Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Không làm đúng luật, thói vô ơn ‘sinh sôi nảy nở’

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
25/07/2019 05:00 GMT+7

Câu chuyện của một gia đình 3 thế hệ ở Bến Tre với hơn 20 năm mòn mỏi kiện tụng, rồi đợi thi hành án trả lại quyền sở hữu căn nhà của mình từng cho mượn, đã làm cho nhiều bạn đọc đau xót, bức xúc về "sự đời oái ăm”...

Như Thanh Niên đã phản ánh, gia đình cụ Võ Thị Thảnh (sinh năm 1921, ngụ tại xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) bị mất căn nhà khi cho ông Liêu Việt Khánh ở nhờ lúc ông này còn đi học.
Sau nhiều năm mỏi mòn kiện tụng, đến ngày 16.1.2002, bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên buộc vợ chồng ông Liêu Việt Khánh phải trả nhà, đất cho gia đình cụ Võ Thị Thảnh; và chỉ được phép lưu trú lại trong thời hạn 12 tháng để dọn đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, bản án này đã 17 năm trôi qua mà vẫn chưa được thi hành án. Cụ Võ Thị Thảnh đã qua đời năm 2007. Gia đình ông Lý Minh Tài - con của cụ Thảnh, nay phải chịu cảnh cơ hàn thiếu chỗ ăn, chỗ ở khi phải sống trong căn nhà cũ nát ở xã Hương Mỹ. Trong khi đó, căn nhà của cụ Thảnh (nay có địa chỉ số 157/1, đường 30.4, P.4, TP.Bến Tre) trở thành nơi ở và kinh doanh của vợ chồng ông Liêu Việt Khánh.
Quá trình phía gia đình cụ Võ Thị Thảnh đòi lại nhà, ông Liêu Việt Khánh nhiều lần cam kết trả lại, nhưng rồi sau đó lại “bẻ kèo” (!)
Tại tòa, 2 người em gái của ông Liêu Việt Khánh là Liêu Hồng Nhung, Liêu Lệ Hương (cùng được ở nhờ để đi học tại căn nhà số 157/1, đường 30.4, P.4, TP.Bến Tre) cũng khẳng định (cam kết bằng văn bản) rằng căn nhà là tài sản của cụ Võ Thị Thảnh từ trước năm 1975; việc vợ chồng ông Liêu Việt Khánh quay mặt hòng chiếm dụng nhà của người mình từng mang ơn, là không thể chấp nhận được.

Căn nhà cũ nát của gia đình ông Lý Minh Tài (con của cụ Võ Thị Thảnh - người cho ông Liêu Việt Khánh ở nhờ và bị mất luôn nhà) đang tá túc

ẢNH: BẮC BÌNH

Tức tưởi câu chuyện “làm ơn mắc oán”

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ niềm thương cảm trước cảnh ngộ của gia đình ông Lý Minh Tài, và câu chuyện mòn mỏi đòi nhà của cụ Võ Thị Thảnh.
Một số bạn đọc chia sẻ gia đình họ cũng từng chung “cảnh ngộ”, đó là cho người khác ở nhờ trong lúc khó khăn, nhưng sau đó thì mất luôn nhà và đất. Tuy nhiên, so cảnh ngộ của gia đình cụ Võ Thị Thảnh, thì cũng không éo le, bi đát bằng.
Nhiều bạn đọc bức xúc với thái độ của bên “được ở nhờ để đi học”, tức tưởi câu chuyện “làm ơn mắc oán”. Bạn đọc Nguyễn Chí Thảo (TP.HCM) viết: “Còn người được ở nhờ nữa, sao không mang ơn người đã giúp đỡ mình mà muốm chiếm đoạt của người ta luôn vậy?”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Sài Gòn (TP.HCM) tức tưởi: “Làm ơn không mong trả ơn mà còn gặp họa. Chủ nhà nên yêu cầu bị đơn trả thêm tiền thuê nhà, tính từ thời điểm bản án có hiệu lực. Hoặc kiện tiếp bị đơn tội chiếm đoạt tài sản”.

Ngôi nhà của cụ Võ Thị Thảnh ở TP.Bến Tre trước đây từng cho ở nhờ (nay là nhà 2 tầng), và người ở nhờ không trả mà dùng làm nơi ở và nơi kinh doanh

BẮC BÌNH

Bức xúc sự “đứng bánh” trong thi hành án

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước việc bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre có hiệu lực đã 17 năm trôi qua vẫn chưa được thi hành. Họ cảm thấy khó tin về việc tại sao thi hành án lại kéo dài đến như thế, để rồi con cháu cụ Võ Thị Thảnh phải chịu cảnh cơ hàn, chờ trong mỏi mòn để lấy lại nhà, mà nhà đó lại là nhà của mình chứ không phải nhà thuê, mướn…
“Đọc xong mà không khỏi bức xúc. Chính quyền địa phương ở đâu? Chính quyền địa phương đang làm gì?”, bạn đọc Nguyễn Hoàng (Hà Nội) bức xúc.
Còn bạn đọc Huynh Trần (TP.HCM) viết: “Thật không thể tin nổi cách làm việc tắc trách của chính quyền địa phương, án đã xử xong bao nhiêu năm rồi mà chính quyền địa phương vẫn không cưỡng chế thi hành án, bất lực đến vậy sao? Thật là bức xúc”.
Nhiều bạn đọc kiến nghị cơ quan chức năng phải làm đúng luật. “Mong Thanh tra Chính phủ xuống kiểm tra toàn bộ quy trình và các quan chức thi hành án kể cả những người đã nghỉ hưu, thiết nghĩ có gì đó ở các vị quan này?”, bạn đọc Lê Minh Trung (Bến Tre) kiến nghị.
“Xã hội xảy ra các vấn đề này là do một số cơ quan chức năng thực thi pháp luật không nghiêm. Tại sao chuyện như vậy để kéo dài dăng dẳng, tạo tiền lệ các thói hư, tật xấu không được điều chỉnh theo pháp luật sinh sôi nảy nở”, bạn đọc Nguyễn Tiền Giang (Tiền Giang) nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.