức Thắng cũng thắc mắc: “Tại sao phải bố trí đất cho gia đình ông Khánh?... Thật lạ! Chiếm nhà người khác thì phải trả lại, không bị truy tố mà còn đòi được cấp đất, hỗ trợ tiền. Ngược đời!”.
Theo BĐ La Hồng, chiếm dụng nhà người khác mấy chục năm mà không phải trả một xu nào, giờ lại đòi được chủ nhà bồi thường, lại còn đòi được nhà nước cho nhà cho đất. Không thể để việc này trở thành tiền lệ xấu khi mà người có hành vi sai trái lại được ưu ái hỗ trợ “như thể họ là bị hại”. Rồi sau này sẽ có người bắt chước bán hết nhà cửa để đi ở nhờ ở trọ rồi “làm nư” không chịu dọn ra để được chủ nhà đền bù ngược lại, đòi được nhà nước đền bù nhà mới, đất mới.

Một bản án bị “bỏ quên” suốt 1/4 đời người

BĐ Nguyễn Trương Thanh đề nghị: “Chính quyền phải mạnh tay cưỡng chế để trả lại nhà cho người dân; kiên quyết không hỗ trợ một xu nào”. BĐ Nguyễn Phúc Thịnh cũng bức xúc: “Đã chiếm đoạt nhà người ta trong chừng ấy thời gian (40 năm), nếu tính tiền cho thuê nhà thôi cũng phải trả số tiền không nhỏ cho gia chủ rồi mà giờ còn yêu cầu hỗ trợ 500 triệu đồng. Không biết họ nghĩ gì?”. “Lòng từ bi bác ái sẽ không còn nữa khi “làm ơn rồi mắc oán”, BĐ Quang Hải bày tỏ.
Qua vụ việc này, nhiều BĐ cũng thắc mắc vì sao một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật mà đến 17 năm vẫn chưa được cơ quan chức năng thi hành. “Quan liêu! Trách nhiệm của ai đây? Một bản án bị “bỏ quên” suốt 1/4 đời người”, BĐ Phong Nguyễn viết.
Thực thi công lý kiểu gì thế? Không trả thì dùng biện pháp mạnh “dọn nhà” để giữ phép nước chứ.
Mai Thanh (Đồng Tháp)
Kẻ chiếm đoạt nhà lại đòi được cấp đất làm nhà? Sao lại có sự vô lý như thế?
Ngô Nam Thắng (Long An)
Ông ấy phải trả tiền thuê nhà 40 năm nay cho người chủ nhà mới đúng. Tính rẻ 1 năm 20 triệu đồng; 40 năm là 800 triệu đồng.
Văn Mai (Bến Tre)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.